img

Khai giảng đầu tiên của cô bé 10 tuổi giữa Thủ đô

Cẩm Mịch

Khi bạn bè cùng tuổi đã gần học xong bậc tiểu học, cô bé 10 tuổi sống trong căn phòng chật hẹp giữa lòng Hà Nội mới bước vào ngưỡng cửa lớp 1.

Lễ khai giảng mơ ước

img

Sáng ngày 5/9, học sinh cả nước được sống trong không khí vui tươi của buổi khai giảng chào mừng năm học mới, có một cô bé 10 tuổi, hiện đang sống cùng bà Nguyễn Thị Ly (68 tuổi) và em nhỏ tại Phùng Khoang (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng háo hức đến trường để dự lễ khai giảng đầu tiên trong đời.

Sáng sớm, bà Ly đánh thức cô cháu gái dậy từ 6h, chuẩn bị thật chu đáo cho lễ khai giảng đầu tiên. Khánh Vy thay bộ đồng phục mới, đeo đôi dép quai mới được tặng, tự buộc tóc gọn gàng và theo chân bà đến trường. Bà Ly dặn dò Khánh Vy thật tỉ mỉ khi cô giáo chủ nhiệm ra đón, rồi tất tả đưa cháu trai đến trường mầm non dự lễ khai giảng.

Ngày đầu tiên đến lớp, cô bé Phạm Khánh Vy còn có chút e dè, nhưng chỉ sau ít phút, khi được cô giáo xếp chỗ và làm quen với các bạn trong lớp, Vy dần tự tin hơn. Cô bé nhanh chóng bắt chuyện với một bạn nữ ngồi phía sau, đi đâu cũng nắm tay nhau thật gần gũi. Cô bé 10 tuổi cùng người bạn nhỏ khám phá không gian lớp học và khuôn viên trường trước giờ diễn ra lễ khai giảng chính thức.

Lần đầu tiên cô bé được đứng giữa hàng trăm học sinh, tham dự một hoạt động ý nghĩa như vậy. Lần đầu tiên cô bé được tận mắt thấy đội nghi thức và nghe hát Quốc ca. Lần đầu tiên Vy được nghe thư chúc mừng năm học mới từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, và cũng là lần đầu tiên cô học trò nhỏ được nghe tiếng trống trường giòn giã vang vọng khắp không gian.

Mỗi mảnh ghép diễn ra đều là trải nghiệm mới mẻ của Khánh Vy.

img

Sau khi kết thúc lễ khai giảng, Vy xung phong xếp ghế giúp cô giáo chủ nhiệm và đi trước để dẫn hàng cho các bạn cùng lớp, ra dáng “chị cả”. Mặc dù phải học cùng các em nhỏ hơn mình 4 tuổi, nhưng Vy không hề tỏ ra lo lắng hay ngại ngùng, bởi đây là điều mà cô bé vẫn đang mong mỏi từng ngày.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc (giáo viên chủ nhiệm của Khánh Vy) chia sẻ: “Sau khi đón học sinh lớp 1, tôi cho các con tự giới thiệu và làm quen với nhau. Mặc dù Khánh Vy vẫn còn hơi bỡ ngỡ, do chưa từng được đi học, nhưng con cũng đã xung phong đứng lên chia sẻ với các bạn. Con còn chủ động xung phong làm lớp trưởng nữa…”.

img

Trong lúc chờ bà đến đón, cô bé chăm chú nghe cô giáo dặn dò và hướng dẫn những hoạt động của trường, lớp. Sau đó, Vy cùng các bạn tham gia nhặt rác và dọn dẹp không gian lớp học để chuẩn bị cho buổi học đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 7/9.

Vy đặc biệt thích thú với món quà nhỏ mà cô giáo tặng cả lớp nhân dịp khai giảng, đó là những chiếc chong chóng đầy màu sắc. Đôi mắt trong veo như biết cười của Khánh Vy sáng bừng trên gương mặt rạng rỡ, khi ước mơ được đi học nay đã trở thành hiện thực. Hôm nay, Vy đã trở thành học sinh lớp 1.

Khoảng ký ức những ngày mong chờ

img

Chỉ cách đây vài tháng, dường như với cô bé Phạm Khánh Vy, chuyện được đi học chỉ là một giấc mơ quá đỗi xa xôi. Người bà đang phải nai lưng chạy ăn từng bữa cho 4 bà cháu, thì biết lấy đâu ra tiền cho các cháu đến trường.

Ngày ngày nép mình sau cánh cổng sắt của ngôi nhà lọt thỏm trong con ngõ nhỏ và được bà giao cho “trọng trách” trông em, cô cháu gái lớn nhất đã lên 10 tuổi nhưng vẫn chưa từng đặt chân đến lớp, chỉ biết cảm giác thèm được đi học qua những câu chuyện của những đứa trẻ hàng xóm. Đã không ít lần, đôi mắt đen láy của Vy mở to, ngây thơ hỏi bà: “Bà ơi, khi nào thì cháu mới được đi học?”... Mỗi câu hỏi như từng mảnh kim loại sắc cạnh đang khía sâu vào nỗi lòng người bà khốn khổ.

