img

Họa sĩ hơn 20 năm “thổi hồn” tranh tem Bác Hồ bằng cả niềm tôn kính

Lê Liên - Phạm Tùng

Trong suốt hơn 20 năm “thổi hồn” cho những bức tranh Bác Hồ bằng tem hết hạn lưu hành, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn khiến người xem tranh luôn ngỡ ngàng vì cái đẹp, độc, lạ trong từng sản phẩm.

Say mê nghề từ bé

img

Trong căn phòng nhỏ chưa đầy 30m2, người họa sĩ già đang miệt mài tỉ mẩn cùng những con tem hết hạn phát hành để hoàn thành bức chân dung Bác Hồ kỷ niệm 130 năm sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2020).

Vốn là người Hà Nội gốc, nên từ thuở nhỏ ông đã có thói quen quan sát từng con ngõ, góc phố, cảnh đẹp của Hà Nội rồi vẽ lại khi rảnh rỗi. Bởi đam mê như thế, ông được bố mẹ quyết định cho học vẽ từ năm 6 tuổi.

img

Năm 1975, cậu bé mê vẽ Đỗ Lệnh Tuấn ngày nào (sinh năm 1955, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trở thành sinh viên trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (khóa 1975-1981). Tuy nhiên, sau mấy năm ra trường, tìm lối cho nghề, năm 1985 trong lúc đang có ý định bỏ nghề, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn được tiếp nhận vào nhóm vẽ Tem Bưu chính của công ty Tem mới thành lập. Công việc vẽ tem gắn bó với ông từ đó.

“Khi đó, suốt 3 năm ra trường không xin được việc như ý, tôi tuyệt vọng vô cùng, ngỡ tưởng phải buông xuôi, nhưng may vẫn có “phao cứu sinh” - Ông Tuấn bồi hồi nhắc lại kỉ niệm khó quên.

img

Lúc được nhận vào công ty Tem, ông vui sướng và dồn hết nhiệt huyết cho công việc. Lòng yêu tem, say mê vẽ tem ngấm vào máu từ lúc nào không hay. “Con tem có kích thước rất nhỏ, muốn thể hiện rõ và sắc nét hình khối, chủ đề không hề đơn giản. Vẽ tranh khó một thì vẽ tem khó gấp trăm lần. Đặc biệt, ghép tranh tem còn khó gấp vạn”.

Trong căn phòng nhỏ không quạt, không máy lạnh, mồ hôi ướt áo người họa sĩ già lúc nào không hay. Ông vẫn miệt mài với những cắt tỉa của mình, căn chỉnh từng vị trí để bức tranh có hồn. Lý giải điều khó hiểu này, ông Tuấn chia sẻ: “Vì những con tem rất nhỏ, nếu bật quạt thì tem sẽ bay và lẫn lung tung lên rất khó để hoàn thành công việc”.

Từ việc sáng tạo vẽ tem, ông được công ty giao nhiệm vụ vẽ hình Bác trên tem vào những năm chẵn kỷ niệm sinh nhật Bác.

img

Người thổi hồn tranh tem Bác Hồ

Bắt đầu từ năm 1995, từ những chiếc tem hết hạn phát hành, ông được công ty giao nhiệm vụ sáng tạo tranh Bác bằng tem. Ông Tuấn tự mày mò, sáng tạo dán những chiếc tem với nhiều màu sắc tươi sáng có, độc có, lạ có, thậm chí là những chiếc tem đã cũ mèm để phù hợp với tranh về Bác.

img

Không giống như tranh màu, tranh tem Bác Hồ không thể pha trộn các màu lại với nhau để cho ra màu như ý, họa sĩ phải phụ thuộc vào màu sắc tem được cung cấp, cắt dán sao cho phù hợp nhất, tạo ra các khoảng sáng tối đúng như bản gốc của bức tranh.

“Cùng với đó, kích thước mỗi con tem vốn đã nhỏ, nhưng không phải tất cả các phần đều được sử dụng. May mắn thì lấy được cả con tem để làm nền, có lúc một con tem chỉ lấy được một mẩu bé bằng hạt gạo để dán vào tranh. Trung bình mỗi bức tranh tôi mất từ 1.000 đến 3.000 con tem mới có thể hoàn thành” - Họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn chia sẻ.

img

Tranh tem của họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn đa dạng với nhiều đề tài từ chân dung đến phong cảnh, tuy nhiên sáng tạo về Bác Hồ vẫn là đề tài được ông tâm đắc nhất. “Mỗi lần có khách đặt làm tranh về Bác, tôi đều phải đến tận nơi để lựa chọn tem, màu sắc cho phù hợp. Tem được công ty cấp, nhưng không phải loại nào cũng phù hợp để làm tranh, nhất là tranh chân dung về Bác” - Ông Tuấn cho hay.

