img

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng lợi dụng đêm tối trộm trái châu 100 tuổi của lăng Ông Bà Chiểu

Hà Nguyễn

Lợi dụng đêm tối, kẻ trộm đã đột nhập vào khuôn viên lăng Ông (thường gọi là lăng Ông Bà Chiểu), trèo lên nóc mái nhà văn bia lăng Ông đánh cắp trái châu nằm giữa đôi rồng trong đồ án "lưỡng long tranh châu". Nhận tin báo, công an nhanh chóng vào cuộc truy lùng và thu hồi cổ vật giá trị sau 10 ngày điều tra. Hiện, trái châu quý hiếm đã được trao trả, gắn lại vị trí ban đầu. Trong khi đó, kẻ trộm đã bị công an tạm giam để mở rộng điều tra.

Đột nhập di tích, trộm cổ vật quý hiếm

Ngày 13/9, Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ kẻ trộm đột nhập vào lăng đức Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đánh cắp cổ vật quý hiếm. Theo thông tin điều tra ban đầu, vụ việc xảy ra vào ngày 29/8. Tuy nhiên, đến ngày 2/9, phía di tích mới phát hiện bị mất trái châu cổ trong bộ lưỡng long tranh châu trên nóc bia trước lăng mộ.

Trao đổi với PV, bà Lâm Thị Hoàng Oanh, Trưởng ban Quản lý di tích lăng Ông cho biết, ngày 2/9, nhân viên quản lý di tích bất ngờ phát hiện trái châu nằm giữa đôi rồng trong đồ án "lưỡng long tranh châu" trên nóc mái nhà văn bia lăng Ông bị mất. “Sau đó, chúng tôi đã trình báo sự việc lên cơ quan chức năng đồng thời trích xuất hình ảnh camera an ninh trong khuôn viên di tích để tìm hiểu”, bà Oanh cho biết.

img

Cổng vào khu di tích quốc gia lăng Ông Bà Chiểu.

Theo các hình ảnh từ camera an ninh, vụ trộm xảy ra vào 0h ngày 29/8. Vào thời điểm này, kẻ trộm là nam giới đã bí mật đột nhập vào khuôn viên di tích, trèo lên nóc mái nhà văn bia gỡ trộm trái châu nằm giữa đôi rồng. Nhận tin báo, Công an quận Bình Thạnh phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM có mặt khám nghiệm hiện trường, trích xuất camera, điều tra truy xét.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, ngày 9/9, Công an quận Bình Thạnh phát hiện, tiến hành bắt giữ đối tượng tình nghi lẻn vào khu di tích, gỡ trộm trái châu. Khám xét nơi ở của đối tượng này, công an phát hiện, thu giữ trái châu quý hiếm cùng nhiều tang vật có liên quan. Ngay sau đó, cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam nghi phạm trộm cắp trái châu gần 100 tuổi nói trên. Hiện tại, đơn vị này còn mở rộng điều tra, xử lý đường dây trộm cắp và tiêu thụ cổ vật.

img

Trái châu bằng gốm Cây Mai nằm giữa đôi rồng trong bộ lưỡng long tranh châu được đặt trên nóc mái nhà bia.

Kẻ trộm đã nghiên cứu kỹ địa hình trước khi ra tay

Cũng theo bà Oanh, ngay sau khi thu hồi được trái châu quý, cơ quan công an đã tổ chức trao trả lại cho phía di tích. Ngày 12/9, ban Quản lý di tích lăng Ông đã báo cáo và nhờ chuyên gia của trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM hỗ trợ về chuyên môn để gắn cổ vật này lại vị trí cũ. Cùng ngày, các chuyên gia của trung tâm trên đã sử dụng keo để cố định lại trái châu vào vị trí cũ, trả lại hiện trạng ban đầu.

