Bị buộc tội giết vợ và con gái, Timothy Evans, 25 tuổi, nói với tòa rằng anh vô tội và người hàng xóm của anh sống ở tầng dưới, John Christie, mới là kẻ phải chịu trách nhiệm cho hành động tàn bạo. Bất chấp lời cầu xin, Evans vẫn bị kết án và bị treo cổ.
Ba năm sau, nhà chức trách phát hiện John Christie là kẻ giết người hàng loạt. Trong phiên tòa xét xử, Christie thú nhận, hắn mới là đã giết vợ của Evans. Hóa ra, tòa án Anh đã sai lầm.
Timothy Evans
Sinh năm 1924 tại South Wales, Timothy Evans lớn lên không cha và do các vấn đề sức khỏe nên không thể đi học đều đặn. Evans bị khiếm khuyết trong đọc và viết. Sau một thời gian làm việc tại các mỏ than Merthyr, Evans chuyển đến London vào năm 1939 để sống với mẹ. Ở đó, anh thường chuyển đổi qua lại giữa giọng xứ Wales và giọng London. Người ta cho rằng, anh làm vậy vì tự ti và mong muốn hòa nhập với những người xung quanh.
Evans gặp Beryl Thorley năm 1946 và kết hôn một năm sau đó. Cả hai đã chuyển đến khu chung cư số 10 Rillington Place trong khu vực Notting Hill. Tại đây, họ gặp cặp vợ chồng John Christie - một người từng là cảnh sát.
Mối quan hệ giữa hai vợ chồng Evans không được yên ấm. Họ gặp khó khăn về tài chính. Evans mắc chứng nghiện rượu và sự ra đời của đứa con Geraldine vào năm 1948 khiến cuộc hôn nhân vốn đã đầy thử thách lại càng thêm căng thẳng. Vì vậy, vào năm 1949, khi người vợ Beryl mang thai lần thứ hai, cô quyết định phá thai, mặc dù vào thời điểm đó việc này là bất hợp pháp.
Ngôi nhà số 10 Rillington Place
Vài tuần sau, Timothy Evans báo cảnh sát rằng vợ anh đã chết trong một hoàn cảnh bí ẩn. Nhưng mỗi lần thẩm vấn, Evans lại kể lại những câu chuyện khác nhau. Lúc đầu, Evans thú nhận với cảnh sát rằng một loại thuốc mà anh ta pha chế để phá thai đã vô tình gây ra cái chết cho người vợ và đã vứt xác dưới cống gần đó.
Nhưng khi cảnh sát khám xét khu vực, họ không tìm thấy gì. Sau đó, Evans thay đổi câu chuyện của mình, nói rằng người hàng xóm John Christie đã đề nghị thực hiện phá thai. Tuy nhiên, Christie nói với anh, Beryl đã chết trong quá trình phẫu thuật.
Vì phá thai là bất hợp pháp, Christie nói với Evans rằng anh ta nên rời khỏi London và sắp xếp để một cặp vợ chồng khác chăm sóc cho đứa con Geraldine. Evans cho biết, anh đã đến ở với người thân tại Wales và khi trở về, Christie từ chối cho anh gặp Geraldine.
Lời thú nhận thứ hai đã thúc đẩy cảnh sát một lần nữa tiến hành kiểm tra xung quanh khu vực. Họ tìm thấy thi thể của Beryl và Geraldine, được quấn trong một chiếc khăn trải bàn tại nhà vệ sinh phía sau ngôi nhà số 10 Rillington Place. Cảnh sát xác định, cả hai bị bóp cổ đến chết.
Evans nói rằng anh không biết con gái mình đã chết cho đến khi cảnh sát báo. Anh nghĩ rằng Christie đã giấu con gái của mình đi chỗ khác. Trong một tuyên bố mâu thuẫn sau đó, khi được cảnh sát hỏi liệu anh có phải là kẻ giết người hay không?, Evans lại nhận tội. Vì điều này, Timothy Evans đã bị kết án.
Nhưng vào thời điểm xét xử năm 1950, Evans kể lại những lời thú tội trước đây và lại chuyển hướng cho rằng mình vô tội. Evans tuyên bố, người hàng xóm Christie mới là là thủ phạm. Christie, một nhân chứng quan trọng trong phiên tòa, phủ nhận có bất kỳ sự liên quan nào trong cái chết của vợ con Evans.
