img

Lê Kông

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế khi chia sẻ về công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại sau thời gian dài nghỉ chống dịch Covid-19.

Sẵn sàng môi trường an toàn đón học sinh trở lại

Theo dự kiến, sáng ngày mai (27/4), học sinh THCS, THPT (kể cả khối giáo dục thường xuyên) ở Thừa Thiên-Huế sẽ bắt đầu đi học trở lại sau thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19. Một tuần sau đó, các học sinh khối tiểu học và trẻ mầm non cũng sẽ trở lại trường lớp học tập bình thường.

Mấy ngày qua, đội ngũ thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh này đang nỗ lực vệ sinh trường lớp, phun thuốc tiêu độc khử trùng, đảm bảo môi trường học an toàn để đón học sinh đi học trở lại.

img

Thầy cô giáo ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) đang dọn dẹp vệ sinh để đón học sinh trở lại.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, cùng với việc cấp phát miễn phí khẩu trang cho học sinh và giáo viên khi đến trường, các trường sẽ thực hiện mô hình xếp hàng đón con đảm bảo khoảng cách an toàn. Trong ngày đi học đầu tiên, yêu cầu các trường tiến hành kiểm tra thân nhiệt của toàn bộ học sinh, giáo viên; rà soát cụ thể từng đối tượng học sinh để nắm bắt và theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh.

Song song đó, Sở này cũng đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT theo dõi, bám sát tình hình sức khỏe học sinh để có phương án xử lý, phòng ngừa, khi phát hiện trường hợp có biểu hiện bất thường phải phối hợp ngành y tế thăm khám và thực hiện cách ly y tế theo quy định.

img

lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế kiểm tra công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại tại các trường học.

Về kiến thức cho học sinh, vị Giám đốc Sở GD&ĐT tâm huyết với mô hình trường học hạnh phúc nhấn mạnh, khi học sinh đi học trở lại, ngành sẽ yêu cầu các trường học rà soát lại học sinh của mình. Trường hợp những học sinh không có phương tiện học online trong thời gian nghỉ sẽ được bố trí giáo viên dạy riêng, bổ túc lại kiến thức. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn sau dịch, nhà trường phải hỗ trợ, động viên, cương quyết không để một em học sinh nào phải bỏ học vì lý do hoàn cảnh.

“Không để học sinh nào để lại phía sau. Thừa Thiên-Huế sẽ tiếp tục là điểm sáng và theo đuổi mục tiêu trường học hạnh phúc trong bất luận hoàn cảnh nào”, ông Nguyễn Tân khẳng định.

img

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ với PV.

Ông Tân chia sẻ thêm, ngoài quan tâm bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, Sở cũng quan tâm đặc biệt đến đội ngũ giáo viên, nhân viên gặp khó khăn vì đại dịch. Đặc biệt là đội ngũ thầy cô giáo hợp đồng, nhân viên cấp dưỡng không được hưởng lương do nghỉ dịch sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Với tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, Sở GD&ĐT tỉnh sẽ tổng hợp danh sách, đồng thời phát động trong cán bộ giáo viên toàn ngành ủng hộ đóng góp tự nguyện, chung tay giúp đỡ những trường hợp này. Sau khi quyên góp, công đoàn ngành sẽ có kế hoạch hỗ trợ để giảm một phần khó khăn động viên mọi người vì học sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Biến thách thức thành cơ hội để thay đổi!

Có thể thấy rằng, việc nghỉ học kéo dài đã gây nên nhiều khó khăn nhưng theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, đây cũng là cơ hội để ngành biến những thách thức thành cơ hội thay đổi theo hướng tích cực.

img

Ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên-Huế ghi điểm qua những bài giảng online chất lượng phát sóng trên toàn quốc.

Ông Tân nói, từ việc phát huy thành quả dạy học truyền hình, online trong dịch với việc Thừa Thiên-Huế được ghi nhận như là điểm sáng của toàn quốc về dạy học từ xa trong điều kiện học sinh không đến trường được, ngành sẽ tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, dạy học của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh cùng đồng hành theo dõi việc học tập của con cái.

Theo đó, giáo dục tỉnh nhà sẽ tiếp tục nâng cấp các phần mềm ứng dụng; tiếp tục duy trì dạy truyền hình dưới hình thức ôn tập để hỗ trợ cho học sinh ngoài việc học và ôn trên lớp; đồng thời, hình thành kho dữ liệu dùng chung phục vụ lâu dài các bài giảng để học sinh, giáo viên tham khảo hỗ trợ đắc lực vào nghiên cứu giảng dạy và học tập cho học sinh.

img

Học sinh trường Tiểu học số 1 Lộc Trì (huyện Phú Lộc) tự học qua bài giảng online của giáo viên.

“Sau đợt nghỉ học vì dịch vừa rồi, tôi nhận thấy rằng ý thức trau dồi kiến thức về công nghệ thông tin của nhiều giáo viên đã thay đổi nhiều theo hướng tích cực. Họ đã ý thức được sự hữu ích của việc áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý học sinh. Không chỉ vậy, việc dạy học online, truyền hình cũng đã hình thành cho các em học sinh thói quen tự học... Khi ý thức tự học của học sinh nâng lên thì áp lực từ vấn nạn dạy thêm, học thêm sẽ nhẹ dần và đi đến triệt tiêu.”, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế lạc quan chia sẻ thêm.

Được biết, trước đó, với việc sớm triển khai dạy học qua sóng truyền hình và tổ chức dạy có chất lượng, Bộ GD&ĐT đã quyết định tuyển chọn các bài giảng của thầy cô giáo Thừa Thiên - Huế vào chương trình phát sóng dạy học chung cho học sinh toàn quốc trên sóng truyền hình quốc gia mỗi ngày. Sau khi lên sóng, những bài giảng trên truyền hình của giáo viên ở Thừa Thiên-Huế cùng 2 địa phương khác là Hà Nội và Hải Phòng đã được đông đảo người dân, phụ huynh học sinh cả nước đón nhận tích cực và được Bộ GD&ĐT ghi nhận.

L.K

img