img

Kỳ tích chạy đua với “tử thần” giành giật sự sống cho bệnh nhi nghi bị vật nhọn đâm thủng tim

NGUYỄN LÀNH

Các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, nhờ ê kíp bác sĩ phẫu thuật chuyên nghiệp, bệnh nhi được chuyển đến bệnh viện kịp thời và đặc biệt sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai bệnh viện, giữa các bác sĩ trong ê kíp mổ... Tất cả tạo nên sự hồi sinh kỳ diệu cho bệnh nhi bị vật nhọn đâm thủng tim..

Giành giật mạng sống từ tay “thần chết”"

Nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở do bị vật nhọn đâm vào tim, bệnh nhi Mai Thiên A. (9 tuổi ngụ quận 7, TP.HCM) may mắn được đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện quận 7, bệnh viện Nhi đồng 2 kịp thời cứu sống.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Minh Hồng, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2 thông tin, bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhi bị vật nhọn đâm thủng tim. Theo đó, khoảng 10h sáng 2/7, sau khi ttiếp nhận thông tin từ bệnh viện quận 7 báo có bệnh nhi ngưng tim, ngưng thở, ngay lập tức bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM kích hoạt báo động đỏ, huy động các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu về tim mạch, gây mê, hồi sức cấp cứu...có mặt kịp thời chuẩn bị phẫu thuật khẩn cấp bệnh nhi.

“Ngay khi nhận tin báo, toàn bộ ê kíp y, bác sĩ, phẫu thuật viên, điều dưỡng, gây mê chuẩn bị sẵn cửa phòng mổ, khi bé đến bệnh viện được phẫu thuật khẩn cấp, bệnh viện đã bỏ qua mọi thủ tục hành chính tập trung cứu bé trước. May mắn, với ê kíp thực hiện chuyên nghiệp, bệnh nhi đã được phẫu thuật thành công”, bác sĩ Minh Hồng chia sẻ.

Từ những thông tin ít ỏi, mù mờ về bệnh nhi, như chỉ biết bệnh nhi ngưng tim, ngưng thở, bị vật nhọt đâm trúng tim, các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 2 bằng chuyên môn nghiệp vụ, nhận định chắc chắn bệnh nhi bị tổn thương nặng về tim, nên chủ động chuẩn bị sẵn phòng mổ tim, chuẩn bị sẵn lượng máu cần thiết cung cấp cho ca mổ.

Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết thêm: “Bệnh viện bỏ qua mọi thủ tục hành chính cần thiết như: Ghi nhận thông tin về bệnh nhân, địa chỉ, người thân hay nguyên nhân bị thương... Các bác sĩ chuẩn bị phòng mổ sẵn, nên khi bệnh nhi đến được chuyển thẳng vào phòng mổ chứ không cần qua phòng cấp cứu như trước đây”. Cũng theo bác sĩ Thu, các bác sĩ tiến hành mở ngực bệnh nhi, phát hiện bệnh nhi có vết rách gần động mạch vành ngoài màng tim phía trước thất phải, thành thất phải có vết rách dài 2cm. Các bác sĩ đã tiến hành mổ cho bệnh nhi thành công sau 2 giờ đồng hồ. Trong quá trình đó, các phẫu thuật viên chính phải tìm vết thương, xử lý tổn thương cho bệnh nhi.

“Một điều may mắn cho bệnh nhi, trước khi được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh viện quận 7 cũng xác định tình trạng tổn thương của bệnh nhi là nặng, tiên lượng xấu, nên kích hoạt báo động đỏ để bệnh viện Nhi đồng 2 biết. Bệnh viện quận 7 đã đặt nội khí quản cho bệnh nhi, xác định bệnh nhi vẫn còn hy vọng sống và chạy đua với thời gian, với tử thần để cứu bé bằng được”.

Ca mổ “ngàn cân treo sợi tóc”

Hiện tình trạng bệnh nhi sau mổ đã tạm ổn, huyết áp ổn định, sinh hiệu ổn, đang tập thở và phải dùng đến 4 đơn vị máu. Đến sáng nay, bệnh nhi đã qua nguy kịch. Bệnh nhi tỉnh, tiếp xúc được, cai máy thở, và không còn dùng đến thuốc vận mạch. Dự kiến có thể ngày mai bệnh nhi sẽ được tập uống sữa.