Bà Oanh cho biết, cũng như đôi rồng trong bộ lưỡng long tranh châu, trái châu được chế tác từ gốm chứ không phải đá quý. Đây là sản phẩm gốm thuộc dòng gốm Cây Mai nổi tiếng của Sài Gòn xưa có niên đại từ những năm 1922. Theo quan sát, hiện vật có 3 phần với chiều cao gần 1m gồm: Đế, thân và đỉnh. Trong đó, phần thân là hình trái châu bằng gốm phủ men màu xanh ngọc rất đẹp.

Trái châu hình cầu phủ men xanh ngọc được đặt trên phần đế được trang trí bằng những họa tiết hết sức tinh xảo. Bà Oanh nhấn mạnh, các hiện vật này đã gần 100 năm tuổi nhưng vẫn nguyên vẹn từ màu sắc đến hình dáng. Trải qua mưa nắng, chất liệu gốm cũng như lớp men không hề bị hư hỏng thậm chí xuống sắc. Điều này cho thấy chất liệu gốm và men của cha ông thời trước vô cùng chất lượng.

img

Bộ lưỡng long tranh châu bằng gốm Cây Mai quý hiếm trước khi bị trộm đánh cắp.

Ngoài giá trị nghệ thuật, hiện vật này còn được đánh giá rất cao bởi có giá trị văn hóa, lịch sử. Không chỉ có tuổi đời lớn, bộ lưỡng long tranh châu nói chung và trái châu còn là sản phẩm đặc trưng của dòng gốm Cây Mai. Bởi loại sản phẩm gốm độc đáo và đặc trưng của gốm Cây Mai sản xuất vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là gốm men màu. Đây là loại gốm cao cấp có men màu khá phong phú như trắng, xanh lam, xanh lục, nâu… Các men màu này hiện hữu trong đồ án "lưỡng long tranh châu trên nóc mái nhà văn bia trước lăng mộ Tả quân Lê Văn Duyệt.

Cũng theo bà Oanh, việc bảo vệ các hiện vật trong khu di tích được ban quản lý thực hiện hết sức nghiêm túc, chặt chẽ. Khuôn viên di tích đều được gắn camera an ninh, đội ngũ bảo vệ túc trực tại lăng 24/24. Sau mỗi giờ, lực lượng bảo vệ đi tuần tra xung quanh di tích một lần. Tuy nhiên, kẻ trộm vẫn có thể đột nhập và đánh cắp thành công cổ vật. Điều này cho thấy, tên trộm đã nghiên cứu kỹ, có sự chuẩn bị trước khi ra tay”.

img

Sau 10 ngày điều tra, công an đã thu hồi trái châu và trao trả lại cho khu di tích. Hiện, trái châu đã được trả về vị trí ban đầu.

Được biết, đây là vụ trộm cổ vật xảy ra tại di tích lăng Ông Bà Chiểu được cơ quan điều tra khám phá nhanh nhất. Trước đó, di tích từng nhiều lần bị trộm đột nhập, đánh cắp các hiện vật có giá trị. Cụ thể, từ những năm 1995-1996, di tích đã có ghi nhận về việc kẻ trộm đột nhập, đánh cắp các hiện vật. Thời điểm này, kẻ trộm đã cặp phù điêu Ông Nhật Bà Nguyệt tại di tích.

Năm 2010, kẻ trộm tiếp tục đánh cắp 1 chiếc dĩa kiểu cổ trang trí. Năm 2012, liên tục 2 phù điêu con nghê ở cổng lăng Ông mặt đường Phan Đăng Lưu bị gỡ trộm. Gần đây nhất, trong đợt trùng tu diễn ra vào năm 2018, di tích này đã bị mất 7 phù điêu là 7 vị tiên trong bộ tám vị bát tiên trên đỉnh tiền điện. Bảy vị tiên được trộm gỡ liên tục trong 2 ngày. Cũng trong đợt này, phù điêu phượng hoàng ngậm thư cũng bị gỡ mất 1 con, hiện di tích chỉ còn 1 con.

H.N

img