Việc nhận diện giá trị văn hóa, lịch sử và tiềm năng du lịch, cảnh quan của các dòng sông ở Hà Nội đã có nhiều bước tiến quan trọng. Nhưng để biến những giá trị, tiềm năng đó trở thành hiện thực, tạo ra lợi ích, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của Hà Nội vẫn là bài toán khó và có nhiều trở lực. Hà Nội vẫn phải dành nhiều thời gian, nguồn lực và sự tâm huyết để bước tiếp dù đã nhìn thấy rõ con đường từ lâu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải được bài toán khó này của Hà Nội, trước hết phải có quyết tâm chính trị rất cao, nhất là của những người đứng đầu, sự đồng lòng, thống nhất ý chí của người dân, xã hội.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến nhấn mạnh, Thăng Long – Hà Nội đã lớn lên quanh những dòng sông từ lâu. Chính sông hồ đã cưu mang kinh đô từ những ngày còn trứng nước. Vì thế, kể câu chuyện văn hóa của Hà Nội mà không nói về các dòng sông là thiếu sót.
Và một vấn đề mang tính nguyên tắc cần có nhận thức chung đó là việc cải tạo, hồi sinh, tiến tới phát huy giá trị các dòng sông cần phải được ưu tiên hàng đầu. Để sông ngòi của Hà Nội phải "chết” là chúng ta có tội. Mà cái chết gần thì là sông ngừng chảy, ô nhiễm, xa thì là sự lãng quên của con người với dòng sông đó.
Nói về nhận thức chung như vậy để về sau, Hà Nội sẽ không còn bắt gặp những ý tưởng kiểu như cống hóa các dòng sông, để mọi ý tưởng, đề xuất, thử nghiệm đều tập trung vào việc cứu sống các dòng sông, để người ta nghĩ xa hơn, rộng hơn, tìm cách cho các dòng sông kể câu chuyện văn hóa của mình.
“Rõ ràng việc phát huy giá trị của các dòng sông ở Hà Nội hiện nay là một vấn đề khó, nếu không muốn nói là rất khó. Có quá nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng có nhiều chuyện còn khó hơn nhưng Hà Nội vẫn làm được thì không có lý do gì để chúng ta còn phải ngần ngại hành động.
Trong bối cảnh nền kinh tế sẽ ngày càng dựa nhiều vào dịch vụ và khai thác các giá trị văn hóa, việc Hà Nội tìm cách phát huy giá trị của các dòng sông là hợp thời, hợp thế, vừa phù hợp với lịch sử vừa đi theo xu hướng chung của thời đại. Điều cần thiết lúc này là quyết tâm và cách làm”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nói.
Nhà văn này cũng nhấn mạnh, việc phát huy giá trị của các con sông là một quá trình dài, do đó cần chia thành các giai đoạn thực hiện với các mục tiêu, hạn mốc thời gian cụ thể.
Trước hết, trong khi chờ hồi sinh các con sông khác, có thể khai thác và phát huy giá trị được ngay tại sông Hồng, sông Đuống với việc xây dựng các cảng sông nội địa phục vụ du khách đường thủy. Đóng mới các phương tiện vận chuyển đường sông với kích thước, tải trọng phù hợp, hình thức mang dấu ấn đặc trưng văn hóa Thăng Long. Xây dựng các điểm đến ven sông với việc tu bổ cảnh quan, phát triển dịch vụ trên sông, ven sông phù hợp gắn với các di tích ven sông, các làng nghề truyền thống. Tu sửa cảnh quan bờ bãi ven sông, nạo vét dòng chảy, cắm các biển báo giao thông
“Từng có nhà đầu tư như A Class Cruises Group phải “bỏ của chạy lấy người” khi đến sông Hồng làm văn hóa, du lịch. Năm 2021, công ty này kéo du thuyền cao cấp Jade of River từ vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) về hoạt động trên sông Hồng, nhưng do thiếu bến đỗ và đón trả khách cùng nhiều nguyên nhân khác như Covid-19 nên sau 1 năm, công ty này phải đưa du thuyền trên trở lại vịnh Hạ Long. Tôi đã từng trải nghiệm dịch vụ du thuyền này và biết mô hình, ý tưởng rất tốt, thậm chí được nhiều khách du lịch ủng hộ, chỉ tiếc rằng nó “chết yểu”. Điều đó cũng cho thấy việc phát triển triển nghiệm du lịch văn hóa ở trên sông Hồng hoàn toàn có thể làm nhưng phải biết cách để duy trì và nhân rộng”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến lấy ví dụ minh họa.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, việc phát triển Hà Nội nói chung, cải tạo và phát huy giá trị của các dòng sông không phải chỉ riêng cho Thủ đô, mà thực chất là cho cả nước theo tinh thần Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước. Bởi Thủ đô Hà Nội là một đô thị đặc biệt, đồng thời là thủ đô của cả nước. Đô thị đặc biệt thì có thể có nhiều nhưng Thủ đô thì chỉ có một.
