Dịch bệnh viêm phổi cấp Corona ngày càng diễn biến phức tạp đã khiến vấn đề an toàn y tế được cảnh báo khẩn cấp ở mức toàn cầu. Thế nhưng điều đáng buồn là trong bối cảnh đáng lẽ phải tăng sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau thì một số doanh nhân đã không ngần ngại tự “lột xác” thành… gian thương, kiếm ăn trên sự hoảng loạn của đồng loại (!).
Sáng 3/2/2020, những dòng tin tức báo chí cập nhật diễn biến dịch bệnh Corona khiến nhiều người hoảng hốt: Đã có 17.387 người trên toàn cầu mắc bệnh, trong đó 360 người Trung Quốc tử vong.
Như vậy là chỉ sau 1 ngày (so với thời điểm 6h ngày 2/2/2020), dịch bệnh đã bùng phát thêm 5.439 ca mắc mới và cướp đi sinh mạng của thêm 56 người Trung Quốc, 1 người Philipines.
Khởi phát từ một cái chợ hải sản của thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) hồi cuối năm 2019, đến nay chỉ sau một tháng, dịch Corona đã lan tới gần như toàn bộ tỉnh thành của nước này và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ khác.
Từ khoảng 2 tuần nay, tôi đã thấy nhiều người Việt mua gom khẩu trang y tế, nước rửa tay khô, viên tỏi tía và một số thực phẩm chức năng được quảng cáo là làm tăng miễn dịch, chống lại virus.
Cảnh tượng người xếp hàng tại các hiệu thuốc đã bị đẩy lên thành kịch tính vào mấy hôm nay, cụ thể là xô đẩy, tranh cướp nhau từng chiếc khẩu trang ở chợ thuốc Hapulico, mặc dù giá mặt hàng này đang tăng phi mã bởi lòng tham lam vô cảm của gian thương. Những hộp khẩu trang ngày thường có giá 35.000 đồng thì nay đã lên tới 300.000 đồng và không lấy gì đảm bảo rằng chúng không tăng giá tiếp.
Thế nhưng, trong một diễn biến khác, hình ảnh biển người chen chân nhau ở lễ hội chùa Hương (Hà Nội), hội Đồng Kỵ (Bắc Ninh) hay ngôi chùa Tam Chúc (Hà Nam)… tràn lan trên báo chí và mạng xã hội (trong đó rất nhiều người không đeo khẩu trang) lại phản ánh một khía cạnh khác của câu chuyện.
Phải chăng chúng ta đang quá đề cao vai trò của miếng vải 3 lớp mỏng manh mang tên “khẩu trang y tế” mà xem nhẹ những yếu tố nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh khác, bao gồm cả đám đông?
Bao nhiêu người hôm nay chen lấn mua khẩu trang nhưng ngày mai lại có mặt ở lễ hội?...
Trong khi Bộ Y tế khuyến cáo hàng ngày về việc hạn chế đi du lịch và đến chỗ đông người, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề xuất hoãn các lễ hội chưa tổ chức, chỉ có thể gọi những người này là “điếc không sợ súng”.
Và chính sự bất cẩn trong nhận thức của họ, với số lượng nhiều người, là mảnh đất màu mỡ để những vị doanh nhân thừa tầm mà thiếu tâm trục lợi.
Thử nghĩ xem, nếu mỗi người chỉ mua vài chiếc khẩu trang thì người mua sau không bị thiếu, nhà máy kịp sản xuất để cung ứng cho thị trường, các công ty phân phối khẩu trang không có cơ hội đầu cơ rồi thổi giá.
Mấy hôm trước, trên mạng xã hội Facebook còn xuất hiện một người phụ nữ ở Hà Nội tự xưng là cốc chủ, cho rằng đại dịch này chẳng có gì đáng lo và huênh hoang về việc sẵn sàng chữa bệnh cho người nhiễm dịch bệnh dù bà này không hề có bằng cấp chuyên môn y tế.
