Trong tất thảy những kẻ sản xuất đồ giả, đồ tái chế, sự gian dối trong mặt hàng liên quan đến sức khỏe thực là hành vi táng tận lương tâm nhất. Sẵn sàng đánh đổi mạng sống của bao người để có được những đồng lợi nhuận nhơ nhuốc. Sẵn sàng tước đoạt điều quý giá nhất của con người là sức khỏe chỉ vì lòng tham không đáy. Những điều khó tin đều có thể xảy ra khi lương tâm bị đánh cắp.
Thông tin có tới 324.000 sản phẩm (tương đương 360kg) bao cao su đã qua sử dụng được tái chế để đưa ra tiêu thụ trên thị trường vừa được phát hiện, thu giữ tại Bình Dương khiến dư luận thêm một lần choáng váng. Bất bình, choáng váng, phẫn nộ, kinh sợ là cảm giác chung của tất cả mọi người. Nếu không được phát hiện kịp thời, từ những lô hàng bao cao su tái chế này bao hậu quả khôn lường sẽ xảy ra.
Bao người mắc bệnh truyền nhiễm, thậm chí những căn bệnh vô phương cứu chữa như HIV - AIDS? Bao người mang thai ngoài ý muốn? Bao đổ vỡ, mất mát sẽ xảy đến như một điều tất yếu chỉ vì một vài kẻ hám lời?
Cậu bé người Nam Phi trở thành biểu tượng trong cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ
Đây không phải lần đầu tiên mặt hàng nhạy cảm này được phát hiện làm giả. Đã rất nhiều lần và những kẻ táng tận lương tâm đều đã bị vạch mặt nhưng sự việc vẫn lặp lại. Phải chăng sự tung hoành của kẻ gian, ngoài vấn đề đồng tiền làm mờ mắt còn là sự lơ là của người thực thi pháp luật, hay hình phạt còn chưa đủ mạnh?
Cuộc đời luôn là những mảnh ghép đối lập. Giữa những kẻ đánh mất lương tâm là nhiều gương mặt truyền đi cảm hứng sống cho nhân loại.
Nkosi Johnson, cậu bé người Nam Phi mãi trở thành biểu tượng bất diệt trong cuộc chiến chống lại AIDS. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng cậu bé mới hồi đầu năm được Google vinh danh như một chiến binh trong cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ này đã có được những phần đời tươi đẹp nhờ sự dang tay cứu giúp của một người phụ nữ mang trái tim của Bụt.
Nkosi Johnson sinh ra tại một thị trấn phía đông thành phố Johannesburg. Mẹ của cậu, Nonthlanthla Daphne Nkosi, dương tính với HIV và truyền virus cho đứa con chưa sinh của cô. Nkosi sinh ra cùng với một thống kê lạnh lùng và đau xót: Là một trong số hơn 70.000 trẻ em bị nhiễm HIV ở Nam Phi mỗi năm. Nhưng cuộc đời cậu đã vượt trên thống kê ấy.
Cậu sống sót sau sinh nhật 2 tuổi. Đây là điều bất thường ở những đứa trẻ nhiễm HIV ngay từ trong bụng mẹ. Khi bệnh của mẹ cậu trở nên nặng hơn, bà và Nkosi được đưa vào một trung tâm chăm sóc người nhiễm AIDS ở Johannesburg. Chính tại đây, Gail Johnson, một nhân viên tình nguyện, lần đầu tiên nhìn thấy hai mẹ con. Sau những phút giây gặp gỡ đó, Gail trở thành mẹ nuôi của Nkosi.
Người phụ nữ đã đưa cậu bé về nhà và cho theo học tại một trường học ở Melville, ngoại ô TP.Johannesburg. Khi biết cậu bé nhiễm HIV, nhiều giáo viên và phụ huynh đã phản đối cậu nhập học. Lúc bấy giờ Gail Johnson quyết định chiến đấu. Cô khiếu nại vụ việc, tổ chức các hội thảo giáo dục cộng đồng Nam Phi về AIDS. Những nỗ lực của cô đã khiến Quốc hội thông qua luật pháp yêu cầu các trường phải duy trì các chính sách chống phân biệt đối xử bảo vệ trẻ em như Nkosi.
Cậu sớm trở thành một nhân vật quốc gia trong chiến dịch chống kỳ thị AIDS. Các sở giáo dục trên khắp Nam Phi đưa ra các chính sách mới chống phân biệt đối xử và bảo vệ trẻ em bị AIDS. Cả đất nước Nam Phi thay đổi chỉ vì một cậu bé mắc HIV/AIDS nhỏ xíu, gầy gò.
Năm 2001, Nkosi qua đời vì bạo bệnh nhưng di sản mà cậu bé để lại là một nhà cư trú cho những người mẹ nhiễm HIV và những đứa con của họ tại Johannesburg có tên Nkosi's Haven do cậu cùng mẹ nuôi Gail vận động thành lập. Vào tháng 11/2005, Gail đại diện cho Nkosi Johnson nhận Giải thưởng Hòa bình cho trẻ em quốc tế.
Cuộc đời Nkosi khép lại trong rạng rỡ và tấm lòng của người mẹ nuôi đã truyền cảm hứng cho toàn nhân loại.
Vũ Thu Hương* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin Pháp Luật.