Phản ánh đến PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, cô Lâm Cẩm Bào (nguyên giáo viên hợp đồng trường tiểu học Phong Tiến, xã Tân Lộc Đông) cho biết, cô gắn bó với nghề giáo từ năm 2007. Đến ngày 20/7/2011, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình quyết định nâng lương đối với cô Lâm Cẩm Bào từ mức lương hiện hưởng mã số ngạch 15a.204, bậc 1, hệ số 2,10, hưởng từ ngày 1/1/2008 lên bậc 2, hệ số 2,41. Theo quyết định này, cô Bào được hưởng mức lương mới và thời gian điều chỉnh mức lương lần sau kể từ ngày 1/1/2011. Thế nhưng, kể từ đó đến tháng 10/2018 khi cô Bào bị chấm dứt hợp đồng vẫn không được nâng bậc lương nào.
Điều đáng nói, trong cùng ngày 17/3/2020, UBND huyện Thới Bình lại làm “quy trình ngược” ban hành liên tiếp Quyết định số 1214/QĐ-UBND và Quyết định số 1221/QĐ-UBND nâng bậc lương thường xuyên giáo viên hợp đồng cho cô Bào lên bậc 3 (hệ số 2,72 được hưởng mức lương mới và thời điểm xét nâng bậc từ ngày 1/1/2014) và bậc 4 (hệ số 3,03 được hưởng mức lương mới và thời điểm xét nâng bậc từ ngày 1/1/2017). Trong khi đó, những quyết định này đáng lẽ cô Bào phải được nhận trong thời gian còn công tác?!.
Mãi đến ngày 6/8, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình lại ban hành quyết định hủy 2 quyết định nâng lương nói trên đối với cô Lâm Cẩm Bào với lý do “chờ kết luận của đoàn kiểm tra để có hướng giải quyết tiếp theo…”.
Cùng trường hợp như trên là cô Hữu Thị Xanh, ở xã Tân Lộc. Tháng 10/2009, cô Xanh được hợp đồng làm việc tại trường tiểu học Phong Tiến. Trải qua gần 2 năm và ký 3 hợp đồng lao động, cô Xanh mới nhận được quyết định điều chỉnh lương đối với viên chức hợp đồng (điều chỉnh từ lương hiện hưởng 85% lên 100%).
Trường tiểu học Phong Tiến, xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Đáng lẽ, cô Xanh được hưởng mức lương mới và thời gian tính điều chỉnh mức lương lần sau từ ngày 1/7/2011. Nhưng kể từ thời gian đó cho đến khi bị chấm dứt hợp đồng (tháng 10/2018 – PV), cô Xanh chưa lần nào hưởng được “mùi vị” của việc nâng lương. Mặt khác, thời điểm cô Xanh bị cắt hợp đồng lại đang nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi nên không thể kiếm được công việc phù hợp để trang trải nuôi con khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Để đảm bảo việc giải quyết chế độ chính sách của giáo viên như trường hợp cô Bào, cô Xanh, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn yêu cầu UBND huyện Thới Bình khẩn trương rà soát, xem xét giải quyết chế độ chính sách của giáo viên (bao gồm cả các giáo viên trong danh sách đã được huyện cho chủ trương và các giáo viên không có trong danh sách cho chủ trương; giáo viên do phòng GD&ĐT huyện, các trường ký hợp đồng...).
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu cần tập trung đối chiếu quy định pháp luật, quy định của UBND tỉnh, của UBND huyện, của phòng GD&ĐT huyện và của các trường tại từng thời điểm để rà soát, xác định việc hợp đồng lao động, chi trả tiền công, các chế độ chính sách có liên quan đối với từng đối tượng cụ thể.
Quyết định nâng bậc 3 và 4 cho cô Lâm Cẩm Bào của Chủ tịch UBND huyện Thới Bình.
“Trên cơ sở rà soát, đối chiếu thì xác định cụ thể các trường hợp hợp đồng nào đúng, hợp đồng nào sai. Đúng so với quy định nào; sai thì so với quy định nào (cần làm rõ sai về thẩm quyền ký, nội dung trong hợp đồng...). Trên cơ sở xác định đúng, sai đối với từng hợp đồng, kiến nghị, đề xuất giải pháp xử lý đối với từng trường hợp cụ thể (trường hợp nào nâng lương, trường hợp nào cắt hợp đồng...)”, công văn của UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ.
Thực hiện công văn của UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND huyện giao Trưởng phòng GD&ĐT huyện khẩn trương rà soát lại việc giải quyết chế độ chính sách cho giáo viên. Qua tổng hợp đến ngày 25/6/2020, phòng GD&ĐT huyện đã tiếp nhận và phân loại 467 đơn, trong đó, đơn yêu cầu của giáo viên mầm non là 183 đơn; đơn yêu cầu của giáo viên tiểu học là 186 đơn; đơn yêu cầu của giáo viên THCS là 98 đơn. Cụ thể, UBND huyện cho chủ trương hợp đồng là 203 người; phòng GD&ĐT ký hợp đồng là 170 người và các trường tự hợp đồng là 94 người.
Cùng với đó, UBND huyện đã giao cho Thanh tra huyện tiếp nhận các đơn yêu cầu của giáo viên. Và ngày 7/7/2020, UBND huyện có quyết định thành lập đoàn thanh tra để tiến hành rà soát, xem xét giải quyết chế độ chính sách đối với giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện. Thời gian thanh tra làm việc từ ngày 22/7 đến ngày 13/8/2020. Thành phần làm việc gồm: Hiệu trưởng, kế toán và các giáo viên có đơn yêu cầu tại các trường mầm non, tiểu học, THCS.
Thiết nghĩ, những đóng góp của các giáo viên là những điều đã hiện hữu và việc xem xét giải quyết chế độ chính sách là những việc nên làm. Hy vọng ngành chức năng trên địa bàn huyện Thới Bình cần có những hành động cụ thể nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của giáo viên. PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Liên quan đến vụ việc trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau còn giao sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch tỉnh thành lập tổ thẩm tra để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh. Trong đó, thành phần tổ thẩm tra gồm: Lãnh đạo sở Nội vụ (Tổ trưởng); lãnh đạo sở Lao động – Thương binh và Xã hội (Tổ phó) và các thành viên sở GD&ĐT, sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh cùng các đơn vị có liên quan.
V.T