Theo ông Tuấn, có rất nhiều loại tem, tem hình Bác, hình người, hình động vật, thậm chí có tem in chữ rất bé... Đối với tranh ghép phong cảnh có thể sử dụng nhiều loại tem, nhưng một khi làm tranh về Bác, người họa sĩ phải vô cùng tinh tế. Không thể sử dụng phần cắt tem động vật, tem có chữ lạ để làm chân dung Người. Đối với những hình tem Bác Hồ, không thể cắt để dán lên tranh, mà chỉ tận dụng để làm nền cho bức tranh. Dán tem luôn phải để ý để không bị ngược hình tem trong tranh.

img

Sau khi chọn được màu sắc tem, loại tem, công đoạn cắt dán tem luôn mất nhiều thời gian nhất. Bộ cắt của con tem phụ thuộc vào kích cỡ của bức tranh. Tranh càng nhỏ thì diện tích cắt càng bé, có thể đến từng milimet. “Mỗi chi tiết trên bức tranh không đơn giản là dán một lớp tem sẽ đạt yêu cầu. Nhiều mảng sáng tối phải dán đến 2, 3 lớp, thậm chí phải lột đi dán lại nhiều lần cho ra được thần thái của Bác. Làm tranh phải tùy thuộc vào màu tem đậm hay nhạt để điều chỉnh các màu xung quanh cho phù hợp” - Họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn cho hay.

Để làm được tranh về Bác, họa sĩ phải tham khảo nhiều nguồn tư liệu, thậm chí nhiều lần đi thăm Lăng Bác, Phủ Chủ tịch. Có những đêm, ông thức trắng để nghiên cứu từng bức ảnh tư liệu của Người. “Không phải ai cũng được gặp Bác Hồ trực tiếp, nhưng do lòng tôn kính đặc biệt, mọi người dân Việt Nam đều có thể cảm nhận bức tranh về Bác có đúng thần thái hay không. Áp lực cũng từ đó mà ra, việc tìm tem, cắt ghép tem thể hiện được khuôn mặt, đôi mắt, mái tóc, trang phục hài hòa, chân thực và có hồn.

img

Sinh thời, Bác Hồ vốn là người sống giản dị và thanh cao. Chính vì vậy, tôi thường sử dụng màu nâu và vàng là tông màu chủ đạo. Đây quả là điều không dễ. Công việc ấy cần sự kiên trì và tỉ mỉ. Nhiều khi tôi mải miết ghép đến khi nào hài lòng mới cho phép mình có thể dừng tay” - Họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn trải lòng.

Lần đầu được gần Bác cũng là lần cuối

Ông Tuấn kể, tròn 1 tuần khi Bác mất, ngày 9/9/1969, Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc điếu văn trong Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể tại quảng trường Ba Đình - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945. Khi đó ông Tuấn đang là học sinh lớp 6 thuộc trường cấp 2 Quảng Bá, ông cùng một số bạn bè được vào Lăng viếng Bác. Hôm ấy, trời đổ cơn mưa như tâm trạng của toàn thể người dân Việt Nam.

“Trong lúc xếp hàng chờ vào viếng Bác, cảm xúc dâng trào, xót thương khiến tôi bật khóc nức nở bởi từ nhỏ tôi đã được ông bà, bố mẹ kể nhiều câu chuyện về Bác. Lần đầu được gần Bác, cũng là lần cuối cùng” - Ông Tuấn xúc động.

Theo ông Tuấn, bản thân những con tem được làm từ giấy nên màu mực không bền, dễ bị bạc theo thời gian. Mỗi bức tranh khi hoàn thành sẽ được phun lên một lớp epoxi, tạo thành một lớp nhựa trong suốt giúp tranh bền màu và sáng đẹp hơn.

img

Năm nay tròn 130 năm ngày sinh Bác Hồ, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn lại nhớ khi còn công tác, dịp kỷ niệm năm chẵn này ông thường được phân công vẽ tem về Người. Một niềm tiếc nuối ánh lên trong đôi mắt người họa sĩ già, tôi cảm nhận trong đó vẫn nguyên sự tôn kính với vị Cha Già đáng kính của dân tộc Việt Nam.

Những bức tranh tem “biết nói”

Tính đến nay, bức tranh tem ghép về Bác lớn nhất của họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn là hơn 2m. Gần 30 năm qua, ông đã ghép tổng cộng gần 2.000 bức tranh về đề tài Bác Hồ. Có rất nhiều bức đã được đưa đi trưng bày ở những triển lãm nổi tiếng trong và ngoài nước. Rất nhiều bức tranh đã được khách nước ngoài đặt riêng chiêm ngưỡng, còn gửi lời cảm ơn vì những tác phẩm của ông đã gây cảm xúc cho người thưởng tranh.

Những bức tranh về Bác của họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn có thể coi là tấm danh thiếp quốc gia, là món quà ngoại giao đầy ý nghĩa, mang thông điệp văn hóa của đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè khắp thế giới.

L.L - P.T

img