Hà Nội được xác định vừa là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, vừa là bộ mặt, trái tim của cả nước; do đó diện mạo phát triển của Hà Nội sẽ phản ánh sự đổi thay của Việt Nam trong công cuộc đổi mới. “Bạn bè quốc tế đến với Hà Nội chứng kiến những dòng sông như Tô Lịch, Kim Ngưu họ sẽ nghĩ gì về văn hóa và trình độ phát triển của chúng ta”, chuyên gia này đặt câu hỏi.
Do vậy, TS. Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của Hà Nội, rất cần sự vào cuộc của Chính phủ , các bộ ngành trong việc phát huy giá trị của các dòng sông, nhất là khi có nhiều vấn đề vượt ngoài khả năng của Hà Nội.
“Đã có rất nhiều đề xuất, thử nghiệm đã được triển khai nhằm tìm phương án "hồi sinh” các con sông. Tuy nhiên, đa số các phương án chỉ xử lý được hiệu quả trong một khu vực hoặc một khoảng thời gian nhất định. Bởi lẽ dù đã được Chính phủ chỉ đạo nhưng nguồn vốn để thực hiện dự án này vẫn là UBND Tp.Hà Nội tự chủ động, trong khi đó, để thực hiện đồng bộ từ thu gom nước thải, nạo vét làm sạch lòng sông, tạo dòng chảy tương đối... cần nguồn vốn rất lớn. Do đó, để dự án có tính khả thi được hay không, vấn đề cốt lõi nhất vẫn là nguồn vốn”, ông Nghiêm nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng, nhiều dòng sông không chỉ chảy qua địa phận Hà Nội mà còn đi qua các địa phương khác. Do đó, trong việc phát huy giá trị các dòng sông phải cân nhắc đến tính liên vùng, đặt trong không gian chung của đồng bằng sông Hồng, đồng bằng Bắc bộ.
Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, khởi đầu cho nỗ lực khai thác giá trị các dòng sông phải bắt đầu từ công tác quy hoạch, xác định được vai trò, vị thế của dòng sông trong tổng thể cấu trúc không gian đô thị, bảo đảm khoa học, hiện đại, gắn chặt với việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường sinh thái nhân văn, nhất là việc tạo ra không gian mới để phát triển kinh tế - xã hội.
“Khi đô thị phát triển đến một ngưỡng nào đấy, những đòi hỏi về một quá trình cân bằng và hài hòa sẽ dẫn chúng ta phải đối diện với khái niệm “phát triển bền vững”. Sự phát triển luôn cần đi kèm với việc cân nhắc gìn giữ và bảo tồn những yếu tố được cho là di sản cho cả các thế hệ sau. Nếu mất đi những di sản lịch sử hay cảnh quan thiên nhiên và văn hóa có giá trị thì thành phố có thể vẫn hiện đại nhưng không còn gì đặc biệt nữa”, TS. Đào Ngọc Nghiêm nêu quan điểm.
Đối với nguồn vốn, nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước thì sẽ rất khó khăn do dó phải có chính sách ưu đãi để huy động nguồn lực, hợp tác công – tư hiệu quả.
"Để hồi sinh những dòng sông này cần một nguồn lực đủ mạnh, trong khi chỉ chờ tiền ngân sách cải tạo thì rất khó nên Nhà nước cần kêu gọi đầu tư, xã hội hóa. Ngoài ra, chúng ta cũng nên kêu gọi các nguồn đầu tư khác từ các tổ chức quốc tế cũng như học hỏi kinh nghiệm trong xử lý ô nhiễm môi trường của họ. Nếu có cơ chế đặc thù đủ hấp dẫn, tin chắc rằng chúng ta sẽ không lo thiếu tiền để triển khai các dự án phát huy giá trị của các dòng sông", ông Nghiêm nói.
Đối với sông Hồng, chuyên gia này nhấn mạnh nếu muốn khai thác dòng sông, phải giải quyết vấn đề mực nước và sự biến động dòng chảy. Phải làm thế nào để ở mức nào cũng khai thác được, rồi kết nối với các bãi bên trong như thế nào, bằng cáp treo hay du thuyền. “Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long hay một số nước như Hà Lan, việc sống chung với lũ là chuyện bình thường, đây là kinh nghiệm để Hà Nội tham khảo”.
