“Tôi không muốn làm Phương Phương của Vũ Hán ghi lại đây những dòng kinh khủng về đại dịch này. Nhưng tôi muốn sau này con cháu biết rằng năm 2020, loài người đã trải qua đại dịch khủng khiếp mang tên Covid-19. Cha ông chúng đã sống trong những ngày đầy lo âu và nhiều khi phải sợ hãi như thế… Tôi chưa thấy cuộc chiến nào từ sau Chiến tranh thế giới thứ II lại tàn phá thế giới đến vậy” – dòng nhật ký của bạn trẻ V.N.K ở TP. Hồ Chí Minh được trích đăng trong cuốn sách nói trên, cho thấy thảm hoạ toàn cầu mang tên Covid-19 đã thực sự khủng khiếp đến thế nào.
Covid-19 đã khiến cho gần 9,2 triệu người trên thế giới mắc phải, hơn 473 nghìn người tử vong. Thế nhưng điều kỳ diệu là Việt Nam chỉ có 349 ca mắc, không có người tử vong và hiện tại chỉ còn 21 người đang điều trị (số liệu từ Bộ Y tế sáng 23/6/2020). Con số biết nói trên đã phản ánh nỗ lực đi đến thành công của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc chiến chống lại đại dịch.
Giờ là lúc những sự thật nhìn từ bên trong cuộc chiến cần được nhìn nhận lại để khích lệ toàn dân đồng thời chia sẻ kinh nghiệm ra bên ngoài lãnh thổ.
Sự thật của cuộc chiến sinh tử nằm ở những quyết sách mạnh mẽ đúng thời điểm, những thông điệp có giá trị hiệu triệu mạnh mẽ đến hàng triệu người của Chính phủ Việt Nam. Là “cách ly toàn xã hội”, “giãn cách xã hội”, là “đứng yên khi tổ quốc cần”…
Là cái đêm Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - vị "tướng tư lệnh" chống đại dịch - không ngủ, ôm mặt căng thẳng trong cuộc họp báo 6/3/2020 vào thời khắc cả Hà Nội thao thức sau những ô cửa sáng đèn.
Nói đây là cuộc chiến gian khổ thật không sai, bởi chị Phùng Thị Kiều Lương – nữ nhân viên Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã có những chuyến công tác tại chỗ dài chưa từng thấy. “Mẹ ơi còn bao nhiêu ngày nữa mẹ về?” – cô con gái học lớp 3 hỏi chị câu này hàng ngày, nhưng thời điểm đó, khi ngồi dưới màn sương lạnh tháng Ba, bên bếp lửa có tiếng củi cháy lách tách ở chốt kiểm dịch Sơn Lôi, chị đã không thể trả lời.
Và cũng như chị Lương, anh Đặng Quốc Bảo (39 tuổi, điều dưỡng bệnh viện TW Huế) cũng đã hi sinh tự do cá nhân, thậm chí an nguy bản thân để đổi lấy trách nhiệm xã hội của người cán bộ y tế. Đã lường trước đến cả cái chết, anh Bảo bắt đầu viết nhật ký sau khi nhận nhiệm vụ vào khu cách ly làm việc. Anh viết sẵn những dòng xin lỗi cộng đồng vì đã cố hết sức mà không hoàn thành nhiệm vụ, xin lỗi vợ con về những lời hứa chưa hoàn thành. Rất nhiều người đã cầu bình an cho anh Bảo. Và thật tuyệt vời khi dự liệu bi quan của anh đã không xảy ra.
Vẫn những ngày tháng Ba, trong cái rét buốt vùng biên ải, có những đêm mưa giông sầm sập, mái lều bạt của các chốt biên phòng đã được gia cố thêm nhưng vẫn ngấm nước chảy xối xả. Tại đây, hình ảnh người lính biên phòng Bắc Sơn (Quảng Ninh) thấy chỉ huy đến thăm nhưng không thể chào điều lệnh vì hai tay đang ghì chặt cột lều chống lại cơn giông – cho thấy cái khắc nghiệt của cuộc chiến chống đại dịch diễn ra ở các tỉnh biên giới phía Bắc không thua gì thời chiến tranh xâm lược.
