Nhớ chuyện xưa, ngẫm chuyện nay, để thấy: “Giá trị của những cuốn sách giáo khoa đâu chỉ nằm trên giá bìa?”.
Hẳn trong ký ức tuổi thơ thế hệ 7X, 8X trở về trước ở nông thôn vẫn chưa quên được những trưa hè, dồn mấy tập giấy vở, dăm cuốn sách giáo khoa cũ dùng qua nhiều lần, rách gáy, mép quăn, thậm chí đã sờn con chữ để đổi lấy vài que kem ngọt mát.
Họ hàng nhà tôi có hơn chục đứa trẻ sàn sàn tuổi, chỉ hơn nhau chừng một đến hai năm. Nói là họ hàng cho sang, chứ thực chất là con chú, con bác trong một nhà chẳng lấy gì làm xa xôi mấy. Cũng chính vì thế, thường anh chị em chúng tôi chẳng mấy khi có kem ăn mùa hè vì sách của đứa trước, còn để cho đứa sau dùng. Có khi, sách giáo khoa cứ quay vòng đến cả chục năm trời; từ đứa anh, qua tay cả chục người em mới hết một “đời sách”.
Hồi ấy, tôi là lớp “đàn anh” trong gia đình. Thế cho nên, tôi và những anh, chị khác thường được sử dụng cuốn sách giáo khoa mua mới. Hoặc nếu có sách xin từ các anh chị khác thì cũng không mấy cũ. Nhưng được dùng sách mới lại đi kèm với trách nhiệm lớn hơn, là phải giữ gìn sách thật cẩn thận để học hết năm lại chuyển cho em kế tiếp trong họ. Những cuốn sách khi mua về được dùng giấy báo cũ bọc kỹ càng, dán chiếc nhãn xinh xinh có ghi tên tuổi, trường lớp. Và cả bìa trước, bìa sau đều được giấu kỹ sau lớp báo cũ kỹ ấy, kể cả giá bìa một nghìn rưỡi, một nghìn tám hay hai nghìn đồng cũng được che lại bên trong.
Điều tối kỵ khi sử dụng sách giáo khoa là không được tiện tay viết, vẽ vào. Cứ thế, những cuốn sách được truyền tay qua nhiều năm nhưng vẫn giữ nguyên nếp. Cũng vì thế, những đứa trẻ lớp “đàn anh”, “đàn chị” trong họ như chúng tôi chẳng bao giờ được mang sách đổi kem. Giá trị cuối cùng sau cả chục năm tồn tại đến tay những đứa em út hồn nhiên, khi kết thúc năm học là cứ hai cuốn sách giáo khoa cũ thì đổi được… một que kem. Đương nhiên, niềm kiêu hãnh của lớp “đàn anh” khi được nâng niu những cuốn sách mới còn đáng giá hơn cả chục que kem mà lớp em út dùng sách cũ để đổi.
Tản mạn chuyện xưa, chuyện chuyền tay cuốn sách, hay vu vơ việc đổi que kem để thấy, một cuốn sách giáo khoa từng tồn tại có giá trị hơn gấp năm, gấp mười lần cái giá bìa mà nó được định. Thế nhưng, giờ đây, hình như giá trị của những cuốn sách giáo khoa đơn giản chỉ định qua giá bìa. Người ta phải đề một con số thật cao, ghi một cái dãy số vượt hẳn những bộ sách khác mới khẳng định được giá trị. Đó là chưa muốn nói, đằng sau câu chuyện số tiền ghi trên bìa của cuốn sách giáo khoa thời nay có lẽ là những điều mà học sinh ở tuổi hồn nhiên chẳng nên biết, cũng không cần phải nói với các em để làm gì.
Chắc hẳn vì thế, vì định giá thị trường và việc tự hạch toán kinh doanh mà những cuốn sách giáo khoa giờ đây xét ở khía cạnh nào đó được xem như “hàng chợ”, ít được trân trọng, nâng niu hơn. Người ta căn cứ trên một khung kiến thức chung rồi tự viết, tự làm, tự in, tự lấy giấy, tự lựa màu sao cho hợp thị hiếu. Nhà trường chọn, rồi phụ huynh mua tương thích với “gu” của địa phương mình.
Thế là, nhà sách thi nhau “đội giá”, tất nhiên cái giá đó vẫn phải nằm trong khung kiểm soát của cơ quan chức năng. Tích cực thì đó sẽ là một cuộc chạy đua về công nghệ giáo dục, về chất lượng in ấn để phụ huynh được lựa chọn những cuốn sách giáo khoa tốt nhất cho con em mình.
Nhìn ngược lại thì đó sẽ một thương trường mà “thượng khách” là phụ huynh và học sinh phải đau đầu cân nhắc trước khi vào đầu năm học. Và ở nông thôn, miền núi, mấy ngày qua, khi nghe tin về giá của một số cuốn sách giáo khoa chương trình mới sẽ sử dụng trong năm học tới đây, không ít cha mẹ lại nhọc lòng nghĩ tới ruộng lúa, nương ngô chưa vào mùa thu hoạch.
Rồi hẳn, không xa nữa, cuốn sách giáo khoa dùng sau một năm với giấy cút-xê, mực màu xanh đỏ sẽ chẳng còn được những người anh, người chị tuổi học trò nâng niu, gìn giữ, trao lại cho em. Và có khi, những cuốn sách đó sau một lần sử dụng sẽ chẳng còn đáng giá một que kem ngọt lành!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả