img

Khi kẻ giàu “xin” đồ từ thiện: Đừng để cân gạo, túi bánh cướp đi những giá trị nhân văn, nhân ái

Mai Thu

Một số người có điều kiện, xe tay ga, ăn mặc sang trọng nhưng vẫn ghé để “xin” đồ từ thiện cho người nghèo giữa đại dịch Covid-19 đã thể hiện rõ tính tham, không có lòng tự trọng và đang lợi dụng sự thương cảm của cộng đồng để thỏa mãn nhu cầu cá nhân.

Xin đừng “giật” đi miếng ăn của người nghèo vì lòng tham

Khi cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19 đã xuất hiện những tấm lòng thảo thơm, sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” dìu nhau qua đại dịch của người dân trong mùa đại dịch. Không chỉ có vậy, đại đa số mọi người đều cùng nhau thực hiện thông điệp “Nếu khó khăn xin nhận phần quà, nếu ổn rồi xin nhường người khác”. Những phần quà tuy nhỏ bé nhưng cũng làm ấm lòng bao người có hoàn cảnh khó khăn khi được nhận giữa mùa dịch Covid-19.

Thế nhưng, trái ngược với hình ảnh trao quà của những người làm từ thiện thì xuất hiện một số hình ảnh người đi xe ga, ăn mặc lịch sự, dân chung cư...vẫn xuống lấy đồ từ thiện phát miễn phí dành riêng cho người nghèo. Mặc dù, tại những điểm phát quà miễn phí đã có biển “nếu bạn đã ổn xin nhường cho người khác”.

Người phát quà cũng cảm thấy ái ngại khi nhìn những người có điều kiện xuống lấy đồ từ thiện. Nhiều người cho rằng hành động này là vô lương tâm tranh giành miếng cơm manh áo của những người khó khăn hơn mình, không nhường bất kỳ cái gì cho ai trong xã hội.

img

Trước hiện tượng xấu giữa đại dịch Covid-19, PGS.TS Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển Học viện Báo chí Tuyên truyền) cho rằng: “Hiện nay, việc từ thiện trên đường phố để tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là việc làm hết sức nhân văn. Nhưng, cũng chính vì điều này mà những người làm từ thiện sẽ rất khó phân biệt được đâu là người nghèo, đâu là người khá giả, đủ đầy.

Chính kẽ hở này đã tạo điều kiện để không ít người nảy sinh lòng tham vào lấy suất ăn, phần quà của người nghèo”. Nếu như, chúng ta phân chia theo danh sách đối tượng ở các địa phương, khu phố, thôn xóm thì sẽ biết rõ ai khó khăn, ai đang cần giúp đỡ.

Cũng theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, với những người khi đã khá giả, có điều kiện, được hưởng cuộc sống hơn những người bán vé số dạo, buôn đồng nát, ăn xin, bán hàng rong thì không nên đứng vào xếp hàng để “giật” đi miếng ăn của người khác. Mỗi người, dù giàu hay nghèo cũng nên có lòng tự trọng, liêm sỉ.

Khi nhận những phần quà dành cho người nghèo hãy tự hỏi bản thân mình có xứng đáng và có nên lấy hay không? Nếu mình lấy một phần thì có phải đang tranh cướp miếng ăn của người nghèo? Người có tự trọng họ sẽ tự mình đặt ra những câu đó chứ không lợi dụng bất kỳ sơ hở nào của xã hội để chiếm lấy một chút lợi lộc bé nhỏ.

Cần lắm sự chung tay để không ai bỏ lại ai trong cơn đại nạn

“Chúng ta đang sống giữa một xã hội văn minh, biết tương thân tương ái trong lúc hoạn nạn khó khăn. Vậy thì, đừng để một cân gạo, túi bánh, ít lương thực cướp đi những giá trị nhân văn, nhân ái.

Ngay lúc này, việc người có điều kiện hơn cần làm là chung tay với cộng đồng để góp sức mình giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn. Khi chúng ta đã có đủ điều kiện để sống, đừng tạo áp lực, gánh nặng lên xã hội, đất nước giữa lúc đại dịch”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nêu quan điểm.

Cùng chia sẻ với PV khi những kiến những hình ảnh xấu này, PGS - TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa bức xúc: “Nhìn vào những hình ảnh, hành động đó của người có điều kiện mà chúng ta cảm thấy xấu hổ. Việc tranh “cướp” đồ của người nghèo là vô lương tâm, thiếu đạo đức. Không những vậy còn nói lên việc người đó không có lòng tự trọng, lẽ ra họ phải biết xấu hổ khi đến đó. Bởi, việc đi xe máy, ăn mặc đủ ấm, sành điệu đã hơn hẳn những người đi bộ, đi chân đất…”.

img

PGS - TS Lê Quý Đức cho biết thêm, những hình ảnh xấu chỉ là bộ phận một số người nảy sinh lòng tham, lợi dụng lòng tốt của người khác để thỏa mãn nhu cầu chính mình. Qua khó khăn trong đại dịch, chúng ta có thể nhìn thấy rõ cái tốt cái xấu đã bộc lộ.

“Tôi cho rằng, cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn dài, vì thế, mọi người dân hãy thể hiện văn hóa ứng xử để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn. Mọi người hãy quan tâm đến nhau, thực hiện câu ông cha ta vẫn thường dạy “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Hãy chia sẻ, bù đắp cho những người nghèo khó để không ai bỏ lại ai trong cơn đại nạn”, PGS - TS Lê Quý Đức bày tỏ.

M.T

img