Đốt pháo vẫn là hành vi nghiêm cấm do những tác hại đối với môi trường sinh thái, nguy cơ cháy nổ. Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng có quy định nghiêm ngặt đối với điều này.
Trong đêm giao thừa chào đón năm 2021 ở Rome, Italy vừa qua, người dân ghi nhận hàng trăm con chim chết bất thường. Đoạn video quay các con đường gần ga tàu chính ở thủ đô của Italy cho thấy rất nhiều loài chim chết trên mặt đất.
Dù nguyên nhân hiện chưa được xác định, nhưng theo Tổ chức Bảo vệ Động vật Quốc tế (IOPA), có vẻ như màn bắn pháo hoa đêm giao thừa trong khu phố rậm rạp cây xanh nơi nhiều loài chim trú ngụ đã gây ra "vụ thảm sát" này. Có thể những con chim chết vì sợ hãi do âm thanh quá lớn.
Cũng giống như nhiều nước trên thế giới, việc bắn pháo hoa hay sử dụng pháo nổ là vi phạm lệnh cấm của thành phố Rome. Tuy nhiên, lệnh cấm này từng nhiều lần bị phớt lờ. Không chỉ gây ra các nguy cơ mất kiểm soát gây chết người, hỏa hoạn, mà từ lâu các tổ chức bảo vệ động vật tin rằng bắn pháo gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh sống của động vật.
Một tổ chức bảo vệ chim hoang dã tại Anh cho biết có rất ít bằng chứng cho thấy pháo hoa gây hại cho các loài chim hoang dã, nhưng hạn chế bắn pháo hoa cũng là hành động tốt nhất cho việc bảo tồn chúng. Tổ chức này kêu gọi tránh bắn pháo gần các khu vực động vật hoang dã nhạy cảm, như khu bảo tồn thiên nhiên và các địa điểm làm tổ của các loài chim hoang dã.
Tại Việt Nam, quy định cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo đã được đưa ra vào năm 1994 và được coi là chủ trương đúng đắn. Tác hại của pháo đã được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, không chỉ tàn pháo gây nguy hại cho sức khỏe, ô nhiễm môi trường mà nguy cơ cháy nổ, sát thương cao. Mỗi năm đều ghi nhận có hàng chục, hàng trăm trường hợp thương vong liên quan đến pháo nổ.
Mặc dù không bị cấm nhưng pháo hoa cũng được quản lý nghiêm ngặt khi chỉ được cấp giấy phép sản xuất, buôn bán các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn, an ninh trật tự theo quy định. Bên cạnh đó, quy định cũng chỉ cho phép chính quyền các tỉnh thành được bắn pháo hoa vào các ngày lễ lớn, các ngày Tết, ngày hội với điều kiện phải đảm bảo an toàn.
Càng gần Tết Nguyên đán, tình trạng buôn bán, vận chuyển pháo lậu càng nóng ở nhiều tỉnh thành, khi lực lượng chức năng liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển pháo lậu số lượng lớn, thủ đoạn tinh vi. Hôm 24/12, công an Hà Tĩnh vừa phá thành công 2 đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép pháo trên địa bàn huyện Can Lộc, thu giữ hơn 235 kg pháo. Thậm chí, công an Quảng Ninh mới đây còn bắt giữ đối tượng lên mạng xã hội học cách pha chế, sản xuất pháo nổ tại nhà bán kiếm lời.
Vừa qua, nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi cho phép cho phép người dân được sử dụng pháo hoa trong dịp Tết, ngày cưới, sinh nhật… Điều này đã khiến nhiều người tưởng lầm rằng quy định cấm pháo đã được gỡ bỏ và thú vui “đốt pháo ngày Tết” sắp được trở lại. Tuy nhiên, không có sự thay đổi nào trong quy định cấm pháo và mọi hành vi sản xuất, buôn bán, sử dụng pháo nổ đều là vi phạm pháp luật.
Nghị định mới chỉ quy định cho phép người dân bắn pháo hoa nhưng không phải bắn báo pháo hoa nổ. Theo đó, cần phải phân biệt rõ giữa pháo hoa và pháo hoa nổ. Pháo hoa nổ là loại pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian chỉ cho phép chính quyền tỉnh thành sử dụng trong các dịp lễ, Tết, ngày hội. Trong khi pháo hoa mà người dân được phép sử dụng là sản phẩm chỉ gây ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian mà không gây ra tiếng nổ. Đặc biệt, loại pháo hoa vô hại này cũng chỉ được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Nói tóm lại, pháo nổ vẫn bị cấm và nghị định mới chỉ cho phép người dân được sử dụng pháo hoa không gây ra tiếng nổ. Để tránh hiểu nhầm và vi phạm pháp luật, người dân cần nắm rõ quy định mới để hành xử phù hợp, vui vẻ mà an toàn.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.