Theo bác sĩ Minh Thu, khó khăn trong ca cấp cứu bệnh nhi này chính là các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhi bất ngờ, không có thông tin nhiều liên quan bệnh, không biết trước tổn thương tim cụ thể là gì, không biết mức độ tổn thương như thế nào để xác định phẫu thuật... Trước khi chuyển đến, bệnh viện chuẩn bị sẵn lượng máu lớn thuộc nhóm O, nhưng bệnh nhi nhóm máu B nên các bác sĩ tiến hành xét nghiệm, siêu âm để thực hiện ca mổ.

Ê kíp phẫu thuật bao gồm bác sĩ, phẫu thuật viên chính Hồ Văn Anh Dũng, Tôn Thị Thanh Tú, Huỳnh Thị Ánh Tuyết... là những bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao, đã cùng nhau thực hiện, phối hợp nhịp nhàng trong quá trình khâu vết thương cho bệnh nhi...

Bác sĩ Dũng nói: “Thời gian rất gấp rút, chúng tôi buộc phải mổ khẩn để cứu bé, mở lồng ngực thám sát máu vẫn chảy ào ạt, tràn vào màng tim, phổi,… Sau khi xử lý chảy máu, thám sát phát hiện vết rách màng tim phía trước thất phải khoảng 2cm, vị trí sát động mạch vành bên trái. Khó khăn lớn nhất của ê-kíp phẫu thuật là vết thương quá gần động mạch vành, nếu sơ suất sẽ khiến động mạch bị rách gây chảy máu ào ạt, và nguy cơ vết thương hoại tử rất cao, đòi hỏi bác sĩ phải thật tập trung, khéo léo trong xử lý nhiễm trùng và khâu vá vết rách cho bé A.. Bên cạnh đó, bé phải được truyền máu liên tục bù vào lượng máu đã mất”.

Hơn 2 giờ đồng hồ phẫu thuật, ca mổ thành công, ê-kíp bác sĩ thở phào nhẹ nhõm trong “cuộc chiến với tử thần” bé A. thoát chết trong gang tấc. Hiện tại, bé đã tỉnh, tiếp xúc tốt và đang được tập cai máy thở, sức khỏe bé đang tiến triển tốt. Do bé ngưng tim lâu nên các bác sĩ đang theo dõi chức năng tim, tầm soát tổn thương não, di chứng thần kinh cho bé. Thời gian tới, bác sĩ tâm lý cũng sẽ được huy động để nâng đỡ tinh thần cho bé A. tránh cho bé khỏi bị sốc sau tai nạn.

Theo bác sĩ Minh Hồng, ê-kíp bác sĩ của bệnh viện Nhi Đồng 2 cứu được bé A. cũng nhờ các bác sĩ bệnh viện Quận 7 đã thực hiện tốt hồi sức cho bé ngay từ ban đầu. Thành công do sự phối hợp kịp thời, nhịp nhàng, chuyên nghiệp, hiệu quả liên viện. Bởi bé được đưa đến bệnh viện Quận 7 trong tình trạng bị vật sắt nhọn đâm vào thành ngực nhưng người nhà đã rút vật nhọn này ra nên khiến máu chảy ào ạt khiến bé rơi vào nguy kịch.

Theo nguồn tin của PV, đến sáng nay, Công an phường Bình Thuận, quận 7 đã vào cuộc ghi nhận thông tin ban đầu về vụ việc. Theo đó, bé Mai Thiên A., 9 tuổi nghi bị mẹ lấy kéo đâm trúng tim. Vết đâm chí mạng khiến bé mất nhiều máu, người nhà chuyển vào bệnh viện quận 7 cấp cứu, sau đó chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 2...

Chia sẻ với PV, bà ngoại của của bé A. kể: “Cho đến giờ phút này tôi chưa biết nguyên nhân vì sao cháu tôi bị thương nặng như thế. Sáng 2/7, trong lúc đang đi nhổ lông vịt thuê kiếm sống, đứa cháu nhỏ qua kiếm tui nói: “Ngoại ơi về chứ anh con sắp chết”. Tui về thì thấy A. bị đâm trọng thương và tức tốc chuyển đi bệnh viện”.

img

Bà Lê Thị C. 59 tuổi, bà ngoại của A. nghẹn ngào trong nước mắt: “Dù là bà, nhưng nhìn thấy cháu như thế tôi xót xa lắm. Mỗi lần cháu bị mẹ nó đánh vì không nghe lời, vì mê chơi rồi khóc là tôi cũng khóc theo nó. Từ nhỏ, tôi đã một mình chăm bẵm ba anh em A bằng nhiều công việc khác nhau. Biết các bác sĩ cứu được cháu, tôi rất vui và cảm động, không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn các bác sĩ đã tận tình mổ cho cháu tôi”.