Kẻ bất tài làm thủ khoa Sư phạm sẽ hại đến muôn đời

Và bộ Giáo dục còn định khoác chiếc áo “nhân văn” để giấu tên kẻ bất tài từng vỗ ngực tự xưng là thủ khoa trường Sư phạm ấy.

img
img

Tháng 9/2018, hàng loạt bài báo nêu lên tấm gương học giỏi của Trần Phương Thảo (quê Hòa Bình). Với tổng điểm 27,75, Thảo không chỉ trở thành thủ khoa ngành Sư phạm Ngữ văn mà còn là sinh viên có điểm đầu vào cao nhất Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2018.

Cô thủ khoa đến từ Hòa Bình đã trở thành niềm tự hào và cũng là sự bất ngờ của ngôi trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, tỉnh Hòa Bình với điểm ba môn thi THPT 2018 lần lượt là: Ngữ văn 8,75, Lịch sử 9,25 và Địa lý 9,75 điểm.

Thế nhưng, nửa năm sau, Trần Phương Thảo lại là cái tên lọt danh sách 64 thí sinh ở Hòa Bình, Sơn La gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Thảo được nâng khống gần 15 điểm các môn, trong đó riêng môn Sử mà Thảo từng tự hào là học sinh lớp chuyên được nâng tới 3,5 điểm. Môn Toán, Ngoại ngữ sau chấm thẩm định chỉ còn ở mức dưới trung bình.

Đáng nói, khi nhập học trường Sư phạm với các mác Thủ khoa đến từ Hòa Bình – thời điểm dư luận cả nước xôn xao bởi bê bối gian lận điểm thi của tỉnh này, Thảo còn chủ động giải thích với các bạn rằng điểm số 27,75 đó là do bản thân em tự làm được chứ không phải bằng một tác động nào hết.

“Em tự tin, tự hào về điều đó”, vị “thủ khoa” gian lận từng chia sẻ.

“Tấm gương” Trần Phương Thảo gợi nhắc lại tích xưa, Khổng Tử có người học trò họ Mỗ người nước Đằng. Mỗ học vào loại trung bình, song luôn luôn tự cho mình là giỏi nhất. Học được vài năm, Mỗ xin về nước vì tưởng rằng đã học hết đạo của thầy.

Khi nghe tin Mỗ định về nước làm thầy, Khổng Tử bỗng giật nảy mình, “chân không kịp xỏ giày, áo không kịp buộc giải”, vội vã chạy sang nước Đằng.

Khổng Tử vừa chạy vừa nói: “Sang ngăn không cho tên Mỗ này làm thầy. Hắn có làm quan thì cùng lắm chỉ hại đến một ấp. Làm tướng cũng chỉ hại đến một thành. Thậm chí có làm giặc cũng chưa chắc đã hại nổi ai. Nhưng nếu hắn làm thầy thì sẽ hại đến muôn đời”.

Ôi hỡi ôi, thương thay cho Trần Phương Thảo! Bởi Thảo không được như người học trò họ Mỗ, có được người thầy như Khổng Tử để “chân không kịp xỏ giày, áo không kịp buộc giải” mà ngăn cản Thảo không đăng ký vào trường Sư phạm, xóa bỏ luôn giấc mơ làm thầy của em.

Thương thay cho trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, nơi có người học trò tự vỗ ngực xưng danh giỏi nhất cả nước, mà không dám lên tiếng vạch mặt kẻ gian. Người nắm rõ nhất lực học của Thảo, hay của 63 em học sinh gian lận điểm thi khác, ắt hẳn phải biết học trò của mình đi thi có thể tốt nghiệp hay không, nói gì đến danh nghĩa thủ khoa. Hay trường lại mắc “bệnh thành tích”, muốn bao che cho tên học trò gian lận nhưng lại có mác thủ khoa đến muôn đời sau?

Thương thay cho cả tỉnh Hòa Bình, khi Thảo từng tuyên bố “sẽ đạt học lực giỏi ở tất cả các kỳ học để chứng minh để mọi người thấy tỉnh Hòa Bình có người giỏi thực sự”. Ấy vậy mà chỉ sau một kỳ học, em đã phải lặng lặng xin nghỉ học, chưa cần bộ Công an gửi danh sách có tên em về trường.

Nhưng đáng thương nhất lại là những thí sinh phải nhường suất cho các "thủ khoa" gian lận.

Ấy vậy mà những người làm thầy ở bộ Giáo dục vẫn điềm tĩnh mà rằng, không nên công bố tên phụ huynh và nhất là tên các thí sinh – vì tính nhân văn, vì sợ ảnh hưởng tâm lý các em, thậm chí còn có ý kiến đó là do phụ huynh chứ không phải lỗi của các em.

Với hình thức thi trắc nghiệm, một thí sinh thậm chí có thể biết ngay điểm của mình sau khi nộp bài, không cần chờ kết quả chính thức từ bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

18 tuổi, khi cầm phần thưởng thủ khoa trường đại học trên tay, vẫn dương dương tự đắc “tự tin với kết quả của mình”, đó là tội ác, chứ không còn là lỗi lầm nữa.

Không công khai danh tính sẽ là nhân văn cho ai? Cho những thí sinh gian lận? Cho phụ huynh có con gian lận điểm thi? Cho ngôi trường có thí sinh gian lận? Hay cho chính một nền giáo dục bao che, bệnh thành tích và sợ đối mặt với những sai lầm về quản lý, đào tạo?

Kẻ bất tài làm thầy sẽ hại đến muôn đời sau…

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img