Thạch Hà là một trong những huyện có tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đi qua của tỉnh Hà Tĩnh với khoảng 18,17km. Sự xuất hiện của cao tốc Bắc – Nam đang mở ra nhiều kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương hoà cùng sự phát triển kinh tế của toàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, cho biết huyện có 7 xã có tuyến cao tốc đi qua gồm: Việt Tiến, Thạch Ngọc, Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Đài, Thạch Xuân, Tân Lâm Hương, Nam Điền. Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam có ý nghĩa rất lớn, là sự thống nhất, kết nối, chia sẻ, hội tụ, lan tỏa cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, là động lực vật chất thúc đẩy các địa phương cất cánh.

Do đó, huyện Thạch Hà cũng xác định tận dụng lợi thế của tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Thạch Hà làm tiền đề phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà trong những năm tiếp theo.

Phân tích cụ thể, ông Nguyễn Văn Khoa cho biết, sau khi tuyến cao tốc Bắc - Nam đưa vào khai thác sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa huyện Thạch Hà nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung đến các địa phương trong cả nước. Theo đó, thời gian di chuyển đến thành phố Hà Nội còn khoảng 4 - 4,5 tiếng so với 6 tiếng trước khi có cao tốc, việc đi lại đã thuận tiện hơn, giảm ùn tắc giao thông, giảm nguy cơ tai nạn giao thông so với lưu thông trên tuyến quốc lộ song hành.

Từ việc rút ngắn thời gian di chuyển, các dự án đầu tư vào các địa phương dự báo sẽ tăng lên do giao thông thuận lợi, chi phí logistics giảm, tạo thuận lợi trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đến tìm hiểu và triển khai đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, tăng cường việc vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh, góp phần mở ra không gian phát triển mới để tạo công ăn, việc làm, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam cũng được đánh giá là nhân tố quan trọng giúp tăng năng lực tiếp cận cho việc phát triển du lịch của địa phương. Bởi vì, nó sẽ giúp cho du khách di chuyển đến các địa phương nằm dọc tuyến cao tốc trong đó có Thạch Hà một cách thuận lợi và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để giúp cho các địa phương khai thác được tiềm năng thế mạnh của các vùng trũng lâu nay hạn chế về giao thông.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua tỉnh Nghệ An có tổng chiều dài gần 88km, gồm 2 dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt. Trong đó, dự án Nghi Sơn - Diễn Châu với tổng chiều dài 50km, có 43,5km đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An đã thông xe từ 18/10/2023. Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng chiều dài 49,3km được đưa vào khai thác toàn tuyến vào ngày 29/6/2024.

Ngay sau khi thông xe và đưa vào khai thác, 2 dự án cao tốc này đã ngay lập tức phát huy hiệu quả, trở thành động lực cho quá trình phát triển kinh tế tại địa phương đi qua.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quang Tiêu - Phó Chủ tịch UBND Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An khẳng định, việc đưa tuyến cao tốc vào khai thác một trong những yếu tố giúp du lịch biển Cửa Lò thu hút được lượng khách du lịch tăng đột biến. Bởi hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông về với Nghệ An nói chung và về với Cửa Lò nói riêng đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ, bài bản.

Năm 2024, nhờ việc toàn bộ đoạn cao tốc Hà Nội – Vinh đưa vào sử dụng, Cửa Lò đã thu hút rất đông khách du lịch. Theo thống kê, 8 tháng đầu năm 2024, Cửa Lò ước đạt 4.650.000 lượt khách, tăng 31% so với cùng kỳ, đạt 120% kế hoạch năm. Khách lưu trú ước đạt 1.720.000 lượt, tăng 39% so với cùng kỳ, đạt 119% so với kế hoạch năm. Khách quốc tế 6.000 người, tăng 12% so với cùng kỳ. Doanh thu các hoạt động du lịch ước đạt 4.800 tỷ tăng 37% so với cùng kỳ, đạt 114% kế hoạch năm.

Trước đó, tại lễ khánh thành cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, tuyến đường đi vào khai thác có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương, trong đó có tỉnh Nghệ An.

