img

Kiếm tiền bằng mọi giá trên mạng xã hội: Trò câu view “bẩn” đến những biến tướng gây nhức nhối

HÀ LINH

Hào nhoáng tức thời và mục đích làm giàu chớp nhoáng đã khiến nhiều người sử dụng YouTube “mờ mắt” mà bất chấp câu view “bẩn” bằng mọi giá. Họ dùng bất kể thủ đoạn nào, kể cả việc giẫm đạp lên truyền thống văn hóa, thậm chí lợi dụng cả nỗi đau khổ, mất mát của người khác,… hòng “nuôi sống” mộng ảo và những toan tính cá nhân.

Những kẻ "cố đấm ăn xôi"

Lâu nay, Youtube được xem là công cụ hữu hiệu truyền bá rộng rãi thông tin, kiến thức đến công chúng. Đây cũng là “mảnh đất” màu mỡ cho nhiều Youtuber (người dung YouTube) “tiến thân” và “ăn nên làm ra” với nguồn lợi nhuận khá lớn.

Dù không tiết lộ con số cụ thể, song anh Việt Anh – thành viên của Vlog 1977 “làm mưa làm gió” thời gian qua thừa nhận, thành công của Vlog 1977 đã mang về cho nhóm một khoản thu nhập đủ để theo đuổi đam mê. “Tất nhiên, số tiền ấy chưa nhiều để được gọi là “đại gia”, nhưng cũng đủ giúp chúng tôi có cuộc sống thoải mái hơn trước rất nhiều”.

Điều này cũng lý giải về nguồn cơn đổ bộ rất nhiều “hiện tượng mạng” cùng loạt kênh Youtube với đủ nội dung “thượng vàng hạ cám” chỉ trong thời gian rất ngắn.

Nhưng, thật đáng buồn khi không phải ai cũng có ý thức xây dựng và phát huy những giá trị văn hóa. Phần đa các kênh YouTube “nổi đình đám” thời gian qua đang chạy theo xu hướng giật tít gây sốc kèm nội dụng, hình ảnh nhảm nhí, phản cảm, thậm chí còn xuyên tạc làm sai lệch các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục.

Hào nhoáng tức thời và mục đích làm giàu chớp nhoáng đã khiến nhiều người sử dụng mạng xã hội “mờ mắt” mà bất chấp câu view “bẩn” bằng mọi giá.

img

Cảnh ăn cá sống rùng rợn khiến dư luận bức xúc.

Gần đây nhất, kênh Youtube Sa Pa TV khiến cộng đồng người Thái phẫn nộ khi đăng tải video mô tả cảnh ăn cá sống rùng rợn “gắn mác” là của đồng bào người Thái. Hành vi xuyên tạc và có tính man rợ này đã xúc phạm tới văn hóa - ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc gây bức xúc dư luận.

Hay, “hiện tượng mạng” Hưng Vlog liên tục bị “ném đá” bởi hàng loại những clip xàm xí, vô bổ nhưng chứa nội dung phản cảm, độc hại với cộng đồng như: Nhốt em gái vào chuồng chó; chiết ga mini để làm tên lửa nước; hay thắp nhang cúng em ruột…

Đây chỉ là một trong số những “hiện tượng mạng” gây bức xúc bị “réo tên” gần đây. Thực tế, chỉ cần một vài cú lick chuột trên YouTube Việt, bạn sẽ được “mục sở thị” vô vàn những video có nội dung nhảm nhí tương tự. Thử thách 24 giờ làm động vật, ngủ trong quan tài, làm mù mắt bằng đèn bàn học, dùng băng vệ sinh làm ví tiền, …là những biến tướng đáng lo ngại về nội dung trong nhiều kênh Youtube hiện nay.

Những hành động này không còn là “vô thưởng vô phạt”, mà cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng về lối sống và đạo đức của một số người sử dụng Youtube. Xu hướng kiếm tiền với nội dung ''bẩn'' dựa vào nền tảng công nghệ này đang đầu độc hàng triệu người dùng trên mạng xã hội.

“Đương nhiên, Youtube là nơi ai cũng có thể “vùng vẫy”, nhưng khi có rất nhiều người theo dõi, bỗng nhiên họ trở thành người có quyền lực. Thế nên, hãy tìm cách để giúp người xem sống tốt hơn với những thứ mà bạn muốn truyền tải. Đừng bao giờ phó mặc, ném lên đó những thứ sai lệch, trái thuần phong mỹ tục…để rồi phải trả giá”.

Youtuber Việt Anh

img

Youtuber Việt Anh - thành viên 1977 Vlog.

Nhìn nhận về thực trạng này, anh Việt Anh – thành viên của Vlog 1977 thẳng thắn bày tỏ: “Thật ra, tôi chưa bao giờ xem những video dạng này. Tôi không đồng ý và cũng không hứng thú với cách làm Vlog như vậy. Nhưng, với nhiều người, họ coi Youtube là “mảnh đất” để kiếm tiền, song không hề để ý đến những hệ lụy khôn lường mà họ đang tạo ra có thể gây nguy hại đến xã hội.

