img

Kho tên lửa đạn đạo “bóp nghẹt” Trung Đông của Iran

Mạnh Kiên

So sánh về tiềm lực quân sự với Mỹ, Nga, Trung Quốc hay chỉ với các quốc gia vùng Vịnh khác, Iran chỉ ở mức “thường thường bậc trung” không thể sánh bằng. Nhưng nói đến tên lửa tầm xa, Tehran có thể đứng ngang hàng với bất kỳ quốc gia hàng đầu nào. Đây cũng chính là sức mạnh cốt lõi định hình nên chính sách đối ngoại của Iran.

Chương trình tên lửa hàng đầu Trung Đông

img

Tháng 7 đã chứng kiến nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của lực lượng Houthi nhằm vào các mục tiêu dân sự ở Saudi Arabia. Lần gần đây nhất là một cuộc tấn công thất bại hôm 14/7. Houthi là lực lượng phiến quân được Iran hậu thuẫn, đang đối đầu với Saudi ở Yemen.

Những cuộc tấn công nói trên khiến người ta chú ý nhiều hơn vào chương trình phát triển tên lửa tầm xa quy mô lớn của Tehran, đồng thời lo ngại về việc quốc gia này đang sử dụng các lực lượng ủy nhiệm và kho vũ khí của mình để gieo rắc hỗn loạn trên khắp Trung Đông.

Một báo cáo năm 2019 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã chỉ ra quyết tâm tối đa của Iran trong chương trình phát triển tên lửa và nhấn mạnh rằng những vũ khí này là mối đe dọa hiện hữu đối với Saudi Arabia cũng như trên toàn khu vực.

Báo cáo nhận định, Iran có kho vũ khí tên lửa lớn nhất ở Trung Đông. Được vận hành bởi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) với ngân sách hàng tỷ USD mỗi năm, những vũ khí này là một phần cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Iran.

Nói với Arab News, các chuyên gia đánh giá bản thân tên lửa của Iran đã là vũ khí nguy hiểm, nhưng việc nó nằm trong tay Iran và là trụ cột của một chính sách đối ngoại quyết đoán mới là điều khiến nhiều quốc gia lo ngại.

img

Mối đe dọa tên lửa Iran không thể đánh giá thấp. Một cuộc tấn công tên lửa toàn diện vào một quốc gia gần đó, chẳng hạn như Saudi hay UAE, có thể áp đảo hầu như bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào, báo cáo của CSIS nhận định.

Phạm vi tên lửa của Iran, từ khoảng 300 km đến 2.000 km trở lên, đặt ra một thách thức to lớn đối với Saudi - đặc biệt là Tehran với Riyadh vốn là đối thủ của nhau - và cũng là mối đe dọa thảm khốc đối với các quốc gia trên khắp Trung Đông.

Ian Williams, chuyên gia về phòng thủ tên lửa của CSIS, nói với Arab News rằng khả năng áp đảo mọi hệ thống phòng không là một phần trung tâm chiến lược Iran. “Tehran nhận ra rằng họ không thể đánh bại hoàn toàn Mỹ và GCC (các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh), nhưng nếu họ có thể gây ra những thiệt hại đủ đau đớn, họ có thể ngăn chặn gần như mọi nguy cơ, ngoại trừ việc rơi vào tình huống khắc nghiệt nhất”, ông cho biết.

Tăng cường sức mạnh để tồn tại

Khi mối quan hệ giữa Iran với các nước láng giềng và Mỹ trở nên tồi tệ, bên cạnh tình hình kinh tế của nước này đang vượt khỏi tầm kiểm soát, chính quyền Tehran ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sự tồn tại của chính mình. Đặc biệt khi quốc gia này đang bị cô lập bởi nhiều đối thủ.

Tehran đã nâng cấp kho vũ khí trong những năm gần đây, đạt được những bước tiến lớn trong mục tiêu tăng độ chính xác và tính sát thương trên các tên lửa. Càng ngày, Iran càng tăng thêm khả năng sử dụng tên lửa để thực hiện các cuộc tấn công hiệu quả vào các căn cứ và đội hình quân sự của kẻ thù, thay vì chỉ là một vũ khí đe dọa tấn công các thành phố.