Khi câu chuyện xót xa của 3 đứa trẻ “không tên” giữa Thủ đô chưa từng đi học được dư luận chú ý, những cánh cửa mới đã mở ra trước hiên nhà. Chúng từng được biết đến là những đứa trẻ “không tên”, do những vướng mắc về thủ tục giấy tờ, nơi cư trú nên có 2 đứa nhỏ không làm được khai sinh, cũng vì thế mà trở thành “rào cản” không được đến trường.

Cả 3 đứa trẻ vốn vẫn chỉ quanh quẩn ở nhà, tự trông nhau, nay đều đã được chính quyền gửi gắm và tạo điều kiện học tập ở những môi trường tốt. Chị cả Khánh Vy đã trở thành học sinh lớp 1G tại trường tiểu học Trung Văn trong năm học 2020 - 2021.

Từ ngày nghe tin mình sẽ được đi học, Khánh Vy luôn tỏ ra hào hứng, cô bé 10 tuổi cứ luôn miệng hỏi bà: “Bà ơi, hôm nay là ngày mấy? Đến hôm nào thì con sẽ được đi học?”... Rồi chốc chốc, cô bé lại mở ngăn kéo, lấy bộ đồng phục và chiếc cặp sách được nhà trường tặng ra ngắm nghía. Những giai điệu tươi vui reo lên khe khẽ, nụ cười rạng rỡ đã không giấu nổi cảm xúc trên gương mặt bầu bĩnh.

Đã 4 năm ròng, cô bé chỉ nép mình sau cánh cổng, nhìn bạn bè đồng trang lứa í ới rủ nhau đi học, nhìn các bạn trong ngõ tíu tít chuyện trò với nhau về những điều hay, ý đẹp ở trường, ở lớp. Năm nay, Vy đi học!

img

Cánh cửa ngôi nhà của 4 bà cháu nay đã không còn phải khóa kín, những cánh cửa khác đã sẵn sàng mở ra cho những đứa trẻ “không tên” một tương lai rạng rỡ hơn.

Không chỉ có niềm vui của chị cả Khánh Vy, em út Phạm Anh Quân (3 tuổi) đã được nhập học tại trường mầm non Phùng Khoang, cô em thứ hai là Triệu Thị Vân, vốn là trẻ bị bệnh Down, cũng đã được chính quyền địa phương kết nối và gửi vào trung tâm Phục hồi chức năng Việt Hàn (Quốc Oai, Hà Nội).

Các cháu được đến trường, được chăm sóc tại trung tâm, bà Ly là người hạnh phúc nhất. Mỗi khi có khách hoặc hàng xóm ghé thăm, bà lại được dịp xúc động: “May mắn quá, nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền, sự giúp đỡ của lãnh đạo các nhà trường và trung tâm đã đón nhận cháu tôi, mà chúng mới có được niềm vui như vậy”.

Trước ngày khai giảng, cô giáo Giang Thanh Thủy (Hiệu trưởng trường tiểu học Trung Văn) cũng đến tận nhà để dặn dò cô học trò Khánh Vy những điều cần thiết, nhắc cô bé mặc đồng phục như thế nào, cần đeo cặp sách và mang theo những dụng cụ gì...

img

“Mặc dù cũng còn hơi bẽn lẽn, nhưng Khánh Vy có đôi mắt sáng và tinh anh, chắc chắn đây là một cô bé rất lanh lợi. Nhà trường cũng sẽ cố gắng tạo điều kiện và môi trường học tập tốt nhất cho một đứa trẻ ham học như thế này” - vị Hiệu trưởng nhấn mạnh.

Nhìn cháu gái được quan tâm như vậy, bà Ly lặng lẽ kéo vạt áo, lau mấy giọt nước mắt hạnh phúc. “Không chỉ riêng cháu Vy, mà cả 4 bà cháu tôi đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hết sức nhiệt tình từ chính quyền, các cấp lãnh đạo... Tôi chỉ mong sao, các cháu sẽ cố gắng học thật tốt để cảm ơn những sự giúp đỡ này” - bà Ly nghẹn ngào chia sẻ.

img

Nâng bước chạm tay đến ước mơ

Ông Nguyễn Đắc Long, Chủ tịch UBND phường Trung Văn cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND phường Trung Văn đã báo cáo kịp thời với UBND quận Nam Từ Liêm để thành lập các tổ công tác tiến hành xác minh và tìm biện pháp tháo gỡ đối với trường hợp của gia đình bà Ly. Hiện tại, UBND phường đã cấp 2 giấy khai sinh cho cháu Triệu Thị Vân và Phạm Anh Quân. Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị trường tiểu học Trung Văn, trường mầm non Phùng Khoang, tiếp nhận cháu Vy và Quân trở thành học sinh của trường trong năm học 2020 - 2021; đề nghị tạo điều kiện để cháu Vân được vào nuôi dưỡng tại trung tâm bảo trợ. Trong thời gian tới, UBND phường Trung Văn sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác điều tra xác minh và báo cáo cấp trên để làm thủ tục nhập khẩu cho gia đình bà Ly cùng các cháu tại tổ dân phố số 2”.

C.M

img