Muốn phòng, chống dịch bệnh thành công thì phải có nguồn lực dồi dào, nhất là các trang thiết bị y tế, năng lực tài chính...
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Không vì lý do dịch bệnh mà thoái chí, bàn lui; Đồng thời yêu cầu địa phương này nhanh chóng khắc phục những tác động của dịch nCoV gây ra.
Có thể nói, mệnh lệnh của Thủ tướng không chỉ đối với riêng tỉnh Thừa Thiên - Huế mà là ý kiến chỉ đạo chung cho các ngành, các cấp trong cả nước. Bởi vì, trong giai đoạn này, dịch nCoV đang gây nghi ngại, chần chừ, chưa quyết liệt ở một số địa phương trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trên thực tế, dịch nCoV đã gây ra những tác hại tiêu cực thấy rõ cho nền kinh tế nước ta như nhiều mặt hàng nông sản không xuất khẩu được, các ngành du lịch, dịch vụ bị đình trệ, một số ngành sản xuất công nghệ thực phẩm bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng...
Do đó, tâm lý chung của toàn xã hội, nhất là lãnh đạo một số ngành, địa phương còn khá thận trọng, dè dặt trong triển khai các chương trình, kế hoạch đã đề ra trước đó cũng như thiếu chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành các nhiệm vụ đột xuất.
Hiện nay, việc kiểm soát, khống chế, phòng ngừa dịch bệnh của nước ta đã đạt được những kết quả bước đầu khá khả quan. Các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó và mang lại kết quả tốt, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Đặc biệt, cơ quan chức năng đã xử lý các tình huống phát sinh do dịch bệnh kịp thời, hiệu quả như lập khu cách ly đảm bảo việc phòng ngừa lây lan dịch bệnh. Việc điều trị cho các bệnh nhân cũng đang diễn tiến tốt.
Ngoài ra, từ trung ương đến địa phương đã chủ động xây dựng những kịch bản, phương án khả thi khác nhau để đối phó nếu dịch nCoV có chiều hướng xấu đi...
Vì vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là ổn định tâm lý chung toàn xã hội, đặc biệt là tạo niềm tin trong nhân dân để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra, phấn đấu đạt kết quả cao nhất.
Tất nhiên, vẫn không được chủ quan, lơ là đối với nhiệm vụ phòng ngừa, đẩy lùi và khống chế hiệu quả dịch bệnh.
Mặt khác, muốn phòng, chống dịch bệnh thành công thì phải có nguồn lực dồi dào, nhất là các trang thiết bị y tế, tài chính... Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ổn đinh tình hình mọi mặt của đất nước là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng không chỉ đảm bảo các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội mà còn tạo ra nguồn lực y tế phục vụ nhiệm vụ chống dịch.
Càng sớm ổn định càng tạo được niềm tin trong nhân dân và dịch bệnh sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi. Vì vậy, không thể vì dịch bệnh mà thoái chí, bàn lui - như lời Thủ tướng đã chỉ đạo.
Th.S Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.