Nhưng, khó khăn gian khổ của chị Lương, anh Bảo chưa đến nỗi thắt lòng như câu chuyện của chị Hoàng Thị Thu Hương (48 tuổi, điều dưỡng bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Quảng Ninh). Sau hai tháng không được về nhà, nỗi nhớ gia đình chưa vơi thì cú sốc cha mất đã khiến chị gục ngã. Một chiếc bàn thờ được đồng nghiệp lập vội ngay tại khu cách ly của bệnh viện dã chiến, là hình ảnh khiến hàng triệu con tim người Việt nhói lên từng cơn nhức nhối.
Điều đáng nói, vượt lên trên tất cả vẫn là niềm tin chiến thắng, là người Việt tử tế thông qua những máy ATM gạo chảy rào rào, những chiếc khẩu trang chống dịch được mua bằng tiền tiết kiệm của em học sinh, gửi tới cán bộ y tế và cộng đồng ở vùng nguy hiểm, là những đồng kiều hối do kiều bào Việt Nam gửi về chung tay chống dịch cùng Chính phủ....
Phi công người Anh - bệnh nhân Covid số 91 ở Việt Nam đã hồi phục thần kỳ sau 2 tháng chống trọi bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới
Và, câu chuỵện phi công người Anh sống sót kỳ diệu sau 2 tháng chữa trị Covid-19 ở Việt Nam có giá trị hơn mọi lời tán dương thuần tuý. Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật, bác sĩ Lê Xuân Cảnh (tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) chia sẻ, có những thời điểm phổi của nam phi công người Anh 43 tuổi chỉ còn hoạt động 10%, tiên lượng tử vong cao. Nhưng cuối cùng, điều kỳ diệu đã xảy ra, số phận người phi công – bệnh nhân số 91 – đã được ấn định sẽ góp phần làm nên điều phi thường trong cuộc chiến chống đại dịch ở Việt Nam.
Những câu chuyện xúc động kể trên đã được đăng tải trên hàng trăm tờ báo Việt Nam và mới đây nó được giới thiệu trong cuốn sách "Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống COVID-19". Buổi họp báo giới thiệu cuốn sách này diễn ra ngày 22/6/2020 tại Hà Nội.
Ảnh: Minh Minh
Được biết, vào một ngày cao điểm trong cuộc chiến 15 ngày đêm sinh tử “cách ly toàn xã hội”: 01/4 đến 15/4/2020, nhà báo Ngọc Niên (nguyên Tổng biên tập báo Nhà báo và Công luận) đã có buổi trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Đức Cây (Chủ tịch HĐQT Constrexim HOD) về vấn đề thời cuộc đang được cả xã hội quan tâm: Đại dịch Covid-19.
Tin tưởng vào thành công chiến thắng đại dịch của Việt Nam, ông Cây bỗng đột ngột chất vấn nhà báo Ngọc Niên: “Tại sao các bạn báo chí không nghĩ tới việc có ngay một “tác phẩm tổng kết nhanh” cuộc chiến này..?”.
TS Lưu Trần Luân (đứng) và nhà báo Ngọc Niên chủ trì buổi họp báo (ảnh: M.Minh)
Hôm ấy đã là ngày 10/4/2020, nhóm biên soạn ra đời cấp tốc, gồm: Nhà báo Ngọc Niên (chủ biên), nhà báo Trần Đình Thảo (nguyên Phó Tổng biên tập báo Tuần tin tức), nhà báo – đại tá Bùi Đức Toàn (nguyên Trưởng phòng TKTS báo Quân đội nhân dân) và TS Lưu Trần Luân (nguyên Uỷ viên Hội đồng biên tập – Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật). Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, cùng với sự cộng tác của nhiều cộng tác viên khác, nhóm biên soạn đã cho ra đời cuốn sách "Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống COVID-19" chỉ sau 19 ngày làm việc, ngày 29//4/2020.
“Trong những ngày giãn cách xã hội, ý tưởng cho ra đời một tác phẩm nhằm kịp thời truyền tải tới bạn đọc hơi thở, tính thời sự nóng hổi trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, góp phần động viên, cổ vũ tất cả các lực lượng ngày đêm trên trận tuyến chống dịch đã được nung nấu”.
