Có những tính mạng được cứu sống bởi 10.000 người – như câu chuyện giải cứu đội bóng Thái Lan năm ngoái. Nhưng có những cuộc đời kém may mắn như bé L.H.L ở trường Gateway - bị chấm dứt sau một cái sập cửa vô tâm.
Dư luận chưa nguôi nỗi xót xa cho số phận cậu học sinh lớp 1 trường phổ thông liên cấp Gateway ở Hà Nội – người vừa bị thiệt mạng do bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của trường hôm 6/8. Nguyên nhân do quy trình quản lý, chăm sóc học sinh của ngôi trường này bộc lộ nhiều lỗ hổng, tắc trách.
Hơn một năm trước, cả thế giới chứng kiến kỳ tích xảy ra tại Thái Lan, khi gần 10.000 người được huy động để tham gia chiến dịch giải cứu 13 thành viên đội bóng nhí bị mắc kẹt trong hang động tại tỉnh Chiang Rai, Thái Lan. Sau 17 ngày ròng rã, huy động toàn bộ trang thiết bị tối tân cùng sự quan tâm, cầu nguyện của hàng triệu người, toàn bộ 12 cầu thủ và huấn luyện viên đều được giải cứu thành công.
Tính mạng của những đứa trẻ trên không thể được tính toán bằng giá trị nghìn đô, triệu đô, nó được đảm bảo bằng tình thương và trách nhiệm.
Cũng là những đối tượng cần được bảo vệ nhất trong xã hội nhưng cậu bé L.H.L lại không được may mắn như thế. Cậu thông minh, lanh lợi, khỏe mạnh, chưa từng ốm đau gì nhưng lại phải ra đi chỉ vì một cái sập cửa ô tô thiếu trách nhiệm. Những người đáng lẽ ra phải có trách nhiệm với cậu thì lại đóng sập cánh cửa cuộc đời cậu.
Tính mạng của một con người trở nên mỏng manh hết bao giờ hết.
Xã hội ngày càng phát triển, người ta đã dành hàng tỷ USD để nghiên cứu chữa được những bệnh hiếm gặp và hiểm nghèo. Người ta cũng dành hàng tỷ USD để con người có thể tiếp cận và sinh sống được ở những điều kiện khắc nghiệt xa xôi.
Nhưng, trên một bình diện khác, chúng ta thấy những việc nhỏ nhặt nhất lại quyết định việc cứu được hay không cứu được tính mạng của con người.
Một chiếc xe bồn bóp còi làm bà mẹ đi xe máy giật mình làm đổ xe, con ngã vào bánh xe tử vong. Một anh lái xe taxi chỉ vì để tấm chắn nắng che khuất tầm nhìn nên đã bị tàu đâm trúng. Những người trên xe đã chết oan chỉ vì hành động nhỏ nhặt ấy.
Thành công của cuộc giải cứu đội bóng Thái Lan phản ánh sức mạnh tuyệt đối của kỷ luật, của sự chính xác. Bởi trong suốt cuộc giải cứu cam go, đã nhiều lần số phận các cậu bé như ngàn cân treo sợi tóc, chỉ một sai sót nhỏ, công cuộc giải cứu rất có thể sẽ thất bại.
Nhắc để nhìn lại, giá mà tài xế xe đưa đón trường Gateway trước khi sập cửa, lên xe kiểm tra lại một lần cuối, thì đã cứu được cả một mạng người.
Giá mà cô phụ trách điểm danh học sinh đúng quy trình trước khi đưa các cháu vào lớp, một đứa trẻ đã không bị bỏ lại phía sau. Giá mà cô giáo chủ nhiệm phát hiện học sinh vắng mặt lưu tâm hơn lý do em nghỉ học, một học sinh đã không phải từ biệt trường chỉ sau 1 ngày nhập học. Giá mà...
Nhiều cái giá mà, thật tiếc, chỉ được đúc kết sau khi xảy ra hậu quả thương tâm.
Có ai đó từng nói, nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy bắt đầu bằng việc dọn lại giường của mình. Bởi những việc nhỏ nhặt nếu phản ánh cái tâm của người làm, thể hiện sự tỉ mỉ, khắt khe trong công việc – đều là những việc ý nghĩa, góp phần vào những kết quả lớn lao hơn.
Nếu ai cũng biết là Asin chỉ chết vì cái gót chân, đoàn tàu cao tốc có thể gây tai nạn chỉ vì đường ray lệch một vài milimet, chắc chắn mỗi người sẽ có thái độ khác trong những việc nhỏ nhặt mình làm.
Đáng tiếc là, những điều trên đều không được dạy trong các trường học. Nhà trường dạy các cháu những kiến thức cao siêu, nhưng lại không dạy thái độ để thực hiện những công việc ấy. Giáo dục công dân, đáng tiếc, thường là môn bị coi nhẹ nhất trong trường học.
Người Việt Nam ít nhiều vẫn còn chịu ảnh hưởng của văn hóa nông nghiệp, vẫn mang tư duy cảm tính vào những việc mình làm. Chúng ta hay khen mình tình cảm, kêu người Đức khô khan, làm việc như cái máy. Nhưng theo tôi, họ mới là những người tình cảm nhất. Bởi cách làm việc đề cao tính chính xác sẽ không làm người khác chết oan. Đó mới là tình cảm. Đó mới là nhân văn.
Bill Gates không đầu tư tiền vào nghiên cứu cách chữa những bệnh hiểm nghèo, ông quyên góp tiền để điều trị những bệnh “phổ thông” như tiêu chảy, sởi, dịch tả…, những bệnh mà mỗi năm giết chết hàng nghìn người.
Bill Gates cũng đầu tư để làm nhà vệ sinh, một vật dụng nhỏ nhặt đối với nhiều người, nhưng sẽ là thứ cứu sống hàng triệu người khỏi những căn bệnh tưởng như ít nguy hiểm.
Cuộc sống thường trớ trêu như vậy. Có những người mắc bệnh hiểm nghèo, phải tiêu hàng trăm nghìn USD để kéo dài sự sống, ngược lại có những người sống chết chỉ nhờ vào cái nhà vệ sinh hay cái sập cửa.
Việc sập cửa tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng cần lắm sự chuẩn chỉ, bởi tính mạng con người cần được đảm bảo bằng kỷ luật về sự chuẩn chỉ đó.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.