Với cá nhân tôi, khi làm kênh 1977 Vlog, trở về nhà gặp bố mẹ, họ hàng, tôi luôn cảm thấy tự hào, không hề thấy xấu hổ hay phải trốn tránh cặp mắt của mọi người. Có thể, những việc làm xấu, tồi tệ phút chốc giúp bản thân kiếm được rất nhiều tiền, nhưng lỡ bị ai đó phát hiện ra...bạn sẽ không thấy hạnh phúc đâu. Có nhiều tiền thì sướng thật, nhưng sẽ còn rất nhiều giá trị tốt đẹp khác vượt lên trên cả đồng tiền. Sao không kiếm tiền ít đi, để được thoải mái đầu óc".

Bức tranh đối nghịch

Nhưng, giữa “rừng” kênh YouTube với đủ thứ hỗn tạp và nhiều mảng tối, đâu đó vẫn có những Vlog chạm tới trái tim khán giả. “Cơn sốt” 1977 Vlog của hai anh em sinh đôi Trung Anh - Việt Anh và người em họ Văn Tân đạt nút vàng Youtube khi truyền tải các tác phẩm văn học kinh điển bằng những lời thoại “nghe vô lý nhưng lại rất thuyết phục”. Hay, Bà Tân Vlog, Ẩm thực mẹ làm,…là những kênh ẩm thực thôn quê, dân dã đi vào lòng người. Những Vlog kể trên là số ít những “điều tử tế” đã “níu giữ” được khán giả.

img

1977 Vlog là một trong số ít những kênh YouTube được lòng công chúng.

Nhìn trực diện vào thực tế, những video có nội dung độc hại, phản cảm vẫn đang “chiếm sóng” với lượng rất lớn người xem và bình luận “khủng”, thậm chí còn chễm chệ "Top video thịnh hành". Trong khi đó, những kênh YouTube có nội dung bổ ích, lành mạnh lại nhận khá ít lượt quan tâm.

“Đôi lúc, tôi thấy rất buồn và suy nghĩ nhiều lắm, vì nhiều kênh YouTube truyền tải những điều tốt đẹp, tử tế chưa thực sự được nhiều người quan tâm như những kênh “chụp giật”, câu view bằng mọi giá kia. Tôi cảm thấy lo lắng cho thế hệ trẻ vì họ mải mê xem những cái không có ích ngoài kia, lỡ bị đầu độc bởi những nội dung không tốt sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

Thiết nghĩ, chúng ta nên giáo dục cho các bạn trẻ hiểu thêm về văn hóa, con người Việt Nam, về tình yêu quê hương đất nước, thay vì mải chạy theo những video nhảm nhí, vô bổ”, đó là tâm tư của anh Đồng Văn Hùng – chủ nhân kênh Ẩm thực mẹ làm từng được YouTube vinh danh.

img

Anh Đồng Văn Hùng thành lập kênh YouTube "Ẩm thực mẹ làm" vì "Mẹ là cả tuổi thơ"

Lỗ hổng quản lý và chế tài xử phạt

Thời gian qua, những hành vi “bẩn” này đã bị cộng đồng lên án, chỉ trích gay gắt, thậm chí không ít “hiện tượng mạng” như Khá Bảnh, Phúc X.O,…đã phải đối diện với song sắt nhà tù, trả giá cho hành vi kiếm tiền bất chấp của mình trên thế giới ảo và hành vi vi phạm pháp luật trong đời thực.

Nhưng, không vì thế mà vấn nạn này thuyên giảm, ngược lại nó ngày càng “sống khỏe”. Thậm chí, không ít Youtuber sau thời gian ngắn tuyên bố “ngừng hoạt động” vì bị chỉ trích, bất ngờ trở lại “lợi hại hơn xưa” với đủ chiêu trò “thâm sâu” gây nhức nhối.

Theo đánh giá của luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối, có một số nguyên nhân khiến những “hiện tượng mạng” này dám bất chấp nhởn nhơ, lộng hành như vậy.

“Thực tế, bộ lọc thông tin của Youtube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn “kẽ hở” để người sử dụng đăng tải thông tin tiêu cực “núp bóng” nội dung lành mạnh. Cùng với đó, cơ chế kiểm duyệt, thẩm định nội dung, gỡ bỏ các video có nội dung vi phạm vẫn chưa chặt chẽ.

Thêm nữa, YouTube cũng không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Đây được xem là một thiếu sót của Youtube trong việc quản lý hệ thống dữ liệu, nội dung được đăng tải.

img

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng.

Hiện tại, Luật An ninh mạng 2018 đã quy định rõ các hành vi nghiêm cấm khi sử dụng mạng xã hội. Cũng theo Điều 101 Nghị định số 15/2020NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính dao động từ 10 triệu đến 30 triệu đồng. Còn tại Điều 226 Bộ luật Hình sự, tội “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật” (nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này, thì hành vi xâm phạm đó gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tù.

Tuy nhiên, từ hệ thống văn bản pháp luật áp dụng vào thực tế vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Vẫn chưa cụ thể hóa, bao quát hết các đối tượng và hoạt động cần quản lý, hành vi sai phạm, chế tài xử lý chưa bảo đảm tính răn đe”.

H.L

img