Không công bố danh tính thí sinh vụ sửa điểm thi ở Hòa Bình: Quyết định táo bạo, nhân văn

Với những đứa trẻ trong câu chuyện sửa điểm thi ở Hòa Bình, cho chúng cơ hội sửa sai để trở thành công dân có ích hay tước đoạt danh dự, đẩy chúng vào “bước đường cùng”?

img
img

Trải qua một năm nhiều sóng gió, “bão” vẫn chưa dừng sau cánh cửa của ngành giáo dục khi liên tiếp những vụ tạm gọi là “bê bối” vẫn ập đến tới tấp. Mới đây nhất, câu chuyện gian lận thi cử ở kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở Hòa Bình tiếp tục được khơi lại, làm rõ. Trong đó, nảy sinh vấn đề: Công khai hay không công khai danh tính những thí sinh được nâng điểm.

Dù vấp phải rất nhiều tranh cãi trong dư luận nhưng ngành giáo dục vẫn giữ quan điểm không công bố danh tính vì sợ tổn thương thí sinh. Bởi, các em còn có cả một tương lai phía trước. Bởi, sai phạm này là của người lớn. Và đó quả là quyết định táo bạo, cần thiết và đầy nhân văn của lãnh đạo ngành trong thời điểm “nhạy cảm” như thế này.

Các bậc phụ huynh cả nước chắc hẳn đang bức xúc lắm. Bức xúc vì chỉ chênh nhau nửa điểm, đời con mình và con người ta đã là 2 số phận khác nhau. Bức xúc vì chênh những 9 điểm vẫn “an toàn” và bức xúc vì nhiều điều khác nữa...

Dẫu biết rằng, bất cứ ngành nào, bất cứ ai nếu sai phạm đều không có “vùng cấm”. Nhưng về mặt pháp luật, xét kĩ trong trường hợp này, ở kết quả điều tra hiện tại, sai phạm dừng ở những bậc phụ huynh. Chưa có một kết quả nào cho thấy, những thí sinh là người có tội. Làm sao mà để “quýt làm, cam chịu”?

Cá nhân tôi cho rằng, phải xử nặng, thật nặng những bậc phụ huynh gian trá. Bởi họ không chỉ góp phần gây ra cơn “địa chấn” của sự gian dối trong thi cử, làm ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục của cả nước, mà còn tự mình xây dựng một nền giáo dục gia đình tồi tệ.

Trước đây xảy ra tình trạng, nhiều phụ huynh không cho con quyền tự quyết học gì, làm gì. Họ chọn trường thay con. Giờ đây, không ít phụ huynh còn táo bạo tới mức can thiệp điểm thi của con... Vậy trong tương lai, có điều gì dám chắc họ không dám học thay và làm thay con?

Một tình thương ẩn đầy tội lỗi. Và tôi gọi sự bao bọc này là tội ác...

Trong vụ việc này, suy cho cùng, những đứa trẻ, chúng chỉ là nạn nhân... Nạn nhân của sự bao bọc từ phía gia đình. Nạn nhân của sự hèn nhát từ chính bản thân.

Dù biết hay không biết, thì những người có hành vi sai phạm kia cũng là cha mẹ, là máu mủ ruột rà của chúng. Và nếu ở vị trí của những đứa trẻ, tôi cũng không đủ mạnh mẽ đứng lên đấu tranh mà chọn cách im lặng, an phận. Bởi, nếu nói ra, cha mẹ tôi sẽ rơi vòng lao lý, tôi không chỉ là đứa trẻ “mất dạy” vì không nghe lời bố mẹ mà còn là đứa đánh mất luôn cả cha mẹ mình.

Cha mẹ làm thế là vì những đứa trẻ hay vì chính họ? Tôi nghĩ là cả 2. Bởi nếu chúng không đỗ đại học, cái danh 12 năm ăn học đổ sông đổ bể sẽ lan truyền khắp làng trên xóm dưới. Bố mẹ chúng ngại, còn chúng cũng không có mặt mũi nào ngẩng lên nhìn các bạn... Gia đình những đứa trẻ chẳng thể chấp nhận được việc chúng không đi theo con đường học vấn mà trở thành công nhân hay làm một nghề gì đó gọi là lao động phổ thông. Và đó là lý do, họ liều lĩnh, bất chấp, đánh đổi...

Chưa kể, những đứa trẻ, chúng đã và đang phải chịu rất nhiều tổn thương từ chính sự việc này. Bộ Giáo dục có thể không công khai tên thí sinh, người dân cả nước có thể không biết “tên tuổi, mặt mũi” chúng như thế nào. Nhưng ở địa phương, chúng làm sao tránh khỏi những cái chỉ trỏ hay những “bia miệng nghìn năm”. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ khiến những đứa trẻ “sống mòn” với dư luận.

Trong cuộc đời con người, ai chẳng từng lầm lỗi. Có những lỗi lầm cần tước đoạt mọi thứ quyền. Có những lỗi lầm cần giúp họ nhìn lại và sửa đổi. Với những đứa trẻ trong câu chuyện này, cho chúng sửa sai để trở thành công dân có ích hay tước đoạt danh dự, đẩy chúng vào “bước đường cùng”?

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

img