Kiếm tiền từ rác, đổi đời nhờ rác

Chẳng ai thích rác, người ta tránh rác vì nó bẩn, ô nhiễm bầu không khí trong lành và gây hại cho sức khoẻ. Rác vì thế mà bị ghẻ lạnh. Âu cũng là điều dễ hiểu…

img

Tài sản của người dân nằm trong biển nước. Ảnh: Tân Hoa xã.

Những ngày qua câu chuyện về rác làm nóng truyền thông khi bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) bị chặn. Đây không phải lần đầu người dân làm việc này và cũng không phải lần đầu cơ quan chức năng gặp khó với rác. Phản ứng của người dân là điều dễ hiểu. Hãy nhớ chúng ta khó chịu ra sao khi quên đổ rác một ngày. Cái nỗi bức bối, khó chịu ấy sẽ giúp chúng ta cảm thông với người dân Nam Sơn. Mùi hôi thôi đặc quánh của hàng vạn thứ bị bỏ đi kia khiến họ không thể thoải mái. Nỗi bức bối ấy nhưng một ngọn lửa cứ ấm ỉ và rồi bùng lên dữ dội.

Ai cũng hiểu được nỗi khổ của người dân Nam Sơn. Ai cũng thấu cảm được điều họ đang phải trải qua. Nhưng, bao năm qua, cái sự hiểu và thấu cảm ấy chưa được biến thành hành động mang lại giá trị. Hạn chế xả rác ư?, lạ lẫm với rất nhiều người. Thế nên, người ta cứ thản nhiên xả rác. Trong khi đó, cơ quan chức năng dường như lực bất tòng tâm, bao năm qua vẫn loay hoay tìm giải pháp. Khi ý thức của người dân chưa cao, khi cơ quan chức năng chưa có các giải pháp thông tỏ, người dân Nam Sơn vẫn phải sống chung với rác, hít bầu không khí đặc quánh khó chịu.

Câu hỏi đặt ra trong cuộc “khủng hoảng rác” lần này là, bao giờ rác thải không còn là gánh nặng? Chúng ta sẽ lại phải chờ…

Tại nhiều nước đang phát triển, rác thải là vấn nạn nhức nhối. Ngày 19/7, hãng Bernama đưa tin, không hiểu bằng cách nào mà 110 container “kẽm đặc” là bụi lò thép độc hại lại có thể nhập cảng trái phép vào Malaysia, giữa dịch Covid-19. Trước “lô hàng” độc hại, Malaysia quyết làm đến cùng để quốc gia này không trở thành bãi rác. Malaysia sẽ sắp xếp việc trả các container rác thải và kết hợp với Interpol để điều tra thêm về vụ việc.

Sự phát triển bùng nổ của loài người đã mang đến nhiều điều nhưng cũng tước đoạt đi nhiều thứ của mẹ thiên nhiên. Khi cho – nhận không được cân đối, loài người sẽ phải đón nhận sự nổi giận của mẹ thiên nhiên. Thiên tai ngày càng khắc nghiệt có thể là lời cảnh báo, cũng có thể hiểu là sự trừng phạt và dù cách hiểu theo cách này thì thông điệp vẫn sẽ là, hãy thức tỉnh và hãy thay đổi.

Những hình ảnh được Tân Hoa xã đăng tải ngày 19/7 đã cho thấy sự tàn phá khủng khiếp khi nước lũ trên sông Trường Giang dâng cao. Khoảng 543.000 dân tại đây đã được sơ tán, nhà cửa và tài sản chìm trong biến nước. Người dân nhìn tài sản tích góp bao năm trôi theo dòng nước bằng ánh mắt bất lực. Khi mẹ thiên nhiên nổi giận, loài người trở nên vô cùng nhỏ bé.

Những hình ảnh ấy, những mất mát ấy đã khiến ta thức tỉnh? Có lẽ, chúng ta phải tỉnh giấc, đã đến lúc bước ra khỏi cơn mộng mị để hành động ngay, hành động gấp. Chỉ khi hành động loài người mới cứu được chính mình khỏi sự suy tàn.

Biến rác thành tiền, thành công việc, thành nguồn sống,… ta đã nghĩ đến chưa? Rác trở nên hữu dụng là cách để ta không đau đầu vì nó.

Bộ não của loài người có sức mạnh kỳ diệu. Bộ não chỉ chiếm 3% khối lượng cơ thể, nhưng nó sử dụng đến 20% năng lượng nạp vào để có thể hoạt động tốt. Não của người trưởng thành chỉ nặng khoảng 1,361kg, trong khi não của loài cá nhà táng nặng những 7,8kg. Mặc dù có bộ não nhỏ bé như vậy nhưng loài người là loài vật thông minh nhất trên thế giới. Đó chính là lý do, ta có thể làm bất cứ điều gì nếu bản thân thực sự muốn.

Biến rác thành tiền? Hoàn toàn có thể. Một chàng trai ở Quảng Nam đã làm được điều đó. Tốt nghiệp ngành dược, rồi học tiếp cơ khí, nhưng anh Hồ Công Thắng (32 tuổi) lại chọn khởi nghiệp bằng rác thải. Ban đầu là những chiếc bóng đèn, chiếc phao nhựa, chai lọ trôi dạt vào bờ biển được anh hô biến thành các vật trang trí, các chậu trồng cây. Sau đó là những mẩu gỗ vụn, lốp xe,… bất kỳ vật gì bị người dân trong xóm bỏ đi đều được anh tái sinh một cuộc đời mới. Các sản phẩm của anh đã có được chỗ đứng khi tung ra thị trường.

Ta thường quen với việc ngắm nhìn bề ngoài và rồi đánh giá. Ta luôn dẫn dắt sự việc theo cảm quan của mình bất chấp thực tế xung quanh. Đây vốn dĩ là điểm yếu của nhiều người. Chính điểm yếu này khiến ta làm khổ mình, làm khổ những người xung quanh và rồi tự đánh mất cơ hội của bản thân. Nếu chúng ta thay đổi cái nhìn về rác thải. Nếu chúng ta nhìn nhận, rác không hẳn là đổ bỏ mà là cơ hội, ta sẽ có được giá trị từ nguồn cung dồi dào này. Khi biến rác thành cơ hội, ta sẽ thay đổi cuộc đời mình và vĩ mô hơn là xã hội, rồi đến nhân loại. Anh Thắng đã biến rác thải thành nguồn sống, tại sao ta không làm được?

Lê Anh

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img