Nhân vụ việc lùm xùm của bà Hiệu trưởng không đạt Chiến sĩ thi đua vẫn “dàn cảnh” lên sân khấu nhận danh hiệu và giấy chứng nhận giả mới được giải quyết sau hơn nửa năm ròng, chúng ta chợt giật mình khi “căn bệnh thành tích” trong giáo dục đã quá nặng nề và trở thành “di căn” từ bao giờ, mà không mạnh tay loại bỏ thật sớm?
Mới đây, lãnh đạo một phòng GD&ĐT tại tỉnh Kiên Giang vừa xác nhận thông tin miễn nhiệm chức vụ Hiệu trưởng của một trường tiểu học, sau vụ lùm xùm “diễn kịch” nhận Chiến sĩ thi đua đầy giả dối, diễn ra từ 7 tháng trước. Thành tích thì lên nhận trong “chớp nhoáng” còn xử lý kỷ luật thì cứ từ từ...
Có ai còn nhớ, hình ảnh một vị Hiệu trưởng “diễn kịch” nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2018-2019 trước toàn trường? Vì không có tên trong danh sách, bà yêu cầu một số giáo viên lấy giấy khác có lồng khung giống giấy chứng nhận để trao tạm và cùng chụp hình với các giáo viên được tặng thưởng danh hiệu trên lễ đài.
Một câu chuyện nực cười giữa ngành giáo dục!
Bản thân như vậy thì giáo dục được ai mà lại ở vị trí của lãnh đạo một cơ sở giáo dục?
Biểu hiện của “căn bệnh thành tích” có thể nói đã ở mức “ung thư giai đoạn cuối”, đã “di căn”, vô phương cứu chữa.
Sự giả dối trắng trợn, sờ sờ ngay trước mắt nhưng lãnh đạo ngành phải mất tới 7 tháng “cân nhắc” để ra quyết định miễn nhiệm cho “đúng quy trình”.
Trong suốt hơn một học kỳ qua, liệu Hiệu trưởng ấy có suy nghĩ gì? Sau “tấn hài kịch” mà bà dày công vẽ ra, nhất định phải trả những cái giá, dù lớn hay nhỏ, bởi đó là trách nhiệm.
Tuy nhiên, đánh đổi cho tư duy thiển cận và lòng ích kỷ đầy lố bịch của bà Hiệu trưởng này, là những tổn thương sâu sắc đối với ngành giáo dục!
Một nghề cao quý, bỗng chốc bị “con sâu làm rầu nồi canh”, chỉ vì những sự giả dối trắng trợn. Rồi đây, sẽ còn ai tin tưởng vào ngành giáo dục nước nhà, còn ai dám đặt 100% sự tôn trọng đối với đội ngũ giáo viên đang giảng dạy từng thế hệ?!
Danh hiệu vốn dĩ là để tôn vinh những cống hiến, những đóng góp cho sự nghiệp trao truyền tri thức, lại bỗng chốc trở thành “công cụ” để “sống ảo” của những tư duy “sâu mọt”, những kẻ chỉ vì chạy theo “danh hão” mà sẵn sàng vứt bỏ lòng tự trọng.
Nói gì đi nữa, cứ mỗi “con sâu” bị lộ ra, là niềm tin và vị thế của ngành lại vơi đi đáng kể.
Có thể chúng ta cần những động thái nhân văn, nhưng sự nhân văn cần “co giãn” hợp lý! Nhiều khi, “sự dùng dằng không thể quyết định, thường bị nhầm là sự kiên nhẫn”.
Tại sao biểu hiện của “căn bệnh thành tích” đã quá rõ ràng, mà phải mất hơn một học kỳ để đưa ra quyết định?
Chính sự xử lý thiếu dứt khoát như vậy dẫn đến “căn bệnh thành tích” lâu nay cứ rền rĩ, âm ỉ “đeo bám” ngành giáo dục. Nếu không cương quyết hơn để làm gương, thì sẽ chỉ như “muối bỏ bể”, chẳng thấm vào đâu, và chẳng giải quyết được tận gốc những mầm bệnh.
Chẳng riêng câu chuyện của bà Hiệu trưởng kia, biểu hiện của căn bệnh nan y mang tên “thành tích” cũng đã từng xuất hiện trong không ít cuộc thi của nội bộ ngành.
Nhân đây, một suy nghĩ chợt lóe lên! Có nên chăng, bỏ hết những cuộc thi, những cuộc đua lấy danh hiệu, bởi sự sáo rỗng nhất định đính kèm với chất lượng thật. Có những giáo viên hết lòng, tận tâm với học sinh mà chẳng được tôn vinh, trong khi nhiều giáo viên rạng rỡ nhận danh hiệu chỉ vì “cảm tính” hoặc thông qua 1-2 giờ dạy đã được “tập luyện” từ trước. Hoặc không ít những người chỉ nộp bản sáng kiến kinh nghiệm đã đạt Chiến sĩ thi đua, trong khi bản thân lại thờ ơ với việc dạy hơn nhiều đồng nghiệp ở vùng khó, không có điều kiện và thời gian để làm những điều tương tự.
Ở bất cứ lĩnh vực nào, ngành nghề nào, điều quan trọng nhất vẫn là thực chất, cái cốt lõi để phát triển bền vững là sức mạnh nội sinh. Những hào quang nhất thời có thể sẽ là một cách để tri ân sự tâm huyết của những người thầy, góp phần ươm mầm và định hướng tài năng cho chủ nhân tương lai của đất nước. Nhưng cũng không ít những kẻ lợi dụng điều này để biến mình trở thành một hình tượng gương mẫu trong mắt người khác, trong khi không có thực tâm, thực tài.
Thay vì cứ chạy theo để “gắp sâu ra khỏi nồi canh”, để bôi thuốc cho “căn bệnh thành tích”, tại sao không chủ động tìm cách “triệt sâu ngay từ trong trứng”, ngăn chặn những mầm mống có thể phát sinh thành bệnh ngay từ đầu?
Vì vậy, một là gạt bỏ hết những cuộc chạy đua vô nghĩa, hai là nếu đã làm thì phải làm thật nghiêm túc, công bằng, đảm bảo chất lượng. Bất cứ hạt sạn nào cũng cần được loại bỏ ngay lập tức. Thậm chí, phải nhanh chóng và mạnh tay loại bỏ khỏi ngành để “thanh lọc” môi trường giáo dục!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả