Chiều ngày 20/4, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết: “Sau thời gian dài nghỉ học, các em học sinh rất háo hức khi được trở lại trường.
Để đảm bảo an toàn trước khi bước vào lớp học, các em học sinh được đo thân nhiệt cẩn thận và phải thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 do thầy cô hướng dẫn, như đeo khẩu trang và thường xuyên vệ sinh bằng dung dịch rửa tay khô, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu trong lúc di chuyển và giờ giải lao…”.
Trước đó, ngày 16/4, sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau đã có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh ngày 15/4 về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, về lĩnh vực giáo dục, UBND tỉnh Cà Mau cho phép học sinh khối 9 và 12 đi học lại từ ngày 20/4, sở GD&ĐT căn cứ tình hình thực tế của các trường, lớp học và giáo viên để có biện pháp chia nhỏ sĩ số lớp, tăng cường giáo viên giảng dạy, có biện pháp giãn cách xã hội đối với phụ huynh khi đưa đón học sinh nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh đến lớp.
Bên cạnh đó, khẩn trương chỉ đạo cho phun xịt, tiêu độc, khử trùng, triển khai các công việc cần thiết trước khi học sinh khối lớp 9 và lớp 12 đến trường, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Các cấp học, bậc học còn lại (kể cả các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, trường chính trị tỉnh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị) tiếp tục nghỉ học, chờ thông báo tiếp theo của UBND tỉnh.
Sáng ngày 20/4, học sinh khối 9 và khối 12 trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã trở lại trường sau thời gian nghỉ học kéo dài do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Theo Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân, trong buổi đầu tiên trở lại trường, sĩ số học sinh tại các trường khá ổn định, học sinh cũng hào hứng và phấn khởi khi được gặp lại bạn bè, thầy cô sau kỳ nghỉ dài.
“Để đảm bảo an toàn cho chính học sinh, các trường chia nhỏ sĩ số, chẳng hạn, một lớp chia thành hai buổi học sáng/chiều để đảm bảo giãn cách 2m/học sinh. Học sinh cũng nghiêm túc thực hiện những hướng dẫn đảm bảo an toàn mà nhà trường và giáo viên đưa ra. Tôi mong sớm hết dịch để học sinh cả nước cùng được đến trường”, ông Nguyễn Minh Luân thông tin thêm.
Cũng trong ngày 20/4, hàng nghìn học sinh bậc THPT và học sinh lớp 9 tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Bình trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết kéo dài.
Theo Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh thái Bình Nguyễn Viết Hiển, học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 chỉ học 1 buổi/ngày; trong đó, đối với học sinh bậc THPT, Sở yêu cầu các trường thực hiện giãn cách, học sinh khối 12 và khối 11 học buổi sáng, còn học sinh khối 10 học buổi chiều. Học sinh lớp 9 chỉ học nửa buổi.
Theo số liệu của sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình, tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh năm học 2019-2020 có 22.866 học sinh lớp 9; 17.596 học sinh lớp 10; 19.458 học sinh lớp 11 và 17.161 học sinh lớp 12.
Một số địa phương khác cũng đã và đang sẵn sàng tinh thần đón học sinh trở lại trường học.
Chiều ngày 19/4, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành công điện khẩn số 10/CĐ-UBND gửi Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, về việc cho phép hoạt động trở lại một số lĩnh vực, ngành nghề
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho học sinh các trường THCS, THPT, các cơ sở giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học trên địa bàn tỉnh đi học trở lại từ ngày 21/4/2020 nhưng phải thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế (như: khử khuẩn phòng học, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn,...).
Đối với học sinh tiểu học và mầm non, tiếp tục nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã có thông báo, cho phép học sinh khối 9 và 12 quay trở lại trường học bình thường từ ngày 27/4. Các cấp, bậc học còn lại sẽ tiếp tục nghỉ học, chờ thông báo tiếp theo.
