Trong gia đình người Việt, mỗi đứa trẻ sinh ra đều được dạy cách thưa gửi lễ phép, cảm ơn, xin lỗi… Đến trường, chúng được dạy “Tiên học lễ, hậu học Văn”. Bởi thế, không có gì khó hiểu khi ca sĩ Hoàng Bách vừa nhận cả rổ “gạch đá” vì cho phép con cái xưng hô mày tao với cha mẹ.
Anh chàng ca sĩ này có lẽ điên rồi!”, “Thật không thể chấp nhận một người cha, lại là ca sĩ nổi tiếng mà lại có quan điểm lệch lạc như vậy!”… - là những comment (bình luận) thiếu thiện cảm mà cộng đồng mạng dành cho giọng ca “Chuyện chàng cô đơn”.
Nguyên cớ là trong bài phỏng vấn đăng tải hôm qua (26/11), ca sĩ Hoàng Bách tiết lộ về việc cho phép con xưng hô “mày – tao” với mình.
Và mặc dù nội dung đó đã được xóa đi ngay sau ít phút nhưng nam ca sĩ đã phải nhận về không ít ý kiến chỉ trích cho rằng, cách dạy con này là đi ngược với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Trước những chỉ trích, Hoàng Bách đã lên tiếng giải thích lại trên trang cá nhân. Anh cho biết, chuyện mình cho phép con xưng hô “mày, tao” là một trò chơi có thời hạn (thường là 15-20 phút).
“Với tôi, mục đích của việc này là để cha con có thể thực sự coi nhau như bạn bè và chia sẻ được với nhau tất cả những điều chúng muốn mà đôi khi vì khoảng cách của thứ bậc trong gia đình chúng không dám chia sẻ” – nam ca sĩ viết.
Tuy nhiên lời giải thích này xem ra vẫn không có sức thuyết phục lắm.
Vừa đọc bài phỏng vấn ca sĩ Hoàng Bách xong, tôi lại đọc được bài chia sẻ trên báo của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí – nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TW - về sự xuống cấp đạo đức xã hội thời gian gần đây.
Trong đó, bác sĩ Trí cho rằng ngày càng có nhiều vụ nghich tử giết mẹ cha, thầy đánh trò, trò hỗn hào với thầy, bạo lực học đường… Một trong những nguyên nhân là vì thiết chế gia đình đang trở nên lỏng lẻo, quan điểm giáo dục của bố mẹ chưa đúng mực. Ông Trí đề cao vai trò gương mẫu của cha mẹ trong giáo dục con cái.
Đồng quan điểm với bác sĩ Nguyễn Anh Trí, cá nhân tôi cho rằng chúng ta có nhiều cách để gần gũi với con cái và làm chúng cởi mở, chia sẻ, coi chúng ta như những người bạn lớn, mà không nhất thiết phải “cá mè một lứa” kiểu xưng hô mày tao hỗn hào.
Bởi, hôm nay chúng suồng sã được với cha mẹ thì ngày mai là với ông bà, thầy cô… và gia đình, xã hội sẽ không còn tôn ti trật tự, nề nếp gì cả.
Cách hiệu quả nhất là bản thân cha mẹ phải sống đúng đắn, mẫu mực, làm tấm gương nhân cách để con cái soi mình vào. Khi đó, chúng sẽ tự khắc tôn trọng, tin tưởng và coi cha mẹ là chỗ dựa tinh thần.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dành thời gian quan tâm đến sự phát triển từng giai đoạn của con cái, tâm tư nguyện vọng của chúng để có những chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ phù hợp.
Làm được như thế thì thậm chí là không cần phải xưng hô mày tao với con, chứ đừng nói là cho phép con cái mày tao với chúng ta, như chàng ca sĩ nọ.
*Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.