Thời gian có thể làm lành vết thương nhưng nỗi nhục, sự ê chề thì chẳng bao giờ có thể gột rửa được. Và rồi các em nhận được gì sau những sang chấn tâm lý của tuổi ấu thơ ngoài bi kịch và sự thương tổn?
Ngày tôi 8 tuổi, dù còn rất bé, thậm chí tuổi thơ tôi chẳng thể nhớ gì ngoài cái ngày định mệnh đó. Hắn ở gần nhà, hơn tôi độ vài chục tuổi. Hôm đó hắn cho tôi kẹo, dụ tôi vào góc tường rồi kéo quần tôi xuống, khi hắn đang chuẩn bị làm trò gì đó thì tôi ý thức được sự sợ hãi. Tôi đứng trân người mà chẳng biết phản kháng như thế nào, chỉ ú ớ gọi lên một tiếng lạc giọng: Chị ơi! May là chị gái tôi kịp chạy vào. Nhìn thấy hắn, mặt chị cũng tái mét nhưng đã kịp vớ lấy chiếc chổi và đập vào lưng hắn. Có lẽ vì đã bị phát giác nên hắn bỏ đi.
Mãi sau này, tôi mới giật mình, mình từng suýt bị xâm hại, và quả thực, đã hơn 20 năm trôi qua nhưng tôi vẫn không thoát ra khỏi được cái khoảnh khắc ám ảnh đó. Tôi không dám tâm sự với ai, chỉ một mình gặm nhấm sự xấu hổ, tủi nhục. Nó khiến tôi ghê sợ và thực sự thấy bất lực… Và câu hỏi mà suốt bao năm qua tôi tự dằn lòng mình, ai sẽ trả lại sự trong sáng cho tuổi thơ tôi? Cũng như vụ em bé 9 tuổi ở Chương Mỹ vừa bị hãm hại trong vườn chuối. Tôi biết, em đã trải qua một cơn ác mộng còn đau đớn gấp tôi nhiều lần. Tôi biết cuộc đời em sẽ còn ám ảnh mãi cho đến những ngày sau. May mắn là em vẫn giữ được mạng sống để kể về những gì tên sở khanh kia đã làm với em. Hóa ra nó vẫn còn chút thiện lành là không nỡ giết em. Nhưng có những vụ việc tương tự đã xảy ra. Ngày 27/3/2017, cả Nhật Bản sửng sốt khi cảnh sát sở tại tìm thấy thi thể bé gái người Việt Nam Le Thi Nhat Linh, 9 tuổi, bị xâm hại sau đó bị giết trên đường đi học về tại thành phố Abiko, tỉnh Chiba. Và tiếc thay, không chỉ ngoài xã hội, chính trong môi trường giáo dục - nơi tưởng chừng như an toàn nhất với các em - vẫn len lỏi những tội phạm đội lốt người cũng không ngoại lệ. Hàng loạt vụ thầy giáo dâm ô học sinh thời gian qua đã khiến cả xã hội bàng hoàng, giật mình về môi trường giáo dục hiện nay. Nhưng một điều đáng buồn là, có bao nhiêu em bị xâm hại mà dũng cảm phản kháng, tố cáo, phanh phui hay tự vệ? Và tâm lý của những trẻ từng bị xâm hại tình dục thường muốn né tránh, xấu hổ, không dám kể chuyện với ai, không đủ can đảm để nói lên tên mình. Các em nép mình trong đau đớn, tủi nhục, ê chề và… im lặng! Tuy nhiên, những bài học này có được các cha mẹ rút ra? Có mấy ông bố bà mẹ từng dạy con mình kỹ năng tự bảo vệ bản thân khỏi những cạm bẫy, cám dỗ để tránh rơi vào hoàn cảnh bị xâm hại, lạm dụng tình dục? Đôi khi chúng ta còn quá thờ ơ với chính sự non nớt của con em mình. Đôi khi chính chúng ta đang phó mặc sự an toàn của những đứa con mà chúng ta cần bảo vệ cho ác quỷ. Bởi khả năng sinh tồn, khả năng tự vệ, tự chiến đấu với cái ác của các em gần như là bằng 0. Thời gian có thể làm lành vết thương nhưng nỗi nhục, sự ê chề thì chẳng bao giờ có thể gột rửa được. Và rồi các em nhận được gì sau những sang chấn tâm lý của tuổi ấu thơ ngoài bi kịch và sự thương tổn? Có thể kẻ gây ra tội ác sẽ phải đền tội, hắn sẽ phải trả giá cho việc hắn làm bằng những năm tháng ngồi tù gặm nhấm lỗi lầm, còn với những nạn nhân, hình phạt lương tâm, sự dằn vặt mà các em đeo trên người là suốt đời. Cũng như Lady Gaga - một thần đồng âm nhạc, cô cũng từng trải qua một bi kịch đầy ám ảnh: Nỗi đau bị xâm hại. Cú sốc ấy ám ảnh tâm trí của Gaga suốt cả tuổi thanh xuân bị cô giấu kín một mình, và nó khiến một phần còn lại trong cô cũng dần tắt lịm. Để rồi cô đơn độc, mải miết đấu tranh để bảo vệ cái gọi là sự áp bức, bất công với mong muốn tìm lại sự công bằng, bình đẳng thông qua “sự nổi loạn” trong bản ngã của chính mình. Quay trở lại sự việc của bé gái bị xâm hại ở vườn chuối, Công an huyện Chương Mỹ cho rằng, hành vi của đối tượng là “ít nghiêm trọng”, nên cho phép bị can được tại ngoại, chịu sự quản thúc của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, không thể coi hành vi xâm hại một bé gái 9 tuổi là “hành vi phạm tội ít nghiêm trọng”, vì nó không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn để lại hậu quả lâu dài đối với các em, gia đình và toàn xã hội. Pháp luật sinh ra là để nghiêm trị những điều sai trái, đảm bảo công bằng cho mọi công dân. Nhưng ở sự việc này, cán cân công lý có vẻ vẫn quá nhẹ với kẻ phạm tội. Ai dám đảm bảo sự ngoan ngoãn của một “con thú” sổng chuồng? Ai dám đảm bảo sẽ không có trường hợp nào như bé gái 9 tuổi kia bị lặp lại? Đừng bao biện cho việc đơn vị đã làm đúng theo trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật. Mà hãy nghĩ đến nếu đứa trẻ đó là con, là cháu chắt của các vị thì các vị có để yên cho tên tội phạm lộng hành? Hãy đứng ở góc độ người làm cha làm mẹ mà khoan thai phán xử! Khi mà cả xã hội vẫn khoanh tay đứng nhìn, khi mà pháp luật chưa đủ sức nghiêm trị, khi mà chính những ông bố bà mẹ, nhà trường không trang bị kỹ năng tự vệ cho con em mình thì những tên yêu râu xanh đội lốt người vẫn còn len lỏi ở đâu đó khắp mọi nơi. Và nếu cơ quan thực thi pháp luật mà cũng “nương nhẹ” với cái ác, cái xấu thì ai sẽ trả lại sự công bằng cho các em? * Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!