Với tình trạng thiếu vốn, thừa nguy cơ như hiện nay của các dự án đường sắt trên cao, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô thì xe buýt mới là nút thắt lớn nhất cần giải quyết.
Gần đây, sở GTVT TP.HCM đã trình Đề án thu phí ôtô vào khu vực trung tâm lên UBND TP. Đề án hướng tới mục đích hạn chế ùn tắc giao thông khu vực trung tâm, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời hạn chế lượng ôtô cá nhân, phát triển giao thông công cộng và hạ tầng giao thông.
Đây được cho là giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng quá tải của các tuyến đường nội đô ngày càng tăng cao khi lượng ôtô đăng ký mới trên địa bàn hiện tăng hơn 15% (xe máy tăng 6%).
Việc thu phí vào nội đô không phải là một sáng kiến mà đã được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu, việc áp dụng không cần phải bàn đến. Nhưng áp dụng xong, thu tiền phí xong thì sao nữa?
Khoan hãy lấy kinh nghiệm từ Singapore, họ có hệ thống phương tiện công cộng thuận lợi bậc nhất cho người dân, bước chân ra khỏi nhà là gặp trạm xe buýt, mạng lưới tàu điện ngầm giúp người dân đi cả đất nước chỉ mất vài phút ngồi điều hoà mát rượi.
Bạn có thể thường xuyên gặp những doanh nhân sơ mi lịch lãm, cặp da sang trọng ngồi tàu điện ngầm hay những cô nàng mặc quần áo sành điệu đứng chờ ở trạm xe buýt.
Vì sao? Vì đi phương tiện công cộng thực sự là lựa chọn tối ưu của họ.
Còn ở Việt Nam? Đi xe buýt hiện nay là sự lựa chọn bất đắc dĩ của những người không có điều kiện đi xe máy hay ô tô.
Cứ so sánh đầu vào để áp dụng mà không so sánh đầu ra, ấy là sự khập khiễng.
Với những người đi ô tô, chi phí cho tiền đậu - đỗ xe mỗi tháng khoảng 2 triệu, tiền xăng 3-4 triệu tuỳ nhu cầu đi lại, chưa kể tiền bảo dưỡng, khấu hao thì số tiền 30.000 đồng/lượt vào nội đô khi cần thiết chẳng đáng là bao. Việc thu phí ô tô vào nội đô chỉ là giải pháp tình thế.
Muốn giải quyết vấn đề lâu dài, không phải là để người dân không mua ô tô nữa mà là để họ tăng cường sử dụng phương tiện công cộng.
Với tình trạng dự án đường sắt trên cao, các tuyến Metro vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" nằm im chờ vốn rót về như hiện nay thì đầu tư cho dịch vụ xe buýt là phương án khả dĩ hơn cả.
Để khách hàng sử dụng dịch vụ, xe buýt phải tự thay đổi, từ phụ xe, tài xế đến tư duy kinh doanh của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Họ đang phục vụ cho khách hàng - người trả tiền lương cho họ chứ không phải mang tính ban ơn cho những "người nghèo nên phải đi xe buýt".
Bên cạnh đó, mạng lưới phương tiện công cộng phải đồng bộ để không phải đi cả quãng đường xe mới đến được điểm dừng chờ xe buýt, mạnh tay giải tán đủ các thành phần sống ký sinh tràn lan ở trạm xe buýt như "tập đoàn" trà đá, "tập đoàn" xe ôm công nghệ, các siêu trộm hay cả những tên yêu râu xanh giở trò sàm sỡ...
Đi xe buýt với lý do "góp phần bảo vệ môi trường" hay "giảm ùn tắc giao thông nội đô" có chăng chỉ nằm trên các bài tuyên truyền của chính quyền địa phương, nhưng đó là câu chuyện vĩ mô, cần khảo sát đánh giá lâu dài. Còn với hàng triệu người dân sống ở thành phố như tôi, nếu thay đổi tư duy kinh doanh "công cộng" của doanh nghiệp vận tải xe buýt ngay từ bây giờ thì tôi dám chắc, người giàu cũng sẽ đi xe buýt.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả