Jeffrey MacDonald.
Jeffrey MacDonald là người có tất cả. Ông không chỉ là bác sĩ phẫu thuật trong quân đội Mỹ với sự nghiệp thăng hoa mà còn có gia đình hạnh phúc với hai cô con gái xinh đẹp và một cậu con trai chuẩn bị chào đời. Tuy nhiên, “giấc mơ Mỹ” của ông bỗng trở thành ác mộng vào năm 1970 khi những người thân yêu bị đâm chết dã man ngay tại nhà.
Là người sống sót duy nhất, MacDonald nói rằng một cô gái hippie tóc vàng bí ẩn cùng với ba người đàn ông đã tàn sát gia đình ông. Tuy nhiên, những lời khai này đã không được chấp nhận. Các điều tra viên cho rằng, MacDonald đã dàn dựng hiện trường, lấy cảm hứng từ các vụ giết người của Gia đình Manson để đổ lỗi cho dân hippie về tội ác. MacDonald hiện đang thụ án chung thân trong tù nhưng điều đặc biệt ông ta chưa bao giờ nhận tội.
Jeffrey Robert MacDonald sinh ngày 12/10/1943, tại thành phố New York, Mỹ. Ông cùng vợ mình là Colette Stevens yêu nhau từ thuở thiếu niên. Hai năm sau khi MacDonald học đại học tại Princeton, Stevens mang thai. Vào mùa thu năm 1963, họ quyết định kết hôn và vào tháng 4 năm sau, con gái Kimberly chào đời.
Gia đình chuyển đến Chicago sau khi MacDonald được nhận vào Trường Y Đại học Northwestern. Đứa con thứ hai của họ Kristen chào đời vào tháng 5/1967. Sau khi tốt nghiệp năm 1968, MacDonald nhận ra quân đội Mỹ có thể giúp ông thăng tiến sự nghiệp. Ông chuyển đến Fort Bragg, Bắc Carolina và trở thành bác sĩ phẫu thuật cho nhóm đặc nhiệm mũ nồi xanh.
3 giờ sáng ngày 17/2/1970, tổng đài an ninh tại Fort Bragg nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ nhà MacDonalds. Bốn sĩ quan cảnh sát quân sự đến lúc 4 giờ sáng và họ chứng kiến hiện trường vụ án kinh hoàng. MacDonald bị thương đang nằm bên cạnh người vợ vô hồn. Người vợ 26 tuổi, đã bị đâm gần 40 lần bằng dao, dòng chữ “con lợn" được vẽ nguệch ngoạc trên đầu giường bằng máu của nạn nhân. Kristen, 2 tuổi, có nhiều vết dao và những vết thương trên cơ thể, trong khi Kimberly, 5 tuổi, cũng chịu chung số phận.
MacDonald chỉ chịu một vết đâm, được mô tả là một vết rạch “sạch, nhỏ, sắc nét” khiến phổi trái của ông bị xẹp một phần. Theo lời khai của MacDonald, đêm đó ông ra ghế ngủ vì con gái nghịch ngợm làm ướt giường. Ông thức dậy sau tiếng la hét và thấy ba kẻ đột nhập là 2 nam giới và 1 phụ nữ tóc vàng đang ra tay hung bạo với từng người. Để cứu gia đình mình, ông đã kháng cự nhưng cuối cùng bị đâm và bất tỉnh.
MacDonald cho biết, người phụ nữ tóc vàng bí ẩn giám sát 2 người đàn ông ra tay. Hai người này đội mũ mềm và đi ủng cao gót, vừa cầm một ngọn nến vừa lẩm bẩm: “Hãy giết những con lợn”. Một sĩ quan quân sự sau đó nhớ lại việc đã nhìn thấy một người phụ nữ phù hợp với mô tả này khi đang trên đường đến hiện trường, nhưng Bộ phận Điều tra Hình sự của Quân đội (CID) đã bỏ qua.
Ngôi nhà xảy ra vụ án.
Bất chấp lời khai, cuộc điều tra kéo dài 5 tháng của CID bất ngờ kết luận rằng vết thương của MacDonald là do tự gây ra và câu chuyện của ông hoàn toàn bịa đặt. Phòng khách có quá ít những dấu hiệu cho thấy có sự kháng cự, trong khi vũ khí giết người được tìm thấy bên ngoài cửa sau. Găng tay phẫu thuật được sử dụng để vẽ dòng chữ “con lợn” trên đầu giường giống hệt loại mà MacDonald để trong nhà bếp của mình. Trong khi đó, cô gái tóc vàng theo mô tả đã không được tìm thấy.