Theo đó, sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long sẽ căn cứ tình hình thực tế của các trường, lớp và giáo viên để chỉ đạo đẩy mạnh dạy và học trực tuyến, áp dụng các hình thức giảng dạy phù hợp điều kiện của nhà trường. Đồng thời, khi học sinh đến lớp, các trường phải sắp xếp lịch học, giãn cách phụ huynh khi đưa đón học sinh, thực hiện tốt các biện pháp chống dịch theo quy định.
Bên cạnh đó, một số địa phương Nghệ An, Quảng Nam, Thanh Hóa, Cao Bằng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tiền Giang, Yên Bái, Lào Cai... cũng cho biết sẽ đề xuất UBND tỉnh cho học sinh THCS, THPT đi học lại vào cuối tháng 4 hoặc chậm nhất là đầu tháng 5; các cấp học dưới trở lại trường học chậm hơn khoảng 1-2 tuần…
Trước đó, tại buổi họp trực tuyến với Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ngày 16/4, nhiều địa phương cũng đã thông tin dự kiến đề xuất cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 5. Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc sở GD&ĐT Cao Bằng cho biết, dự kiến sẽ tham mưu UBND tỉnh cho học sinh đi học trở lại vào cuối tháng 4, đầu tháng 5. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, thầy cô giáo, một số giải pháp được sở GD&ĐT tính đến, như phân chia khối lớp học khác buổi, ví dụ học sinh khối 9, 12 học sáng; các khối khác học buổi chiều… để học sinh không đến trường một lúc quá đông.
Tương tự, tỉnh Đắk Lắk hiện nay chưa có dịch và được xếp vào nhóm nguy cơ thấp, nên nếu không có chuyển biến bất thường, đại diện sở GD&ĐT Đắk Lắk cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh cho học sinh đi học lại vào đầu tháng 5 tới.
Ông Vương Văn Bằng, Giám đốc sở GD&ĐT Yên Bái cũng cho biết đã chủ động đưa ra 5 kịch bản tương ứng với 5 mốc thời gian dự kiến học sinh đi học trở lại, mốc sớm nhất là 20/4 và mốc muộn nhất là 15/6; kịch bản tương ứng với mỗi mốc thời gian đều tính đến đầy đủ các yếu tố, từ thực hiện chương trình đến ôn tập, đội ngũ, kinh phí kèm theo…
Phó Giám đốc sở GD&ĐT Lào Cai Đỗ Minh Tâm cho biết, đang cố gắng để học sinh có thể đi học lại vào đầu tháng 5: “Sở đang xây dựng 2 phương án. Phương án 1, dự kiến học sinh khối THPT và giáo dục thường xuyên đi học trước, sau 1 tuần đến các khối còn lại. Phương án 2 dự kiến chỉ khối lớp 9 và lớp 12 đi học lại từ đầu tháng 5, sau đó đến các khối lớp khác”.
Liên quan đến vấn đề học sinh đi học trở lại, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, đây là việc cần được tính toán, xem xét rất kỹ dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên. Theo đó, các địa phương nằm trong nhóm có nguy cơ cao theo khuyến nghị của Thủ tướng Chính phủ, cần xem xét, cân nhắc; địa phương nguy cơ thấp có thể xem xét đề xuất UBND tỉnh cho học sinh đi học trở lại.
“Học sinh đi học phải an toàn, trường học có an toàn mới cho học sinh đi học. Các địa phương có thể tính toán để học sinh lớp 9, lớp 12 đi học trước, các lớp khác học sau; cũng không nhất thiết phải xếp lịch học cả tuần mà có thể xếp học 3 buổi/tuần, đan xen thực hiện dạy học trực tiếp và trực tuyến. Ở mỗi lớp học cũng có thể tách đôi số lượng học sinh để bố trí giảng dạy; kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến…”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng lưu ý, trên tinh thần nội dung dạy học đã tinh giản, các trường xây dựng kế hoạch dạy học theo đúng thời gian và chương trình đã tinh giản, đồng thời tổ chức dạy học và ôn tập sao cho phù hợp, quyết tâm để hoàn thành chương trình trước 15/7, đặc biệt với học sinh khối 12.
T.T