Nhằm kích cầu khôi phục ngành Du lịch lần thứ 2, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) một lần nữa phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.
Theo đó, tập trung kích cầu nhằm vào đối tượng khách du lịch là người Việt Nam và người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Chương trình xây dựng những gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn về giá, đa dạng về chương trình, đảm bảo chất lượng, uy tín và thương hiệu, đồng thời có những chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch.
Trao đổi với PV về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng phòng quản lý du lịch (sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa) - cho biết, với hàng loạt các hoạt động hướng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt” trên địa bàn, ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát lần thứ nhất vào tháng 6/2020, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa trong tháng 7/2020 vượt 53,6% so với cùng kỳ năm 2019.
“Những tháng cuối năm, mặc dù không còn là cao điểm của du lịch Thanh Hóa đối với lợi thế về sản phẩm du lịch biển, nhưng tỉnh vẫn quyết tâm triển khai hiệu quả chiến dịch kích cầu để thu hút khách du lịch”, bà Nguyệt thông tin. Cũng theo bà Nguyệt, ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn cho người dân và du khách, đẩy mạnh công tác truyền thông về du lịch Thanh Hóa, sở VHTTDL tỉnh còn tập trung triển khai các nhiệm vụ, tham mưu đề xuất với UBND tỉnh tổ chức phát động chiến dịch “Tôi yêu Thanh Hóa” và kích cầu du lịch, với các thông điệp: “Mỗi người dân là đại sứ du lịch” và “Du lịch Thanh Hóa – điểm đến an toàn, hấp dẫn”. Sở cũng liên kết xúc tiến và khai thác hiệu quả các đường bay đến cảng Hàng không Thọ Xuân để thu hút khách du lịch từ các tỉnh miền Nam, Tây Nguyên và Trung Trung bộ; khai thác thế mạnh và sự khác biệt để xây dựng và chào bán các tour du lịch hấp dẫn của Thanh Hóa, như: Thu vàng Pù Luông, Mùa đông trên biển, Về miền di sản xứ Thanh; phối hợp với hiệp hội Du lịch Thanh Hóa hình thành liên minh kích cầu du lịch với các gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn về giá, đa dạng về chương trình, đảm bảo chất lượng, uy tín và thương hiệu....Thanh Hóa quyết tâm triển khai hiệu quả chiến dịch kích cầu để thu hút khách du lịch.
Thông tin với PV, đại diện sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết: Tỉnh cũng phát động chương trình kích cầu du lịch Bình Định đợt 2 năm 2020. Chương trình kích cầu đợt này có chủ đề “Quy Nhơn - Bình Định: Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, tiếp tục tập trung vào thị trường khách nội địa, với sự hưởng ứng tham gia của 50 DN thực hiện giảm giá các dịch vụ lưu trú, lữ hành, vận chuyển, điểm tham quan, ăn uống, mua sắm. “Theo kế hoạch, tiếp tục duy trì có hiệu quả liên minh kích cầu du lịch 4 tỉnh: Bình Định - Quảng Ngãi - Phú Yên - Gia Lai, triển khai liên minh kích cầu du lịch mới: Bình Định - Thanh Hóa - Hà Nội - Hải Phòng. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với hiệp hội Du lịch vận động các DN tham gia cung cấp các gói sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng, giá hợp lý kèm theo những ưu đãi và cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ…”, vị đại diện cho hay.Nhiều DN kinh doanh ngành “công nghiệp không khói” tỏ ra dè dặt khi nói về kỳ vọng phục hồi.
Một vấn đề khác khiến việc kích cầu du lịch gặp khó, theo lãnh đạo công ty SKTOUR, việc khách sạn, nhà hàng tung ra những combo, voucher giảm giá để các công ty du lịch đổ tiền vào ôm voucher, ôm vé máy bay, nhưng thực tế, nếu như có vấn đề gì xảy ra, họ cũng sẽ lo thân họ trước và sẽ không giải quyết cho các công ty, không hoàn tiền mà cứ treo số tiền công ty bỏ ra ở đó đợi đến khi nào phục hồi, có khách lại mà sử dụng thì mới thu lại được vốn. “Tiền thì vẫn chôn ở đó, còn tiền để vận hành tiếp theo thì vẫn phải bỏ ra. Cho nên, hiện tại dù có những chính sách kích cầu hấp dẫn thì các công ty cũng không dám bỏ vốn ra để đầu tư vì hiện tại, hầu hết tiền vốn đầu tư của các DN du lịch đang đọng lại ở ngành Hàng không ”, bà Hiền thông tin thêm.
Nói về thị trường du lịch tại Đà Nẵng, vốn là tâm dịch Covid-19 lần 2, ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc công ty Du lịch Việt Nam (Vitours) - cho hay: “Ở đợt đầu của dịch Covid-19, sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách, trong thời gian đầu các hành khách sẽ đi du lịch trong phạm vi ngắn. Lúc đó, trong thời gian từ 27/5, Đà Nẵng bắt đầu kích cầu du lịch nên các khách du lịch bắt đầu đi du lịch liên vùng với nhau nhiều hơn.
Đợt 2 cũng tương tự như vậy, trong vài ngày tới Việt Nam gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội thì khi đó người dân mới có thể đi du lịch liên vùng được. Tuy nhiên, ở thời điểm này được coi là thấp điểm của du lịch nên sẽ rất ít khách vì kinh tế ảnh hưởng nặng nề do đợt 2 của Covid-19. Kéo theo yếu tố Đà Nẵng, Quảng Nam là tâm dịch nên tâm lý khách du lịch càng e ngại khi đến đây”.“Ở đợt mở cửa trở lại lần này, Đà Nẵng chú trọng vào phục vụ lượng khách đặc thù như: Nhóm khách lẻ, đi với gia đình, bạn bè và người thân,… hoặc các hội nghị, hội thảo tổ chức vào cuối năm. Tuy nhiên, nếu Đà Nẵng, Quảng Nam mà không quyết liệt thì rất khó có thể đưa khách quay trở lại” - Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc công ty Du lịch Việt Nam (Vitours) .
Đ.T