Việc khởi tố cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” còn thu hút sự chú ý của dư luận bởi đây là một tội danh hoàn toàn mới, được quy định tại BLHS 2015 (có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018). Dư luận băn khoăn, tội danh này có ưu điểm gì trong định tội các vi phạm, liệu có hạn chế được nạn thâu tóm đất công, có dễ thu hồi tài sản Nhà nước hơn hay không…
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin pháp luật, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” được bổ sung căn cứ vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 BLHS 1999.
Theo luật sư Cường, tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được áp dụng từ năm 1999 nhưng không mấy hiệu quả do có phạm vi quá rộng và chung chung. Việc áp dụng điều luật này cũng gây nhiều tranh cãi, khó khăn cho công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm về tham nhũng và chức vụ.
Bởi vậy, từ ngày 01/01/2018, tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” không còn được áp dụng nữa, thay vào đó các hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước được cụ thể hóa, được thay thế bằng các điều luật mới, nằm trong Mục 3 Chương 18 từ Điều 217 đến Điều 234 của BLHS 2015, bao gồm 9 tội danh cụ thể bao quát các lĩnh vực quản lý vốn, tài sản nhà nước, cố ý làm trái trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, bảo hiểm…
“Ông Vũ Huy Hoàng có thể phải đối diện với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là 20 năm tù, được quy định tại Điểm 3 Điều 219 BLHS 2015 như sau: “Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm” – luật sư Cường cho hay.
Bổ sung nhận định về tội danh mới này, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc công ty luật hợp danh Thiên Thanh, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Với tội danh này thì không cần yếu tố vụ lợi mới có thể cấu thành hành vi phạm tội. Vụ lợi chỉ có giá trị là tình tiết tăng nặng.
“Chủ thể của tội này là những người có chức vụ quyền hạn, họ buộc phải nhận thức đúng đắn nội dung, tinh thần của các quy định pháp luật và thực hiện nghiêm chỉnh, nếu vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm hình sự” – luật sư Truyền nói.
Ông Truyền cũng cho biết thêm, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ chứng minh động cơ mục đích phạm tội của họ, nếu có yếu tố vụ lợi thì rất có thể sẽ cấu thành tội danh khác như “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, hoặc nếu có nhận tiền, tài sản, giá trị vật chất tinh thần để giao đất trái phép cho các đối tượng thì có thể cấu thành tội “Nhận hối lộ”. Đây là các tội thuộc nhóm tội phạm về chức vụ với chế tài xử lý nặng hơn.
Đối với vấn đề thu hồi tài sản Nhà nước, ông Truyền nhận định vẫn là vấn đề khó trong xử lý vi phạm ở Việt Nam. Nguyên nhân vì các đối tượng phạm tội thường là những người có trình độ cao, hiểu biết pháp luật nên có tính toán khả năng che dấu tội phạm.
Trong khi đó, các vụ án về tham nhũng, chức vụ, kinh tế thường là vụ án lớn rất nghiêm trọng và phức tạp, hành vi phạm tội thường rất tinh vi, nhiều bị can, quá trình điều tra phải trưng cầu giám định để xác định hậu quả thiệt hại, nhưng công tác giám định thiệt hại về kinh tế, đất đai…còn gặp nhiều lúng túng.
Mặt khác, pháp luật về sở hữu, tài sản chưa rõ ràng, tài sản công và tài sản tư chưa được minh định rõ ràng nhất là trong các doanh nghiệp nhà nước doanh nghiệp có vốn nhà nước. Việc minh bạch , kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn hiện nay đang gặp nhiều khó khăn khi vẫn còn tình trạng cán bộ công chức, kê khai tài sản thiếu trung thực, việc kiểm tra, giám sát tài sản của công chức còn chưa chặt chẽ nên rất khó xác định tài sản của họ có phải là do từ việc tham nhũng mà có hay không…
Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” tại Sabeco bị khởi tố ngày 8/11/2018. Tiếp đó, ngày 11/07/2020, văn phòng Cơ quan CSĐT (C01) Bộ Công an cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, thực hiện các lệnh khám xét, lệnh bắt tạm giam đối với ông Vũ Huy Hoàng để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự 2015. Ông Vũ Huy Hoàng được tại ngoại.
Được coi là một khu “đất vàng” có giá trị quyền sử dụng hơn 3.816 tỷ đồng, lô đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng với diện tích hơn 6.000 m2, có vị trí đắc địa tại trung tâm Q.1, TPHCM, với 4 mặt tiền tại đường Hai Bà Trưng, Đông Du, Thi Sách và Công Trường Mê Linh (cạnh bên phố đi bộ Nguyễn Huệ).
Cận cảnh khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q1, TPHCM) khiến hàng loạt quan chức sa lưới pháp luật (nguồn ảnh: Internet)
Đây là mảnh đất được Nhà nước giao cho tổng công ty Bia – Rượu – Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco), một doanh nghiệp trực thuộc bộ Công Thương với tỷ lệ vốn Nhà nước 89,59%, quản lý và sử dụng. Ban đầu, khu đất này có chủ trương xây dựng trụ sở văn phòng Sabeco và trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn năm 2014 đến 2016, lợi dụng chủ trương thoái vốn của Nhà nước, nó đã bị nhóm ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng bộ Công Thương), bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng bộ Công thương, hiện đang bỏ trốn), ông Phan Đăng Tuất (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco) và nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín “hô biến” sang cho công ty Sabeco Pearl - doanh nghiệp có cổ phần của Sabeco thông qua đấu giá cổ phần với giá “bèo” chỉ hơn 196 tỷ đồng.