Cụ thể, trên FB cá nhân có 14.000 người theo dõi, người phụ nữ này tuyên truyền quan điểm phản khoa học rằng, việc đóng cửa biên giới hay ngăn chặn, cách ly đều vô hiệu trước sự phát tán của virus Corona, đồng thời hướng dẫn phòng bệnh bằng ăn thực dưỡng và uống nước tiểu. Đi kèm với nó là quảng cáo bán đồ ăn thực dưỡng.
Người tỉnh táo dễ dàng nhận ra dấu hiệu gian thương của đối tượng “cốc chủ” nói trên, song điều đáng lo ngại là hàng chục nghìn người đã đọc thông tin độc hại này, trong đó không ít người cho biết sẽ làm theo để phòng bệnh.
Khôi hài hơn, tối 26/1, trên website chuabavang.com và trang facebook "Thích Trúc Thái Minh" (của vị sư trụ trì chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh) cùng lúc phát trực tiếp chương trình "Tu tập hồi hướng hóa giải nạn dịch virus Corona".
Buổi thuyết giảng của Đại đức Thích Trúc Thái Minh thu hút 3.000 người xem online và hàng trăm người ngồi xem trực tiếp tại chùa Ba Vàng. Tại đây, vị sư tai tiếng vừa bị kỷ luật vì nhận giải “oan gia trái chủ” cho chúng sinh rồi thu tiền, đã tuyên truyền phản khoa học rằng dịch bệnh phát sinh do “ác nghiệp của chúng sinh, đặc biệt từ việc phá diệt Tam Bảo, huỷ hoại Phật pháp”, rồi phát động tu tập 49 ngày để hoá giải nạn dịch.
Cho dù có tạm quên câu chuyện sư Thích Trúc Thái Minh từng công khai số tài khoản của mình trên website chùa Ba Vàng để nhận tiền “tự nguyện ủng hộ” của chúng sinh sau khi giải “oan gia trái chủ”, tôi cũng rất khó lòng ủng hộ hành động “chống dịch bằng mồm” của vị đại đức này.
Rất may, lần này sư Thái Minh không nhận được nhiều sự “đồng cảm” của chúng sinh như lần trước. Hàng nghìn người đã phản đối sư trên báo chí và mạng xã hội, trong đó có ý kiến đề xuất nên “xuất khẩu” sư sang tâm điểm dịch Vũ Hán để hoá giải nạn dịch (!).
Còn nữa, chuyện đáng suy nghĩ nhất có lẽ phải kể đến giá cước gọi vào đường dây nóng 19003228 mà Bộ Y tế công bố để thông tin về dịch bệnh. Trước hôm 1/2/2020, một số người dân phản ánh, cước phí cuộc gọi đến tổng đài này là 5.000 đồng một phút, trong khi giá cước 1080 chỉ 3.000 đồng một phút.
Lý giải mức phí cao vì đường dây nóng này huy động tất cả bác sĩ trưởng, phó khoa, chuyên môn tốt tham gia trả lời 24/24, song Bộ Y tế đã phải miễn phí cuộc gọi đến tổng đài trên từ 1/2, sau khi đã bị mất điểm kha khá trong lòng người dân, vào thời điểm mà lẽ ra ngành này không nên để xảy ra bất cứ sai sót nào.
Chính phủ mới đây đã ra chỉ thị xử nghiêm, phạt nặng các cơ sở đầu cơ, "thổi" giá khẩu trang, mặt hàng trong đợt dịch bệnh. Một số hiệu thuốc, cơ sở y tế đã bị phạt và rút giấy phép vì vi phạm nói trên. Thế nhưng, thay vì xem lại đạo đức kinh doanh của mình, hiện một vài nhà thuốc ở chợ thuốc Hapulico lại đang kêu gọi nhau ngừng nhập và bán khẩu trang vì “đấy là việc của Nhà nước”.
Đến đây, chúng ta nhớ lại cảnh người người xếp hàng mua những xô, chậu nước sạch với giá “cắt cổ” từ những doanh nhân bán nước (nghĩa đen) sau sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải hồi cuối năm ngoái.
Thế mới biết, người có đầu óc kinh doanh luôn có mặt ở khắp mọi nơi, chỉ khác ở cách họ trở nên người kinh doanh như thế nào mà thôi.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả