Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng coi phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc, đến 2030 phấn đấu đưa vào khai thác 5.000 km.

Đây được xem là tiền đề, cơ sở vững chắc đưa đất nước trở nên hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Để đạt được mục tiêu trên, giai đoạn 2021 - 2025 cần phải cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Tp.HCM - Mộc Bài; Tp.HCM - Chơn Thành; Vành đai 3 Tp.HCM; Vành đai 4 Hà Nội; Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Giai đoạn 2026 - 2030 với 2.000km còn lại, để đạt được mục tiêu 5.000km cao tốc, cần tập trung đầu tư mở rộng cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Đồng thời, đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc: Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn; Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn Nam Định - Thái Bình); Vinh - Thanh Thủy; Cam Lộ - Lao Bảo; Đà Nẵng - Thạch Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y (Kon Tum); Quy Nhơn - Pleiku; Gia Nghĩa - Chơn Thành, Chơn Thành - Đức Hòa; Dầu Giây - Liên Khương; Cao Lãnh - An Hữu; Hà Tiên - Rạch Giá.

Cùng đó là đầu tư đường Vành đai 4 Tp.HCM; khép kín Vành đai 4 Hà Nội; xây dựng đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội.

Với số lượng dự án nêu trên, dự kiến nhu cầu các nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc đến năm 2030 khoảng hơn 813.000 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển kết cấu hạ tầng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông.

Điều đó đã tạo nên một khí thế chưa từng có trong lịch sử phát triển hạ tầng của nước ta mà như người Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh: "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "3 ca 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", "đã ra quân là chiến thắng", "đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm", đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm, hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.

Chính khát vọng cùng với sự quyết tâm rất lớn đó đã tạo nên một cuộc chuyển mình, làm “thay da, đổi thịt” trong việc phát triển hạ tầng giao thông ở Việt Nam.

Ông Lưu Quang Thìn - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT

Ông Lưu Quang Thìn - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam đã có những phát triển đáng ghi nhận với hơn 24.300km quốc lộ, 2.000km đường bộ cao tốc, 6.800km đường thủy nội địa, 2.640 đường sắt quốc gia, 298 bến cảng, 22 cảng hàng không và nhiều công trình quan trọng, quy mô lớn được đầu tư.

Trong đó, chỉ tính riêng cao tốc, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000 km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100 km; các dự án đang thi công với trên 1.700 km, chuẩn bị khởi công khoảng 1.400 km; các dự án trải dài qua khắp 48 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đây thực sự là một kết quả đáng ghi nhận nếu như biết rằng Việt Nam từng mất gần 20 năm chật vật chỉ để xây dựng được hơn 1.000 km cao tốc. Và cũng với từng ấy khối lượng công việc, đến nay, chúng ta chỉ mất chưa đầy 4 năm, rút ngắn thời gian đến 5 lần. Đó chính là minh chứng rõ nét nhất, cho thấy quyết tâm chính trị lớn của Đảng, Nhà nước ta trong việc khơi thông bài toán hạ tầng.

Từ sự quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tạo ra hiệu ứng dây chuyền, có sức lan tỏa lớn, biến việc “thông đại lộ để đi đến đại phú” trở thành lời hiệu triệu, mệnh lệnh cho quá trình phát triển đi lên của hầu khắp các địa phương trong cả nước.

Giao thông thực sự trở thành đi trước mở đường và việc xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, trong đó có các tuyến cao tốc hơn bao giờ hết được quan tâm đầu tư, dành nguồn lực và không gian chính sách rất lớn.

Định hướng phát triển hạ tầng giao thông được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết của Đảng bộ, quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, các chương trình công tác nhiệm kỳ và hằng năm.

Đặc biệt, các địa phương ngày càng chủ động, tích cực trong việc phát triển giao thông. Thay vì chỉ trông đợi vào các dự án từ Trung ương, nhiềù địa phương chủ động đề xuất nhiều dự án giao thông quan trọng, mạnh dạn tạo lập chính sách thu hút đầu tư, huy động nguồn vốn xã hội hóa, thay đổi tư duy, cơ chế để tạo không gian cho giao thông phát triển.

Câu chuyện của tỉnh Quảng Ninh là một ví dụ điển hình. Chỉ trong khoảng 4 năm, với sự chủ động và đổi mới trong cách làm, huy động nguồn lực xã hội, tỉnh đã liên tiếp khánh thành 3 tuyến cao tốc quan trọng (Hạ Long - Hải Phòng kết nối vào tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn kết nối vào cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái kết nối vào cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc)); khánh thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long… các công trình hạ tầng giao thông động lực này đã góp phần tháo "cởi hoàn toàn tấm áo chật" cho sự lớn mạnh của một vùng động lực đang bị tắc nghẽn, tạo nên một diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Quảng Ninh theo hướng hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế.