Đến nay, công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Chia sẻ với PV Đời sống và Pháp luật, luật sư Phạm Quang Xá (Giám đốc công ty luật TNHH XTVN, đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định: Ông Vũ Huy Hoàng là Bộ trưởng bộ Công Thương giai đoạn 2011 – 2016, mặc dù biết đây là đất công nhưng vẫn chấp thuận chủ trương, chỉ đạo để bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập công ty Sabeco Pearl trái với quy định để đầu tư dự án.
Luật sư Phạm Quang Xá - Giám đốc công ty luật TNHH XTVN, đoàn luật sư TP Hà Nội
Sau đó, ông Hoàng cũng không xem xét, đánh giá chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của dự án (đã được UBND TP.HCM chấp thuận bổ sung thêm chức năng căn hộ ở) mà chấp thuận chủ trương thoái toàn bộ 26% vốn góp của Sabeco tại Sabeco Pearl.
“Hành vi của bị can Vũ Huy Hoàng diễn ra trong thời gian dài, có tính hệ thống, cố ý làm trái các quy định của pháp luật chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn (hơn 3.816 tỷ đồng).
Theo khoản 3 Điều 219 BLHS 2015, bị can có thể sẽ phải đối diện với mức hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể phải chịu hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” – luật sư Xá nói.
Liên quan đến vụ án thâu tóm đất công giá rẻ tại Sabeco, một mắt xích quan trọng là cựu Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa hiện đã bỏ trốn ra nước ngoài, gây khó khăn cho công tác điều tra xét xử. Vấn đề đặt ra là hành vi bỏ trốn này có thể được ngăn chặn hay không?
TS Cao Vũ Minh (Giảng viên khoa Luật Hành chính - Trường ĐH Luật TP.HCM, Phó Tổng biên tập tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam)
Ông Cao Vũ Minh cho rằng, hành vi bỏ trốn của những người có liên quan đến vụ án đang điều tra, xét xử hoàn toàn có khả năng ngăn chặn.
Thưa TS Cao Vũ Minh, trong vụ án thâu tóm đất công giá rẻ ở Sabeco, hiện có một tình tiết được nhiều người quan tâm là bà Hồ Thị Kim Thoa - cựu Thứ trưởng Bộ Công thương – đã bỏ trốn ra nước ngoài và đang bị truy nã. Ông bình luận thế nào về hành vi này?
Đây không phải là câu chuyện hi hữu. Trước đó, năm 2018, Bộ Công an đã ra lệnh khởi tố bị can và phát lệnh truy nã quốc tế đối với Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") vì các tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước". Việc bắt ông Vũ đáng lẽ rất khó khăn nếu như không xảy ra việc ông này vi phạm đạo luật di trú của Singapore và bị trục xuất sau đó.
Trong vụ sai phạm tại tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế bị can Trịnh Xuân Thanh. Cuối năm 2019, bị can Đào Thị Hương Lan - cựu Giám đốc sở Tài chính TPHCM - liên quan đến sai phạm cho công ty Diệp Bạch Dương hoán đổi tài sản Nhà nước trái quy định cũng đã bị truy nã khi đang ở nước ngoài.
Có một thực tế là, nhiều trường hợp bị can, bị cáo đã trốn trước khi bị khởi tố. Liệu những người này đã đoán biết được số phận chính trị của họ trước sau gì cũng bị khởi tố nên đã tìm đường xuất cảnh?
Những tội phạm nghiêm trọng như vậy có thể tẩu thoát ra nước ngoài, phải chăng pháp luật của ta về vấn đề này đang còn kẽ hở, thưa ông?
Đây là một vấn đề còn vướng mắc, bất cập trên thực tế. Bởi quyền tự do đi lại, quyền ra nước ngoài là quyền Hiến định của công dân, được quy định trong Hiến pháp, chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Việc không cho xuất, nhập cảnh chỉ được áp dụng trong một số trường hợp cụ thể, quy định tại nghị định 136/2007. Tại thời điểm xuất cảnh mà bà Thoa chưa phải là bị can, bị cáo... thì không thể cấm xuất cảnh.
Trước khi bị truy nã, bà Thoa từng bị kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền, các vi phạm đã diễn ra trong một thời gian dài, thời gian xử lý cũng kéo dài. Do đó bà Thoa có đủ thời gian và điều kiện để bỏ trốn.
Nhiều người nợ thuế chỉ 500.000 đồng cũng có thể không được xuất cảnh trong khi đó, những cán bộ, cựu cán bộ đã bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng hoặc bị kỷ luật về mặt chính quyền đang liên quan đến vụ án nghiêm trọng như bà Hồ Thị Kim Thoa lại vẫn được xuất cảnh. Đây cũng là vấn đề cầm quan tâm.
Vậy theo ông, phải ngăn chặn việc người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài thế nào?
Theo điều 21 Nghị định 136/2007, công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc 1 trong 7 trường hợp được quy định tại, bao gồm người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm, đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự...
Pháp luật về xuất nhập cảnh cũng quy định không chỉ có những người đang là bị can, bị cáo không được xuất cảnh, mà những người có liên quan đến công tác điều tra tội phạm cũng không được xuất cảnh. Tuy vậy, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh chỉ có thể không cho một người xuất cảnh theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án…
Theo tôi, cần có quy định nếu cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật về mặt chính quyền thì không được xuất cảnh. Bên cạnh đó, những người có chức vụ thường là đảng viên, khi kỷ luật về mặt Đảng, cơ quan chức năng phải nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân và kết hợp việc xử lý kỷ luật người này về mặt chính quyền.
Đồng thời quy định trong thời gian xử lý kỷ luật về mặt chính quyền, có thể dẫn tới truy cứu trách nhiệm hình sự thì không cho xuất cảnh.
Xin trân trọng cảm ơn ông.
M.M