Bài học từ các đô thị có thương hiệu gắn với dòng sông cho thấy, sự thành công có một phần rất quan trọng đến từ việc lựa chọn được các giải pháp phù hợp và hiệu quả.
PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) cho rằng, các giải pháp dù muốn truyền tải bao nhiêu giá trị văn hóa, lịch sử đi chăng nữa mà mơ hồ, thiếu thực tế và quá lớn lao thì kết quả cuối cùng thường vẫn chỉ “xếp vào tủ”.
“Tôi thấy rằng đôi khi chúng ta chỉ cần làm đơn giản, thiết thực thôi là đủ. Trước đây từng có đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh, tôi thấy ý tưởng đó không tệ nhưng quá xa vời so với thực tế. Liệu thực sự chúng ta có cần đến mức như vậy không? Tôi cho rằng là không. Trong tương lai, một dòng sông Tô Lịch sạch sẽ, không ô nhiễm, nước chảy lừng lờ với hai bên là không gian công cộng thoáng đãng, với giá trị tự thân của nó, đã đủ để kể câu chuyện văn hóa cả nghìn năm rồi”, ông Tứ nhấn mạnh.
Bàn về ý tưởng phát huy giá trị các dòng sông ở Hà Nội, TS. KTS. Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng, với thủ đô Hà Nội, không gian sông Hồng cần được biến đổi mạnh mẽ, để đạt được vai trò là trục cảnh quan quan trọng, điều hòa cân bằng cho đô thị, đồng thời là nơi chơi giải trí, luyện tập thể thao cho người dân, đảm bảo an toàn chống thoát lũ cho đô thị.
Trên cơ sở các yêu cầu thực tiễn và kinh nghiệm thế giới, TS. KTS. Tạ Nam Chiến gợi ý các ý tưởng xây dựng Công viên sông Hồng, bao gồm: Khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ bãi giữa và khu vực ven sông; khu vực cải tạo chỉnh trang bao gồm khu dân cư tập trung bên ngoài đê thuộc các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình), Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân (quận Tây Hồ) và Ngọc Thụy (quận Long Biên); cùng với đó là các yếu tố kiến trúc có giá trị cần được kết nối như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu… thuộc Khu phố Cổ, phố Cũ.
Khu vực đầu tư mới nằm ở bãi giữa và ven sông Hồng được chia thành 3 phần chính, ngược theo “dòng thời gian – sông Hồng”, tương ứng các thời kỳ lịch sử: Khu vực quận Hoàn Kiếm – thời thị thành Phong kiến “trên bến dưới thuyền”; Khu vực cầu Long Biên- quận Long Biên, Ba Đình – thời kỳ cận hiện đại: Pháp thuộc và chiến tranh chống Pháp, Mỹ; khu vực quận Tây Hồ – thời đương đại: văn hoá, vui chơi giải trí kết hợp sinh thái…
Khu vực cải tạo chỉnh trang cần tạo ra các trục kết nối về không gian – kết nối thị giác với Khu vực phố cổ Hoàn Kiếm, phố cũ Ba Đình, khu vực đô thị mới của Tây Hồ và Long Biên.
Đồng thời, đề xuất tạo dựng các quảng trường tại khu vực Bãi Giữa, tạo các điểm nhấn về không gian, về thị giác tại đây để kết nối với các điểm nhấn đô thị sẵn có như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân – chợ Long Biên, tháp nước Hàng Đậu….
Vĩ thanh của các dòng sông ở Hà Nội là gì? Chúng ta hãy tưởng tượng khi nước các dòng sông Hà Nội trở nên trong xanh, vào những đêm trăng, người ta có thể bơi thuyền dọc theo các dòng sông, ngắm nhìn không gian phố thị hiện đại và nghe câu chuyện văn hóa của Thăng Long xưa, Hà Nội nay. Hà Nội khi đó sẽ trở nên hấp dẫn, thơ mộng và đáng yêu đến dường nào?
Và khi đó, nhắc đến các dòng sông Hà Nội, thay vì nhức đầu tìm đường giải quyết, người ta nghĩ đến một động lực của du lịch Hà Nội, động lực của phát triển công nghiệp văn hóa.
Các dòng sông khi đó lại như bao đời, lặng chảy và mang theo câu chuyện văn hóa vùng đất, con người.
Mời quý độc giả theo dõi tuyến bài Đánh thức các dòng sông thành động lực phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội trên tạp chí điện tử Người Đưa Tin
(Bài 1): Sự bồi đắp văn hóa từ các dòng sông