Mặc dù có tiền sử phạm tội, Christie không bị coi là nghi phạm. Việc người đàn ông này từng phục vụ trong lực lượng cảnh sát là lý do mà bồi thẩm đoàn cảm thấy đáng tin cậy. Ba ngày sau, bồi thẩm đoàn tuyên án Timothy Evans có tội. Vào ngày 9/3/1950, Evans bị treo cổ tại nhà tù Pentonville.
John Christie
John Christie - kẻ hàng xóm đáng nghi trong vụ án Timothy Evans giết vợ - sinh ra ở Yorkshire, Anh vào năm 1899. Do bị thương trong Thế chiến I, hắn bị mù và câm trong suốt ba năm. Dây thanh quản của Christie bị tổn thương nghiêm trọng nên suốt phần đời còn lại hắn chỉ có thể nói thì thầm.
Ba năm sau khi Timothy Evans bị xử tử, John Christie vẫn tiếp tục sống trong khu chung cư. Trong một lần chủ nhà cho một người thuê khác sử dụng nhà bếp của Christie, người này đã phát hiện ba thi thể được giấu trong tủ đựng thức ăn. Cảnh sát đã được gọi đến và sau khi khám nghiệm ngôi nhà, ba thi thể khác được tìm thấy dưới sàn nhà trong căn hộ của Christie.
Các nhà điều tra cũng tìm thấy thi thể của Ethel, vợ của Christie. Lúc này, tất cả mới nhận ra John Christie là một kẻ giết người hàng loạt ghê rợn.
Trước khi gây ra một loạt vụ giết người, Christie từng bị bắt và kết án vì một loạt tội danh nhỏ như ăn cắp bưu phẩm, hành hung gái mại dâm và ăn cắp xe. Nạn nhân đầu tiên của Christie là Ruth Fuerstm, một cô gái hành nghề mại dâm. Hắn khai đã bóp cổ nạn nhân sau khi quan hệ tình dục tại nhà rồi chôn thi thể xuống hố ở sân sau nhà. Năm 1944, Christie sát hại nạn nhân thứ hai. Thủ pháp mà hắn thường xuyên sử dụng là khiến nạn nhân bất tỉnh bằng khí gas, sau đó hãm hiếp và bóp cổ đến chết. Khi bị bắt năm 1953, Christie thừa nhận giết người 7 người. Có một số bằng chứng cho thấy, có thể hắn đã giết nhiều người hơn con số đó.
Vào ngày 22/6/1953, Christie bị đưa ra xét xử tại cùng một tòa án mà Timothy Evans bị kết tội ba năm trước. Trong quá trình diễn ra phiên tòa, hắn thú nhận rằng mình đã sát hại người vợ của Evans.
Bất chấp điều đó, tội trạng của Evans vẫn giữ nguyên. Vì tòa án không cảm thấy lời khai của John Christie đáng tin do cho rằng tinh thần của hắn không tỉnh táo. John Christie bị hành quyết vào ngày 15/7/1953, bởi chính người đã hành quyết Timothy Evans. May mắn thay, công chúng và báo chí đã không bỏ qua những hoài nghi về vụ án Evans giết vợ năm xưa.
Vụ án của Timothy Evans được mở điều tra trở lại và sự giám sát mới nhắm vào việc thiếu bằng chứng chống lại Evans, cũng như một số tình tiết về Christie bị bỏ qua.
Năm 1966, sau hai lần điều tra chính thức, Timothy Evans nhận được lệnh ân xá của hoàng gia. Năm 2003, em gái cùng cha khác mẹ của Evans nhận được tiền bồi thường vì những sai lầm năm xưa.
“Không có bằng chứng để kết tội Timothy Evans trong vụ sát hại vợ. Cô ấy có thể bị sát hại bởi Christie. Sự kết tội của Timothy Evans giờ đây được coi là một trong những vụ việc làm sai lệch công lý khét tiếng nhất ”, giám định viên độc lập của bộ Nội vụ Anh cho biết.
Vụ án oan của Timothy Evans cùng với một số vụ việc sai sót khác đã trở thành lý do Anh bãi bỏ án tử hình đối với tội giết người.
M.K