Tiến sĩ Christopher Bolan, chuyên gia nghiên cứu an ninh Trung Đông tại Đại học Quân sự Mỹ, nói rằng khi đối mặt với các lệnh trừng phạt, Tehran ngày càng phụ thuộc vào việc sử dụng và xuất khẩu tên lửa đạn đạo cho các lực lượng ủy quyền trong khu vực.

img

“Iran đã trang bị cho một số lực lượng ủy nhiệm gần gũi nhất - Houthi, Hezbollah và Kata'ib Hezbollah - với những tên lửa tiên tiến đã được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Saudi, miền Bắc Israel và ở Iraq”, Bolan nêu quan điểm.

“Iran đã xây dựng một mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm trên toàn khu vực có khả năng gây thiệt hại đáng kể cho các lợi ích của Mỹ hoặc đồng minh, với lợi thế đổi lại là cung cấp cho Tehran một mức độ bao phủ và ngăn chặn xung đột hợp lý”.

Trong năm nay, Kata'ib Hezbollah, đồng minh mạnh nhất của Iran ở Iraq, đã bị nghi ngờ là nhóm chịu trách nhiệm cho một loạt các cuộc tấn công tên lửa ở nước này, bao gồm một vụ khiến hai lính Mỹ và một nhân viên người Anh thiệt mạng.

Ngày 14/9/2019, các cuộc tấn công vào cơ sở sản xuất dầu của tập đoàn Aramco ở Saudi Arabia cũng là một ví dụ tương tự cũng vậy về cách mà Tehran huy động lực lượng ủy nhiệm của mình để tấn công một mục tiêu nào đó.

Mặc dù Iran phản đối các cáo buộc nhắm vào mình, đồng thời phiến quân Houthi là bên nhận trách nhiệm vào thời điểm đó, nhưng giới quan sát cho rằng mức độ tinh vi của các cuộc tấn công được đánh giá là sẽ không thể xảy ra nếu không có sự trợ giúp và vũ khí của Iran.

img

Mỹ nên phản ứng thế nào

Samuel Hickey, một nhà phân tích tại Trung tâm kiểm soát và không phổ biến vũ khí có trụ sở tại Washington, cho rằng: “Iran thường hoạt động trong vùng xám giữa chiến tranh và hòa bình”.

Chiến lược này giúp Iran tiếp tục các mục tiêu an ninh, trong khi không nhất thiết phải trả đũa trực tiếp, điều này khiến cho đối thủ không biết nên phản ứng thế nào cho phù hợp.

Các chuyên gia cho rằng, nhiệm vụ khó khăn cho Mỹ các đồng minh là ứng phó hiệu quả với mối đe dọa tên lửa Iran.

Nếu gây áp lực quá mạnh, Iran có thể có những hành động bất cần ở Trung Đông. Nhưng nếu lơ là, có mọi dấu hiệu cho thấy IRGC sẽ tiếp tục gây bất ổn cho khu vực, phổ biến tên lửa đạn đạo và đẩy nhanh việc theo đuổi vũ khí hạt nhân.

“Mối đe dọa tên lửa của Iran không thể xóa bỏ mà chỉ được giảm nhẹ. Bước đầu tiên, là phải tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của các quốc gia vùng vịnh Ả Rập”, Samuel Hickey nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần tích hợp các hệ thống phòng thủ từ nhiều quốc gia khác nhau vào một mạng lưới khu vực giúp tăng khả năng phát hiện các vụ phóng. Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự an toàn của Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh.

“Mỹ nên tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa quốc gia và của các đồng minh trong khu vực, đồng thời đóng vai trò là công cụ răn đe chính đối với các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran”, chuyên gia Bolan diễn giải.

Tuy nhiên, giới quan sát đều có chung nhận định rằng, mối đe dọa tên lửa đối với Mỹ và đồng minh chỉ kết thúc khi nào Tehran từ bỏ chiến lược mở rộng kho vũ khí và bản thân Mỹ từ bỏ các biện pháp trừng phạt và gây áp lực với Iran, cả hai cùng nhau bắt tay đàm phán hòa bình.

Mạnh Kiên

img