(Ông Lưu Trần Luân – nguyên Ủy viên hội đồng biên tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, thành viên nhóm soạn thảo)
Đây là cuốn sách đầu tiên của Việt Nam nói về chiến dịch phòng, chống dịch COVID-19 được biên soạn và in ấn, phát hành trong thời gian ngắn nhất. Sách xuất bản lần đầu chỉ có dung lượng 280 trang, số lượng phát hành 1.300 cuốn, nhưng đã đạt tới 4 kỷ lục xuất bản.
Điểm sáng nhất của cuốn sách là nó đã giới thiệu nhiều câu chuyện đời thường, cảm động giữa muôn vàn gian khổ của cuộc chiến được phản ánh trong: Những người lính Cụ Hồ trên tuyến đầu chống dịch (tác giả Xuân Khu), Chiến sĩ quân hàm xanh căng mình chống dịch Covid-19 (Viết Tôn), Rưng rưng… chuyện gác tình riêng (Hoàng Việt), Lập bàn thờ chịu tang cha trong bệnh viện dã chiến (An Nhiên)... làm lay động bao con tim của độc giả.
Thông qua những câu chuyện, người Việt và thế giới nhìn thấy một Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gầy rộc vì thiếu ngủ nhưng vẫn đầy mạnh mẽ khi truyền cảm hứng về niềm tin chiến thắng, một Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung với mệnh lệnh quả cảm “Vì Hà Nội bình yên”, GS-TS Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) căng mình cho sự sống của người dân…, cùng sự chung sức, đồng lòng của nhiều doanh nghiệp luôn vì cộng đồng.
Tôi đã đọc "Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống COVID-19", và tôi đồng ý với tác giả V.N.K khi anh viết: “Đồng bào tôi đang làm nhau rơi nước mắt”…
Rồi đây, nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu và báo chí sẽ phản ánh về cuộc chiến sinh tử trong giai đoạn lịch sử đáng nhớ này; song, cuốn sách "Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống COVID-19" sẽ là tác phẩm đầu tiên của Việt Nam và thế giới được hoàn thành trong thời gian ngắn nhất nhưng đã chạm được đến cảm xúc của hàng tỷ trái tim, khối óc trên toàn cầu.
“Chúng tôi đã có các chuyến công tác, tổ chức lực lượng viết bài về các địa phương "đứng mũi chịu sào" về chống dịch như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bình Thuận… cũng như trở lại điểm nóng về phòng chống dịch như phố Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) sớm bị phong tỏa và Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, nơi đầu tiên đón đồng bào từ ổ dịch Vũ Hán trở về. Việc soạn thảo sách lần thứ hai có thuận lợi hơn lần thứ nhất bởi nước ta đã cơ bản khống chế được dịch, không còn cách ly xã hội nên nhóm biên soạn chúng tôi có điều kiện và thời gian thu thập tài liệu đầy đủ hơn”.
(Nhà báo Ngọc Niên - nguyên Tổng biên tập báo Nhà báo và Công luận, thành viên nhóm soạn thảo)
Chế độ phụ cấp đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 (Theo Nghị quyết số 37/NQ-CP về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ ban hành ngày 29/3/2020). Cán bộ y tế, người lao động tham gia phòng, chống dịch được hưởng: Chế độ phụ cấp chống dịch mức 300.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ đối với: Người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Chế độ phụ cấp chống dịch mức 200.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ đối với: Người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cán bộ y tế thực hiện giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước. Chế độ phụ cấp chống dịch mức 150.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ đối với: Người thực hiện nhiệm vụ (không phải là chuyên môn y tế) tại cơ sở cách ly tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp); người tham gia cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly nhưng không chấp hành biện pháp cách ly y tế; người phiên dịch, đội cấp cứu 115, kíp vận chuyển người bị cách ly. Đối với người tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ (cán bộ y tế, quân đội, công an thực hiện nhiệm vụ…), mức phụ cấp là 130.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ; người lao động tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/phiên trực.
M.M