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông nhìn nhận, từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu, dành nhiều nguồn lực, thời gian, công sức, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các dự án giao thông trọng điểm.

TS Nguyễn Xuân Thủy

“Có thể thấy rất rõ sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy tiến độ, tháo gỡ vướng mắc các dự án đã và đang triển khai.

Việc thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước là động thái cho thấy sự quyết tâm rất cao trong việc tăng tốc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Từ chính sự quyết tâm này, đã thôi thúc như mệnh lệnh với các địa phương cũng phải quyết liệt và dồn sức cho việc phát triển hạ tầng giao thông”, TS. Nguyễn Xuân Thủy nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Trưởng khoa Kinh tế Vận tải, trường Đại học Giao thông vận tải chia sẻ, chưa bao giờ ngành giao thông đặc biệt được quan tâm như hiện nay. Cả Trung ương và đến từng địa phương đều coi đây là hướng đi tất yếu để cất cánh. “Lộ thông thì tiền sẽ thông”, giao thông thuận tiện sẽ kéo theo mọi hoạt động kinh tế - xã hội phát triển.

Ông Thái cũng cho biết, nước ta giai đoạn từ năm 2000 đến 2020, số lượng đường cao tốc được xây dựng rất ít. Nhưng khi Chính phủ quan tâm, Bộ GTVT nỗ lực, có cách tiếp cận triển khai bằng được thì kết quả khác hẳn. Ở các địa phương, sự chủ động trong tư duy và cơ chế, nhất là quyết tâm chính trị cũng biến nhiều việc tưởng khó mà dễ, tưởng không làm được mà làm được.

“Với sự phát triển của Việt Nam những năm qua, cũng có địa phương tốt lên, trong khi thể chế là như nhau. Vì sao kết quả khác nhau? Đó là do cách làm của từng địa phương, bộ ngành phối hợp… để tạo ra sự đột phá, thay đổi.

Chẳng hạn Đà Nẵng nhiều năm trước và Quảng Ninh trong thời gian gần đây là điển hình với những cách làm sáng tạo để huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng. Những tỉnh, thành phố thành công như vậy là nhờ cái gì? Đó chỉ có thể là dám nghĩ, dám làm, quyết tâm thực hiện bằng những cách thức hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái thẳng thắn nhìn nhận.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, Đại học Giao thông vận tải

Để đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII về phát triển đường cao tốc, từ nay đến hết 2025, chúng ta phải hoàn thành ít nhất khoảng 1.000 km đường cao tốc với thời gian không còn nhiều.

Để sẵn sàng tinh thần cho cuộc chạy nước rút về hạ tầng, Thủ tướng Chính phủ phát động thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc".

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; chính quyền phải hành động quyết liệt, đồng thời vận động người dân và doanh nghiệp trong cả nước đồng tình, ủng hộ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, trách nhiệm với cộng đồng xã hội.

Trong mọi trường hợp, cần đồng tâm hiệp lực "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm".

Từ khí thế thi đua sôi nổi đó, các địa phương cũng đang gấp rút đẩy mạnh các phần việc của mình để góp sức vào mục tiêu 3.000km về đích.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết hòa chung dòng chảy khí thế thi đua sôi nổi, thực hiện có hiệu quả để hoàn thành thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc, Bình Định đang tập trung thực hiện có trọng tâm một số nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quán triệt.

Tỉnh xác định việc đầu tư hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của địa phương, do đó đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tập trung triển khai, làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng với yêu cầu bảo đảm đúng tiến độ.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

Chỉ đạo các sở, ngành địa phương phối hợp chặt chẽ với các Chủ đầu tư chủ động tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc sẵn sàng cung ứng đầy đủ vật liệu xây dựng với thời gian nhanh nhất phục vụ dự án.

Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nơi dự án đi qua hiểu, ủng hộ dự án; tích cực giải quyết các khó khăn, tồn tại, kiến nghị của người dân nếu có.

“Để tạo lòng tin của nhân dân trong việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, Bình Bình xác định tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời giải quyết thỏa đáng, kịp thời các trường hợp khiếu nại, tố cáo để bảo đảm an ninh trật tự từ cơ sở”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ.

Một khối lượng công việc khổng lồ để đến năm 2025 cả nước có 3.000km và khoảng 5.000km đường bộ cao tốc đến năm 2030 đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn, những giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ.

“Đại lộ sinh đại phú”, khát vọng đất nước hùng cường và thịnh vượng đang được hiện thực hóa từ hạ tầng giao thông.

Thực hiện: Sơn Tùng - Thu Dịu - Ngô Huyền - Bùi Ngân - Hà Hằng - Đình Tuấn - Đắc Phú - Mạnh Quốc

Ảnh: Hữu Thắng

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |