Thêm con vịt, bữa ăn gia đình có thể có thêm bát xáo măng. Thêm chậu hoa, phòng khách có thể có thêm chút sinh khí. Nhưng thêm vô cảm, thêm nhẫn tâm với đồng loại thì những kẻ hôi của chắc chắn đã bị bớt đi phần nhiều nhân cách, đạo lý làm người.
Tiếng Việt vốn dĩ phong phú và hàm súc. “Hôi” - khi là tính từ dùng để chỉ một loại mùi khó ngửi. Nghĩa phái sinh của nó, “hôi” trong từ “hôi của” - là động từ chỉ việc mót, nhặt, lấy của cải của người khác nhân một vụ việc nào đó, thường là vụ bất cẩn hoặc tai nạn của người ta.
Lấy tài sản của người khác đã là xấu, là vi phạm pháp luật, đằng này lấy tài sản của người đang gặp nạn thì còn đáng xấu hổ hơn. Thế nhưng, thật đáng tiếc, hành động đáng xấu hổ ấy vẫn thi thoảng xảy ra trong một bộ phận người Việt chúng ta.
Mới đây nhất, sáng 10/6/2019, tại km670+100, đường tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, khi chiếc xe tải của tài xế Tạ Hồng Dương (32 tuổi, trú xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) bất ngờ mất lái, lật ngang làm khoảng 1.800 con vịt trên thùng ô tô tràn xuống đường, chạy tán loạn trên quốc lộ, thì một cảnh tượng vô cùng bất nhẫn đã xảy ra.
Trong khi một số người dân địa phương ra tay hỗ trợ người bị nạn thu gom vịt thì một số khác (được cho là người qua đường) đã lập tức nhảy vào… hôi vịt. Những bức ảnh được chụp lại đã “tố cáo” hành vi hết sức nhếch nhác này.
Có người cầm vịt vội vã chạy vào rừng. Có người một tay điều khiển xe máy, một tay cầm đôi vịt vừa hôi được, nét mặt hoan hỉ… Trong khi đó, khi kể lại với báo chí, tài xế Dương cho biết trong lúc hoảng loạn anh đã khóc lóc chạy theo đoàn người hôi của để van xin “Cháu bị nạn thế này, xin cô chú đừng bắt vịt nhà cháu…” nhưng dường như không có ai động lòng trắc ẩn mà chiến thắng được sự tham lam nhẫn tâm ấy.
Hậu quả là hiện nay tài xế Dương đang đối mặt với mức đền tiền gần 200 triệu đồng.
Không biết phép màu có xảy ra với anh Dương như đã từng xảy ra với người lái xe chở bia tên là Hồ Kim Hậu ở Đồng Nai hồi năm 2013 hay không?
Năm đó, anh Hậu cũng đang lái xe tải chở thuê 1.360 thùng bia Tiger và Henineken thì bị lật xe, đổ bia ra đường và bị nhiều người dân xông vào hôi của. Số tiền anh Hậu bị đền cho công ty lên đến 310 triệu đồng trong khi hoàn cảnh khó khăn, ở nhà trọ, vợ mới sinh con. Rất may nhiều người cảm thương hoàn cảnh của anh nên đã quyên góp tiền hỗ trợ. May mắn hơn, công ty thuê anh Hậu chở bia đã không bắt đền nên sau đó anh Hậu trả lại hết số tiền cho những người ủng hộ.
Vụ việc hôi bia ở Đồng Nai được coi là có cái kết cổ tích và trở thành điển hình mang tính chất răn đe hành vi bởi 2 đối tượng hôi 11 thùng bia mang đi bán được 3 triệu đồng trong vụ đó đã nhận cái kết “đắng” là mỗi đối tượng lĩnh án 6 tháng tù vì tội danh Công khai chiếm đoạt tài sản.
Những tưởng bài học nhãn tiền từ vụ hôi bia đó sẽ cảnh tỉnh được lòng tham của nhiều người, nhưng thực tế vẫn còn nhiều đối tượng có lối sống hoang dã, quen với tư duy chỉ cần mình có lợi là làm, bất chấp thiệt hại của người khác như thế nào.
Thế nên mới lại xảy ra các vụ hôi nước ngọt ở TP.Hồ Chí Minh năm 2014, hôi cá trên sông Đồng Nai năm 2017, hôi cám lợn ở Hoà Bình năm 2017, hôi hoa sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều ở Hà Nội hồi tháng 3/2019 và bây giờ là hôi vịt ở Quảng Bình.
Trong cuốn sách từng gây tranh cãi “Người Việt xấu xí”, tác giả Vương Trí Nhàn đã thẳng thắn chỉ ra những thói hư tật xấu của người Việt.
“Lười nhác, không giữ danh dự, chỉ tham lam chạy theo những giá trị tầm thường” là những gì nhà văn nói về một bộ phận người Việt. Nghe thì có vẻ bất nhẫn, khó chấp nhận nhưng nếu chỉ nhìn vào riêng hành động hôi của thì có thể thấy không sai chút nào.
Cá nhân tôi không hiểu sao có người sẵn sàng hoan hỉ vì một bát xáo măng miễn phí mặc đồng loại van xin khóc lóc, sao có quý ông đi ô tô sang trọng vẫn dừng lại hôi vài chậu hoa sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều, thậm chí có người còn hôi cả cám lợn của người chết… (vụ tai nạn xe tải chở cám đâm vào vách núi ở Hoà Bình làm 2 người chết hồi năm 2017).
Nếu không vì tham lam (ăn cướp trắng trợn), lười nhác (không muốn làm nhưng lại muốn hưởng thành quả lao động của người khác), không có danh dự (ăn cướp thì đương nhiên không có danh dự)… thì vì lý do gì?
Có chăng còn có thêm lý do là thói quen vô cảm với đồng loại đang ngày ngày gặm nhấm nhân cách của một bộ phận trong chúng ta, khiến cho lòng tốt ngày càng trở nên hiếm hoi.
Hậu quả là sau mỗi lần xảy ra vụ việc hôi của thì người với người nhìn nhau xa cách hơn, báo chí lên án, dư luận phẫn nộ.
Cha ông ta có câu “Thấy người gặp nạn thì thương”, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”… Pháp luật cũng có điều khoản áp dụng cho hành vi thấy người gặp nạn mà không cứu giúp.
Thôi thì muộn còn hơn không, pháp luật cần mạnh tay xử lý những đối tượng ăn cướp công khai để nâng cao tính răn đe, giáo dục cần đẩy mạnh tuyên truyền đạo đức lối sống, nhân rộng lòng tốt khắp nơi.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.