Tuyến góp phần hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc trên địa bàn tỉnh, hình thành tuyến giao thông huyết mạch, trục xương sống kết nối các khu vực kinh tế, hành lang kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm, sân bay, cảng biển; rút ngắn thời gian kết nối tỉnh Nghệ An với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội, rút ngắn thời gian di chuyển từ 5 giờ về còn hơn 3 giờ; giảm tải cho Quốc lộ 1, đáp ứng nhu cầu vận tải, đi lại của người dân, doanh nghiệp với tốc độ cao và an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa,..

Đoạn cao tốc Hà Nội - Vinh thông xe, đưa vào khai thác tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; mở ra không gian phát triển và cơ hội phát triển mới về du lịch, thu hút đầu tư và đảm bảo quốc phòng, an ninh; góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Cao tốc này sẽ kết nối Nghệ An - Hà Tĩnh với các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp của Bắc Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối các khu kinh tế tại miền trung như Nghi Sơn, Sơn Dương, Vĩnh Lộc,… và đặc biệt là khu kinh tế Vũng Áng-Cửa Lò - Hà Tĩnh. Điều này sẽ giúp Nghệ An-Hà Tĩnh nâng cao khả năng thu hút đầu tư và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như sản xuất, dịch vụ, du lịch…

Là tỉnh ven biển cực Nam Trung Bộ, Bình Thuận là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Bình Thuận cũng là giao điểm nối liền với các trung tâm du lịch lớn của khu vực phía nam như Nha Trang, Đà Lạt, Tp.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu…

Trong những năm qua, việc khai thác du lịch gắn với phát triển bền vững luôn được xác định trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận và việc đầu tư cho hạ tầng giao thông đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng để du lịch Bình Thuận cất cánh.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ngay sau khi các tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đi vào hoạt động, khách du lịch đến với Phan Thiết ngày càng đông. Đây cũng là cơ sở để tỉnh Bình Thuận đặt ra mục tiêu đón 9,5 triệu lượt khách trong năm 2024.

Ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đang đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng giao thông để đồng bộ, kết nối hơn nữa hệ thống giao thông hiện có của tỉnh. Tạo ra sự thuận lợi của du khách trong việc di chuyển đến các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh.

Đặc biệt, địa phương đang rất khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Cảng hàng không Phan Thiết. Ngay khi dự án này hoàn thành, sẽ tạo ra cú hích rất lớn cho du lịch Bình Thuận, giúp địa phương tiếp cận nhiều hơn nữa thị trường khách du lịch quốc tế. Song song với hạ tầng giao thông, địa phương đã và đang đồng hành cùng với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút khách du lịch, đưa du lịch Bình Thuận phát triển xứng tầm.

Cũng chia sẻ niềm tin vào tương lai tươi sáng khi cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn hoàn thành, ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết khi tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải đang gia tăng nhanh trong thời gian vừa qua, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

Để đón đầu xu hướng phát triển trên, hàng loạt các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Định đã và đang được triển khai kết nối với tuyến đường cao tốc sẽ tạo điều kiện giao thương của tỉnh thuận lợi hơn, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; tạo cơ hội thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh, nâng cao năng suất, sức mạnh nội sinh và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

“Từ sự kết nối của cao tốc Bắc - Nam đang mở ra cho Bình Định những cơ hội phát triển nhiều lĩnh vực như: logistics, vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa…Hạ tầng giao thông thực sự sẽ khai phóng tiềm lực, thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch, phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, kết nối mang lại lợi ích cho nhiều ngành kinh tế khác; là “đòn bẩy” để du lịch phát triển; sẽ giúp cho nền kinh tế tối ưu hóa được các nguồn lực, tận dụng được lợi thế so sánh giữa các vùng, miền trong sản xuất công nghiệp và kinh doanh dịch vụ; từ đó, nền sản xuất hàng hóa sẽ có cơ hội phát triển thông qua hệ thống trao đổi và phân phối để phát triển nhanh, ổn định và bền vững”, ông Nguyễn Tự Công Hoàng chia sẻ.

“Đại lộ sinh đại phú”, “Đường mở tới đâu dân giàu tới đó”, thực tế đã chứng minh nơi nào có hệ thống giao thông thuận lợi thì kinh tế ở đó phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Thực hiện: Sơn Tùng - Thu Dịu - Ngô Huyền - Bùi Ngân - Hà Hằng - Đình Tuấn - Đắc Phú - Mạnh Quốc

Ảnh: Hữu Thắng

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |