Khi sách giáo khoa lạm dụng sự vay mượn

Trong khi kho tàng ca dao, dân ca, truyện cổ tích… của Việt Nam vô cùng phong phú, những nhà biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều lại ôm đồm và lạm dụng truyện ngụ ngôn nước ngoài một cách khó hiểu!

img
img

Một trong những lùm xùm của sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều đang được dư luận quan tâm suốt những ngày qua, chính là sự lạm dụng đến khó hiểu đối với ngữ liệu vay mượn của nước ngoài.

Một số chuyên gia chỉ ra, có đến 46 bài/82 bài đọc là các văn bản được sao phỏng từ các truyện ngụ ngôn nước ngoài, trong đó, có 8 bài được tách ra thành 2 phần cho 2 bài, làm lệch lạc về nội dung. Còn về nội dung, có gần 50% các bài đọc dựa trên các cốt truyện có nội dung liên quan đến các yếu tố bạo lực, thói xấu, hoặc xa lạ với trẻ (đe doạ, bắt nạt, lừa đảo, lười biếng, sinh đẻ), không có tính giáo dục.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này chính là: “Kho tàng văn học Việt Nam ở đâu trong bộ sách này?”.

Chẳng cần vòng vo, hoa mỹ, chúng ta cũng có thể tự hào với kho tàng ca dao, tục ngữ, dân ca… của Việt Nam, vừa đa dạng, phong phú lại vừa gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ. Những kinh nghiệm được ông bà ta đúc kết qua bao đời nay, được gói gọn trong những ngôn từ cô đọng, súc tích. Những bài học về phẩm chất, đạo đức được truyền tải qua những câu chuyện ngắn gọn, mang tính nhân văn… Đó đáng lẽ phải là những bài học đầu tiên cho lứa tuổi bập bẹ “i tờ”.

Ấy vậy mà, những vị giáo sư với danh nghĩa là thành viên ban biên soạn sách giáo khoa, đã lôi về hàng loạt những đoạn văn, bài văn, vốn được phỏng dịch, phỏng theo truyện ngụ ngôn của nước ngoài, và nhồi nhét vào phần Tập đọc cho những đứa trẻ lên 6.

Trong khi đó, ngụ ngôn mang tính trí tuệ hàn lâm hơn là tính chất bình dân. Ngụ ngôn thường sử dụng hình tượng loài vật như một ẩn dụ về một triết lý. Hình tượng của ngụ ngôn không là hình tượng trực quan sống động mà là hình tượng của suy tư trừu tượng.

Chính vì lẽ đó, sẽ có loại ngụ ngôn mà trẻ em hiểu được và loại không thể hiểu được. Loại hiểu được là những truyện đơn giản nằm trong tiềm năng và phạm vi trải nghiệm của trẻ. Còn loại không thể hiểu được là những truyện hoàn toàn thuộc trải nghiệm của người lớn khi con người phải đối mặt với những vấn đề gay gắt của cuộc sống. Nếu áp đặt cho trẻ em loại truyện đó, trẻ em không chỉ không hiểu được mà còn dễ gây ra tác động ngược.

Mà khi phỏng dịch theo truyện ngụ ngôn nước ngoài, nhiều từ ngữ cũng không thể tường minh, khiến con trẻ có thể hiểu sai, hiểu lệch lạc ý nghĩa, dẫn đến tính giáo dục của truyện bằng “0” hoặc tệ hơn là gây “tác dụng phụ”.

Đó là còn chưa kể, có những truyện ngụ ngôn mà đến người lớn đôi khi còn phải ngây ngô, mãi mới hiểu được, thì những nhà biên soạn tư duy như thế nào mới lạm dụng truyện ngụ ngôn một cách ồ ạt đến vậy?

Họ đòi hỏi gì ở những đứa trẻ 6 tuổi?

Nếu lấy lý do cho những mầm xanh vừa từ mẫu giáo lên được học tích hợp giữa chữ với trải nghiệm cuộc sống thông qua ngụ ngôn, thì cũng phải nhìn nhận rằng, sự tích hợp ấy là vội vàng và hoàn toàn sai lầm.

Cả một kho tàng văn học dân gian Việt Nam như chợt bay biến đi đâu mất, mới khiến các tác giả phải vã mồ hôi, suy tính đủ đường, mà chêm xen tối đa những ngữ liệu “nhập khẩu”, mà chính xác hơn, lại chỉ là những dòng được “phỏng theo” với cách kể của một người kể chuyện nào đó. Chính vì tư duy sai lầm đó mà những mẩu truyện chiếm sóng gần hết quyển sách giáo khoa Tiếng Việt 1 chỉ mang nội dung vừa xa xôi mà cũng thật nửa vời…

Trong khi chúng ta đang tìm cách để lưu giữ những giá trị dân tộc, những di sản văn hóa, vậy tại sao trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 lại không tận dụng điều đó, để lãng phí cơ hội trao truyền bản sắc đến thế hệ tương lai?

Có một số ý kiến muốn “bênh vực” sách giáo khoa theo chương tình mới, rằng chương trình cách đây vài chục năm đã không còn phù hợp với thời đại, rằng những hình ảnh, vần thơ trong sách cũ thường gắn với làng quê dung dị, còn thời nay, cần có thêm hơi thở của đô thị cho phù hợp với thực tiễn và gần gũi hơn với học trò…

Tôi cũng đồng tình, không phải cứ “đóng đinh” hình ảnh “cây đa”, “giếng nước”, “bờ đê”,… phải lựa chọn những hình ảnh gần gũi với cuộc sống, xoay quanh cuộc sống của đứa trẻ thì mới trở thành một nội dung dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ. Tuy nhiên, đó cũng không phải là những mẩu truyện ngụ ngôn được “biến thể” sau khi cắt gọt, chắp vá với hai chữ “phỏng theo” thật tùy tiện.

Lạm dụng vay mượn khiến chúng ta sẽ tự đánh mất chính mình. Sách Tiếng Việt nhưng dường như không giống dạy Tiếng Việt!

Không thiếu những tác phẩm văn học, những mẩu truyện từ cổ chí kim tại Việt Nam mang ý nghĩa giáo dục, cũng không phải không thể sử dụng những đoạn văn hiện đại, chia sẻ những kỹ năng cần thiết, những cử chỉ gần gũi nhất với cuộc sống của trẻ thơ. Có khó gì để đưa vào sách “vỡ lòng” những bài Tập đọc mà thông qua đó, có thể dạy lời “cảm ơn” hay “xin lỗi”?

Đó mới là những điều mà đứa trẻ lên 6 thực sự cần!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

img