img

“Hô biến” tre thành gỗ có sức sống dẻo dai hơn sưa, trắc

Cẩm Mịch

Đứng trước bối cảnh khai thác gỗ rừng ồ ạt dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên, một giải pháp công nghệ mới tạo nên loại vật liệu mới, giống như phép màu mở ra lựa chọn cho các công trình xây dựng. Tre ép khối với độ chịu lực được đánh giá cao hơn sưa, trắc, kỳ vọng sẽ là một nguồn cung dồi dào thay thế gỗ tự nhiên.

Hơn 10 năm ấp ủ dự án với tre

Vốn có một tình yêu nồng nàn với cây tre Việt Nam, TS. Nguyễn Quang Trung - Viện trưởng viện Nghiên cứu công nghiệp rừng (viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) đã bắt đầu ấp ủ những dự án với tre từ năm 2007. Sau gần mười năm trăn trở với nhiều dự án khác nhau, ông đã bắt đầu tìm đến thành công cho một đề tài tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng rất lớn, mang tên tre ép khối.

TS. Nguyễn Quang Trung, cũng là Chủ nhiệm dự án, chia sẻ: “Thời điểm đó, Trung Quốc gần như là nhà sản xuất tre ép khối thương mại duy nhất. Nhiều doanh nghiệp từ quốc gia này đã phải vật lộn để theo kịp với tốc độ tiêu thụ toàn cầu và đang ra sức tìm kiếm các thỏa thuận mua tre từ những quốc gia láng giềng nhằm tăng công suất.

img

Trong khi đó, Việt Nam nằm trong vùng trung tâm phân bố tre của thế giới, sở hữu 121 loài tre trúc, vì vậy, phát triển các sản phẩm tre ép khối thay thế gỗ có thể coi là một hướng đi tiềm năng cho Việt Nam.

Tuy nhiên, tại nước ta, đã từng có doanh nghiệp thử hướng đi với sản phẩm này, được nghiên cứu từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước và đưa ra thị trường lần đầu tiên vào năm 2000, nhưng vấp phải thất bại do thiếu nghiên cứu”.

“Trong một chuyến đi tìm hiểu và thực hiện một đề tài về tre khác, tôi may mắn được đặt chân đến “thủ phủ” tre của Trung Quốc. Ở đó, giống như lạc vào một xứ sở của tre, người dân có thể tận dụng mọi bộ phận của cây tre để sản xuất ra những món đồ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, cả thành phố ngập tràn các sản phẩm từ tre.

img

Như bắt gặp một nguồn cảm hứng vô tận, tôi bắt đầu nung nấu ý tưởng tiếp nối dự án còn dang dở của những nhà nghiên cứu đi trước và quyết tâm đưa mô hình sản xuất tre ép khối phục vụ môi trường xây dựng ở Việt Nam. Gần một năm sau đó, dự án được duyệt. Chúng tôi bắt tay thực hiện từ tháng 5/2017 và đến tháng 12/2019 thì hoàn thành”, ông lý giải.

Trong khoảng thời gian hơn hai năm đó, hàng chục nhà nghiên cứu, cán bộ và nhân viên của viện Nghiên cứu công nghiệp rừng, trường đại học Lâm nghiệp, sở Khoa học & công nghệ Lai Châu và công ty cổ phần BWG Mai Châu đã phối hợp cùng thực hiện dự án “cải lão hoàn đồng” cho sức sống của tre Việt Nam.

img

Từ việc nghiên cứu công nghệ xử lý nguyên liệu tre đáp ứng yêu cầu sản xuất tre ép khối đến việc lựa chọn loại keo, các thông số ngâm tẩm keo và ép phù hợp với 2 loại nguyên liệu tre ở quy mô thí nghiệm, đều phải cân nhắc thật kỹ lưỡng, bởi theo Chủ nhiệm dự án, mặc dù Trung Quốc là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này nhưng công nghệ, quy trình sản xuất của họ thường được áp dụng cho nguyên liệu phổ biến ở nước này là tre moso.

Chính vì đầu vào nguyên liệu khác nhau nên Việt Nam không thể áp dụng nguyên các thông số kỹ thuật của từng công đoạn chế biến tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đó cũng không phải là toàn bộ những khó khăn, thử thách mà dự án này gặp phải.

Không phải cứ đủ máy móc là thành công

img

Tiếp nối thành công bước đầu của dự án, TS. Nguyễn Thị Phượng, thành viên của nhóm nghiên cứu, làm việc tại viện Nghiên cứu công nghiệp rừng đã mở ra một giai đoạn mới cho dự án, sản xuất thử nghiệm và dự kiến đưa ra thị trường.

Sinh ra trong một gia đình có nghề sản xuất đồ gỗ nội thất, TS. Phượng thực sự rất hào hứng dự án tre ép khối. “Ngay từ những ngày đầu nghe đến dự án có tính ứng dụng cao này, lúc đó, tôi vẫn đang học tập bên Trung Quốc, nên đã ngay lập tức đến các nhà máy sản xuất tre ép khối bên đó, tìm hiểu, học hỏi công nghệ và nhập máy móc về Việt Nam”.

