Câu chuyện lạm thu đầu năm học dường như không còn quá xa lạ với dư luận, mặc dù được “chấn chỉnh” nhưng vẫn nhởn nhơ tồn tại ở khắp nơi.
Đến hẹn lại lên, câu chuyện lạm thu đầu năm học mới tái diễn với những hình thức và mức độ khác nhau. Các khoản thu bị biến tướng và thực hiện dưới danh nghĩa “phụ huynh tự nguyện” ngày càng xuất hiện nhan nhản.
Những khoản thu vô lý được các nhà trường “đưa đẩy” vào núp bóng tự nguyện một cách tinh vi.Câu chuyện thu tiền ghế ngồi của học sinh ở trường THCS Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh) đã “mở màn” bức xúc trong dư luận năm học này. Cụ thể, để có tiền mua ghế ngồi cho học sinh giờ Chào cờ, nhà trường đã đứng ra thu số tiền 40.000 đồng của gần 400 học sinh. Theo đó, nhà trường đã phát phiếu thu tiền ghế ngồi học sinh có đóng dấu của nhà trường để yêu cầu phụ huynh đóng. Điều này được lý giải, phụ huynh tự nguyện đóng nhưng do Văn thư đóng dấu nhầm… Vậy là lỗi chỉ thuộc về người đóng dấu!
Năm 2019, hàng loạt trường học ở Nghệ An cũng ra sức “tận thu” theo hình thức tự nguyện. Khoản thu tiền xã hội hóa bị cấm thu được biến tướng thành tiền tài trợ giáo dục.
Theo phản ánh của phụ huynh, nhà trường lập sẵn danh sách, giáo viên chủ nhiệm đưa cho mỗi phụ huynh một tờ giấy đánh máy theo mẫu in sẵn ghi là “Phiếu đăng ký tự nguyện tài trợ giáo dục”. Tuy nhiên, đó chỉ là cách “lách luật” của nhà trường, bởi, phòng GD&ĐT cho biết, không hề có khoản thu trên. Một số nhà trường còn “mặc định” mức “tự nguyện” đóng và gây sức ép với phụ huynh.
Ở một số trường khác, câu chuyện lạm thu được thực hiện thông qua việc bán sách giáo khoa cho học sinh. Không chỉ bán “bia kèm lạc”, mỗi học sinh phải “cõng” 23 đầu sách, nhiều phụ huynh còn phản ánh, trong khi bộ sách theo chương trình mới có giá niêm yết từ 179.000-199.000 đồng, nhưng phụ huynh phải “gánh” số tiền gấp 3-4 lần…
Mới đây nhất, dư luận không khỏi bật cười khi nghe đến một khoản thu vô cùng vô lý tại một trường học miền núi. Trường THCS Lê Quý Đôn (huyện Mang Yang, Gia Lai) thu tiền vệ sinh lớp học vì phụ huynh đề xuất để các con không phải trực nhật và tiền “trực đánh trống” với lý do đánh trống không phải nhiệm vụ của bảo vệ, nhà trường phải thuê một nhân sự khác.
Dường như trong tất cả các câu chuyện ở những ngôi trường, những thời điểm khá nhau trên, đều có một điểm chung, đó là phụ huynh học sinh phải “gánh” thêm những khoản phí vô lý do chính sự tự nguyện của mình.
Một điều kỳ lạ là hầu hết, cứ động đến bất kỳ khoản thu nào không nằm trong quy định của bộ GD&ĐT, các nhà trường lại nhanh chóng phủ lên một lớp bảo hộ vô cùng chắc chắn và an toàn, mang tên “sự tự nguyện của phụ huynh”. Đó có phải thói quen của các nhà trường?
Đáng nói, nhiều phụ huynh lại tỏ ra vô cùng bất mãn và bức xúc với chính những khoản thu mà nhà trường “khoác áo” phụ huynh tự nguyện đó.
Những băn khoăn được đặt ra, không lẽ, có những phụ huynh không để ý, không tham dự học phụ huynh một cách nghiêm túc, để rồi khi ban đại diện cha mẹ học sinh đồng ý với các khoản thu lạ lẫm của nhà trường, thì những phụ huynh đó không kịp thời góp ý, bày tỏ quan điểm, mới để bản thân bị ép buộc tự nguyện đóng góp.
Hay đó vốn dĩ chỉ là lớp sơn mà nhà trường tự ý tô vẽ lên? Chính vì nhà trường độc tài, tự quyết, tự ý áp đặt, “mặc định” mức độ tự nguyện cho phụ huynh.
Môi trường học đường đáng lẽ phải tạo mọi điều kiện để mỗi đứa trẻ được đến trường, được học tập, vui chơi, thì nay lại “chạy đua” trở thành thương trường “kinh doanh giáo dục”. Bất kỳ vấn đề gì cũng được nhà trường tính toán, liên kết đến một giá trị lợi ích, tự ý định giá và bắt buộc phụ huynh học sinh phải chiều theo.
Đó là kinh doanh trên lợi ích sống còn của đứa trẻ!
Một môi trường giáo dục sao có thể biến tướng, trở thành hiện thân của một thương trường nhẫn tâm và kinh doanh bất chấp như vậy?
Nhiều trường học sau khi lợi dụng danh nghĩa phụ huynh để “phủi” trách nhiệm, còn nhởn nhơ nghĩ rằng, thu sai, bị phát hiện thì trả lại cho phụ huynh, vậy là xong. Những hành động này chỉ càng chứng tỏ sự yếu đuối và vô trách nhiệm của nhà trường.
Việc xử lý kỷ luật nghiêm đối với Hiệu trưởng, người đứng đầu với tư duy lệch lạc và sai định hướng giáo dục như vậy là đương nhiên! Không thể để những “con sâu” đục khoét như vậy tồn tại trong hệ thống giáo dục. Đó là biểu hiện của tham nhũng.
Mặt khác, bản thân phụ huynh cũng cần tỉnh táo, kiên quyết đấu tranh, đảm bảo quyền lợi và lên tiếng để thanh lọc môi trường giáo dục cho chính con em mình.
Những câu chuyện phụ huynh được nhà trường liệt kê sẵn vào danh sách tự nguyện rồi được phát phiếu in sẵn đăng ký tự nguyện vẫn còn tồn tại ở rất nhiều địa phương, nếu không được phụ huynh phản ánh, dư luận chắc chắn sẽ không thể nhìn thấy sự thật, sẽ luôn bị những chữ ký tự nguyện trên tinh thần ép buộc kia che đậy.
Khi phụ huynh càng nhượng bộ thì các nhà trường vốn không trong sạch lại càng có ý định “kinh doanh bất chính”. Điều đó sẽ dần ăn sâu, lan rộng ra các bộ phận cán bộ, giáo viên, nhân viên trong tập thể, dễ dẫn đến một hệ thống tham nhũng, biến môi trường giáo dục chỉ còn tồn tại là “lớp vỏ” bên ngoài. Một tập thể núp bóng trường học để tận thu trên đầu học sinh.
Sợi dây kinh nghiệm sẽ không thể tạo nên hiệu quả, nếu không có một tấm gương bị xử lý quyết liệt và thích đáng. Các cơ quan quản lý cũng phải tăng cường vai trò giám sát và kịp thời phát hiện, xử lý mạnh mẽ những vi phạm để “gạn đục khơi trong”, trả lại môi trường trường học đúng nghĩa cho học sinh.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!