Mặc dù quân đội Mỹ chính thức buộc tội MacDonald về vụ giết người, đại tá Warren Rock – người chủ trì điều tra - đã khuyến nghị bỏ cáo buộc vì không có có đủ bằng chứng. Họ hàng nhà vợ của MacDonald cũng tin ông vô tội. MacDonald giải ngũ và chuyển đến Long Beach, California để tiếp tục công việc tại Trung tâm Y tế St. Mary. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi sau một bước ngoặt. Cha mẹ vợ của MacDonald quay trở lại nghi ngờ vào tháng 11/1970 sau khi MacDonald tuyên bố ông đã tìm thấy và giết một trong những kẻ đột nhập năm xưa.
Các nhà điều tra CID đã trở lại hiện trường vụ án vào năm 1971 để đối chiếu những tuyên bố của MacDonald với các bằng chứng và nhận thấy câu chuyện của ông là không đáng tin cậy. Họ hàng nhà vợ của MacDonald quyết định nộp đơn khiếu nại hình sự vào tháng 4/1974. Jeffrey MacDonald bị buộc tội vào tháng 5/1975 nhưng không nhận tội và kháng cáo suốt nhiều năm.
Phiên tòa ngày 16/7/1979 cáo buộc MacDonald đã dàn dựng hiện trường vụ án để đổ tội cho dân hippies. Cảnh sát đã tìm thấy một số tờ báo nói về vụ giết hại minh tinh nổi tiếng Sharon Tate của “Gia đình Manson” trong nhà MacDonald, điều này gợi ý rằng ông đã bắt chước cách giết người nói trên.
Bên cạnh đó, một kỹ thuật viên FBI đã thực nghiệm lại cách mà MacDonald nói đã tự vệ trước kẻ xâm nhập để chứng minh lời khai của ông mâu thuẫn với bằng chứng. Đáng chú ý nhất là những lỗ thủng trên chiếc áo mà MacDonald được cho là quá giả tạo. Ngoài ra, hồ sơ y tế của MacDonald cho thấy ông không có vết thương trên cánh tay hoặc bàn tay phù hợp với những gì kể lại.
Tiếp theo, bên biện hộ quyết định gọi người phụ nữ tóc vàng bị tình nghi là Helena Stoeckley làm nhân chứng. Nhưng người phụ nữ này khẳng định bản thân chưa bao giờ đến nhà của MacDonald, bất chấp việc các nhân chứng khác cho rằng Stoeckly từng thú nhận có mặt trong vụ giết người.
MacDonald kiên quyết phủ nhận tất cả các cáo buộc nhưng bất lực. Mặc dù không có động cơ và không có tiền sử bạo lực, MacDonald bị buộc tội giết vợ và hai con gái. Ông bị tuyên ba án chung thân vào ngày 26/8/1979. Dù trải qua nhiều thập kỷ sau song sắt, vụ án vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ.
MacDonald chưa bao giờ nhận tội.
Vào năm 2012, nhà làm phim Errol Morris – người bị thu hút bởi vụ án của Jeffrey MacDonald - đã cho ra mắt cuốn sách A Wilderness of Error. Kể từ khi được chuyển thể thành loạt phim tài liệu cùng tên, dự án đã trở thành tâm điểm tranh cãi. Nhiều người cho rằng, mặc dù cuốn sách làm lay động cảm xúc của người đọc về một người đàn ông dường như đang chịu án oan sai, nhưng nhiều bằng chứng kết tội MacDonald đã bị bỏ qua. Tuy nhiên, cuốn sách có nhắc lại một chi tiết đáng chú ý trong phiên tòa năm 2017.
Theo đó, có ba sợi tóc được phát hiện tại hiện trường vụ án không trùng khớp với bất kỳ ADN nào của gia đình và một bản khai cho thấy điều tra viên trong vụ án đã bị cáo buộc đe dọa cô gái tóc vàng không được nói sự thật trước tòa.
Mặc dù không có sợi tóc nào được tìm thấy tại hiện trường khớp với DNA của cô gái tóc vàng hoặc của bất kỳ nghi phạm nào biết đến trước đó, MacDonald khẳng định rằng nó chứng minh một điều vô cùng quan trọng có thể giải oan cho ông: Chắc chắn có một người khác đã ở đó vào đêm vụ án xảy ra. Tuy nhiên, nó vẫn đang treo lơ lửng như một câu hỏi nghi vấn đằng sau một vụ án.
Hippy hay Hippie là một thuật ngữ dùng để chỉ một văn hóa lối sống của thanh niên ở Mỹ trong những năm 1960. Họ bất mãn với những định ước xã hội đương thời, phản đối chiến tranh, đề cao tự do, tình yêu, hòa bình, sự khoan dung và bác ái. Chủ trương từ bỏ xã hội công nghiệp quay về với thiên nhiên.
M.K