“Tuy nhiên, không phải cứ có máy móc trong tay là sẽ ra được sản phẩm ưng ý. Trong dây chuyền sản xuất, có hai khâu được xem như mấu chốt là sử dụng máy ép nguội và lò sấy khuôn sau ép. Chính những công đoạn này đã tạo nên những ưu điểm của sản phẩm.

Khối lượng thể tích của sản phẩm tre ép khối mà chúng tôi sản xuất ra là 1,1 - 1,2g/cm3, lớn hơn các loại gỗ loại I như sưa, trắc... (thông số này chỉ khoảng 0,8 - 0,9g/cm3). Chính vì vậy, tre ép khối cũng có khả năng chịu lực rất tốt. Khi tôi đưa sản phẩm này sang viện Xây dựng để thử tính chất cơ lý, mọi người đều rất ngạc nhiên, khi thấy với vật liệu bê tông cùng kích cỡ, chỉ chịu được lực khoảng 60 tấn, còn tre ép khối có thể chịu được đến 90 tấn. Đó là một bất ngờ lớn!”, chị chia sẻ.

Giới thiệu một số sản phẩm mẫu ở gian hàng trưng bày, TS. Phượng bật mí thêm những ưu điểm khiến các thành viên của nhóm nghiên cứu tự hào: “Với tre ép khối, chúng tôi có thể tạo ra với chiều dài tối đa 3m, phục vụ hầu hết cho một công trình xây dựng từ cột, dầm, ván sàn, cầu thang, đến đồ mộc nội thất...

Đặc biệt, chúng tôi có thể thay đổi màu sắc của sản phẩm bằng cách điều chỉnh thời gian và nhiệt độ sấy. Hiện tại, chúng tôi đã đăng ký với bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, để chính thức đưa sản phẩm ra thị trường”.

img

Một trong những thách thức lớn nhất mà dự án phải vượt qua, nếu muốn thương mại hóa sản phẩm này, theo TS. Nguyễn Thị Phượng, chính là đào tạo, tập huấn công nhân, nâng cao hiệu quả làm việc: “Hiện tại, nhân công của nhà máy đặt tại Mai Châu (Hòa Bình) chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đi làm theo thời vụ. Đặc biệt, khi có người giám sát, họ làm đúng yêu cầu, nhưng khi rời mắt, họ lại làm ẩu đi, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Có lần, tôi và một công nhân phải ngâm keo đúng 10 phút, nhưng khi tôi có điện thoại và rời khỏi đó khoảng 3 phút, khi quay lại đã thấy họ nhấc khuôn ra. Tôi nhắc nhở thì họ còn hỏi lại một cách ngây thơ: “Ơ, thế chưa đến 10 phút à?”. Vì chưa được đào tạo cơ bản nên họ thao tác chưa thực sự có trách nhiệm với sản phẩm”.

img

Nhắc đến công trình xây dựng đầu tiên, cả TS. Nguyễn Quang Trung và TS. Nguyễn Thị Phượng đều rạng rỡ hẳn lên. Lướt nhanh chiếc điện thoại, TS. Phượng tìm lại bức hình chụp ngôi nhà sàn đầu tiên được xây dựng tại Lai Châu. Ngôi nhà hiện thuộc sở hữu của bộ Khoa học & công nghệ, trừ mái ngói ra, được xây dựng hoàn toàn từ vật liệu tre ép khối.

“Nhìn ngôi nhà sàn đầu tiên được xây dựng với vật liệu mới được sản xuất ngay tại nước mình, cảm xúc trong tôi thực sự rất khó diễn tả. Ngay cả đến hiện tại, nhiều người hiếu kỳ vẫn đến tham quan ngôi nhà, biết vật liệu chính là từ tre và keo, ai nấy đều trầm trồ. Đó là thành công bước đầu, là động lực để chúng tôi nỗ lực hơn nữa, đưa vật liệu này đến gần hơn với mọi công trình xây dựng”, TS. Nguyễn Quang Trung giãi bày.

Ý nghĩa lớn về giá trị kinh tế và môi trường

Tại hội nghị tổng kết chương trình “Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013 - 2020, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã đánh giá cao giá trị thực tiễn của dự án. Theo ông, đây là một giải pháp công nghệ mới giúp tận dụng nguồn nguyên liệu rất phong phú ở Việt Nam để tạo ra vật liệu mới, có ý nghĩa lớn về giá trị kinh tế và môi trường. Với nguồn nguyên liệu là tre trúc dồi dào như hiện nay, việc biến tre thay thế gỗ tự nhiên, sẽ là một điểm sáng, phục vụ các công trình xây dựng, góp phần giảm thiểu nhu cầu sử dụng và khai thác gỗ từ hệ sinh thái tự nhiên.

C.M

img