Nằm trong 7 nhóm giải pháp của đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân”, sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đã thí điểm kiểm tra khí thải xe máy từ tháng 5/2020.
Thời điểm đó, lãnh đạo sở GTVT TP đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường không khí trong cả nước nói chung và trên địa bàn TP.HCM nói riêng diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng.
Người tham gia chương trình được miễn phí đo khí thải xe máy và được tặng 1 chai dầu động cơ. Nếu xe của khách hàng có mức phát thải khí thải không đạt tiêu chuẩn TCVN6438-2018 mức 1, khách hàng sẽ được hỗ trợ một gói bảo dưỡng lên tới 200.000 đồng/xe; được tư vấn để bảo dưỡng đúng cách. Thậm chí, cần phải thay động cơ máy để đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến môi trường không khí.
Tuy nhiên, qua kiểm tra số liệu thực tế đến cuối tháng Sáu cho thấy, tổng số lượng xe ô tô, xe gắn máy tham gia kiểm tra khí thải là 1.294 xe, tức chỉ đạt 21,56% so với kế hoạch là 6.000 xe/2 quận thí điểm, thấp hơn so với dự kiến. Nếu không thể đạt được 10.000 xe trước ngày 30/9, chương trình sẽ rất khó trình bày với UBND vào cuối năm.
Quan trọng hơn, TP.HCM là địa phương đầu tiên thí điểm, trong lúc bộ GTVT đang nghiên cứu, tiếp thu ý kiến về kiểm soát khí thải xe máy trong dự thảo luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi). Nên có thể nói, sự thành bại sẽ có ý nghĩa rất lớn để nhân rộng mô hình ra cả nước.
TP.HCM đang thực hiện thí điểm kiểm tra khí thải xe máy nhưng chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Nói về lý do chưa đem xe đi kiểm tra khí thải, anh Trần Văn Thuận (nhân viên kinh doanh, ngụ quận 7, TP.HCM) nói: “Dù đã được đăng kiểm nhưng xe tải, xe ô tô lưu thông trên đường vẫn thải khói đen mịt mù. Thực tế này đặt ra câu hỏi, việc đăng kiểm có thực sự hiệu quả hay không. Vả lại, số lượng xe máy khá nhiều, không thể chỉ vì một số ít phương tiện thải khí đen mà yêu cầu tất cả phải đăng kiểm. Những phiền hà như tốn thời gian, mất chi phí, thủ tục hay thậm chí là nhũng nhiễu thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm?”.
Anh Nguyễn Trọng Phúc (kỹ sư cơ khí, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng cho hay: “Bảo vệ môi trường là điều rất cần thiết vì không ai muốn hít thở bầu không khí bị ô nhiễm. Tuy nhiên, việc kiểm tra khí thải xe máy có vấn đề cần xem xét kỹ. Vì xe ô tô có hệ thống lọc, trước khi thải ra môi trường, dòng khí thải từ động cơ chạy qua một hệ thống các tấm kim loại đặc biệt có tính hoạt hóa cao được kết cấu trong ống xả.
Khi đạt đến nhiệt độ cần thiết những tấm kim loại này sẽ hấp thụ các khí NOx, COx...và giảm thiểu thải ra môi trường. Khi hệ thống ống xả của xe máy cũng có kết cấu hệ thống lọc khí thì mới có cơ sở để kiểm tra khí thải, còn nếu không sẽ rất khó đánh giá. Ngoài ra, động cơ hai kỳ chạy xăng có pha nhớt, lượng khí thải sẽ khác động cơ bốn kỳ chạy xăng riêng với nhớt”.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật về vấn đề này, TS. Võ Trung Tín - Trưởng bộ môn luật Đất Đai – Môi Trường (khoa Luật Thương Mại, đại học Luật TP.HCM) cũng bày tỏ vài điều băn khoăn.
“Ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông là vấn đề mà các thành phố lớn trên thế giới phải đối mặt và giải quyết. Vì thế, TP.HCM và các địa phương lớn có sự chủ động trong việc đề xuất áp dụng thí điểm cho địa phương mình là cách làm cần khuyến khích.
Trong đó, “xe máy đang lưu hành trên địa bàn” được hiểu như thế nào là phù hợp? Là xe đăng ký biển số của TP.HCM, hay bất kể xe nào lưu hành trên các tuyến đường của thành phố? Công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ là điều rất quan trọng”, ông Tín phân tích.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền để vận động người dân quan tâm hơn về quản lý khí thải xe máy.
Vị chuyên gia pháp lý cũng chỉ ra, việc kiểm soát khí thải chỉ đang áp dụng đối với các xe sản xuất và nhập khẩu mới. Vì thế, yêu cầu đăng kiểm có thể tập trung các loại xe cũ, sử dụng trên 5 hoặc 10 năm. Theo tính toán, thời gian kiểm tra mỗi xe máy chỉ 2-3 phút, chu kỳ kiểm tra xe máy được một số nước đang áp dụng là một năm nên có thể chấp nhận được.
Tiếp nữa, ông Tín cho rằng, nếu chủ trương được triển khai toàn quốc, cần phải quản lý chặt chẽ đối với trung tâm đăng kiểm xe máy mở ra hàng loạt để đáp ứng nhu cầu.
Những trung tâm này phải đáp ứng các điều kiện chung như được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý…
Ngoài ra, đơn vị kiểm định còn phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, dây chuyền công nghệ, nhân lực, số lượng xe… Pháp luật cần quy định cụ thể các điều kiện này để đảm bảo các trung tâm hoạt động có hiệu quả, chất lượng kiểm định là đáng tin tưởng.
“Trong đó, điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên đóng vai trò rất quan trọng. Để có được kết quả kiểm định có giá trị, đòi hỏi phải có những đăng kiểm viên có trình độ chuyên môn đạt yêu cầu”, ông Tín nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Văn Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM - nhận xét: “Do xe gắn máy liên quan nhiều đến đối tượng có thu nhập thấp chủ yếu phục vụ công việc mưu sinh nên sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống người dân”.
Đại diện tổ chức này cũng đề nghị, cần có quy định đối với nhà sản xuất xe máy, buộc các đơn vị thực hiện sản xuất xe đạt chuẩn chất lượng phát thải khí, nhằm có nguồn cung xe đạt chất lượng trong quá trình thay thế xe cũ.
“Việc ban hành quy định về tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện tham gia giao thông nên có sự tham gia của các nhà sản xuất xe máy trong một số năm đầu. Tức là hỗ trợ bảo dưỡng định kỳ theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, lộ trình này cũng phải đảm bảo hiệu lực quản lý, bình đẳng”, bà Hoa nhấn mạnh.
Bất cập quản lý nguồn gây ô nhiễm
Theo số liệu từ cục Đăng kiểm Việt Nam, toàn quốc hiện có hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành (Hà Nội 5,7 triệu xe; TP.HCM 8,1 triệu xe), chiếm 95% số lượng xe cơ giới và thải ra 80 - 90% khí CO, HC, 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải xe cơ giới.
Tuy nhiên, việc kiểm soát khí thải chỉ áp dụng đối với các xe sản xuất và nhập khẩu mới, trong khi nhiều người dân không quan tâm đến việc bảo dưỡng xe đang hoạt động, khiến phương tiện nhanh xuống cấp, ảnh hưởng chất lượng không khí.
H.N