Một khối lượng công việc khổng lồ để đến năm 2025 cả nước có 3.000km và khoảng 5.000km đường bộ cao tốc đến năm 2030 đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn, những giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ. Trên khắp các công trường cao tốc, không khí và nhịp độ thi công đang được đẩy lên hơn bao giờ hết.

Phóng viên Người Đưa Tin có mặt trên công trường cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn vào một đêm đầu tháng 9.

Trong đêm, giữa ánh đèn vàng rực rỡ, những tiếng máy móc inh ỏi và mùi khói bụi dày đặc, biết bao con người vẫn đang miệt mài làm việc suốt đêm. Họ là những người thợ, kỹ sư, những con người âm thầm cống hiến hết mình cho dự án nghìn tỷ, với mục tiêu đưa con đường huyết mạch này vào hoạt động đúng tiến độ. Mỗi đêm, trong cái lạnh của núi rừng và tiếng gió rít qua các hẻm đá, những câu chuyện đời, những tâm sự không lời vẫn vang lên, hòa vào không khí làm việc không ngừng nghỉ.

Đối với anh Thành Công Đáng - Lái máy lu tại công trường, những đêm không ngủ đã trở thành thói quen. “Ban đầu thì mệt lắm, nhất là khi phải làm liên tục suốt mấy tiếng đồng hồ không nghỉ. Nhưng dần dần, mình cũng quen với nhịp độ ấy,” anh chia sẻ trong lúc ngồi nghỉ giải lao bên chiếc máy lu.

Công việc thi công nền đường bên trong ống hầm số 2, mà anh Đáng và đồng đội đang thực hiện, là một phần trong hàng loạt nhiệm vụ phức tạp của dự án. Trong hơn ba tháng qua, họ đã đối mặt với không ít thử thách, từ những hầm sâu tối tăm, những khối đất đá lớn cản trở, cho đến việc đảm bảo an toàn tuyệt đối trong suốt quá trình thi công. “Với tiến độ hiện tại, tôi nghĩ hơn tháng nữa sẽ xong nền đường cấp phối trong hầm. Cả đội ai cũng quyết tâm hoàn thành trước mùa mưa năm nay”, anh nói thêm.

Nhưng điều khiến anh Đáng và các đồng nghiệp cảm thấy hạnh phúc nhất chính là tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia mà họ tìm thấy nơi công trường. “Chúng tôi là một gia đình,” anh Đáng mỉm cười. Mỗi người một tay, một chân, ai cũng hiểu rằng chỉ cần một chút sơ suất cũng có thể gây nguy hiểm cho mọi người. Vậy nên, họ luôn động viên nhau, chăm sóc lẫn nhau để cùng vượt qua.

Trong khi công việc trên công trường tiếp tục kéo dài suốt đêm, những giấc mơ, những mong ước cá nhân của mỗi công nhân lại tạm thời gác lại. “Tôi nhớ gia đình lắm,” anh Nguyễn Văn Hải, một công nhân thi công hạng mục hầm số 1, thổ lộ khi nhắc đến vợ và con nhỏ đang ở quê nhà Quảng Bình. “Nhưng tôi cũng biết mình đang gánh vác một nhiệm vụ lớn, không chỉ là công việc, mà còn là trách nhiệm với đất nước”, người thợ chia sẻ.

Hàng đêm, sau khi kết thúc ca làm, anh Hải thường gọi điện về nhà, lắng nghe tiếng cười của con qua điện thoại, những câu hỏi ngây thơ mà đôi khi anh không biết phải trả lời sao cho đủ. “Bố đang làm gì thế? Bao giờ bố về nhà?” Những câu hỏi ấy cứ lặp lại mãi trong suốt cuộc trò chuyện, khiến lòng anh vừa hạnh phúc lại vừa day dứt.

Tuy nhiên, với anh Hải và nhiều người khác, trách nhiệm với công việc luôn được đặt lên hàng đầu. “Chúng tôi biết rằng con đường này sẽ giúp ích rất nhiều cho đất nước, cho quê hương mình. Mỗi mét đường mà mình góp sức hoàn thành, là mỗi niềm tự hào không thể đo đếm bằng vật chất,” anh Hải chia sẻ.

Những ngày đêm trên công trường cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn vẫn tiếp tục, không ngừng nghỉ. Những con người nơi đây, từ những người thợ, kỹ sư đến các chỉ huy công trường, ai cũng hiểu rằng thời gian không đứng về phía họ. Nhưng chính trong những đêm dài miệt mài ấy, họ lại tìm thấy sức mạnh, tinh thần đoàn kết và cả những giấc mơ về một tương lai tươi sáng hơn, khi con đường này hoàn thành, nối liền miền Trung với miền Nam, mở ra những cơ hội mới cho bao người.

Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, Tổng thầu dự án cho biết, nhờ sự đồng thuận và hỗ trợ từ chính quyền tỉnh, các nhà thầu đã tăng cường các biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo tiến độ thi công. Các đơn vị thi công tại gói thầu XL01 đã huy động gần 500 thiết bị và hơn 1.100 kỹ sư, công nhân để tập trung hoàn thành công tác đắp nền. Hiện tại, các mũi thi công đang hoạt động ngày đêm để đảm bảo khối lượng đắp nền trung bình mỗi ngày đạt gần 30.000 m³. Mục tiêu là hoàn thành công việc trước mùa mưa.

Tại gói thầu XL02, nhà thầu cũng đang nỗ lực thi công liên tục 24/24, đặc biệt là ở các hầm xuyên núi với chiều dài từ 610m đến 3.200m. Với sự tham gia của hơn 1.450 nhân sự và 512 máy móc, các hầm số 2 và 3 đang được triển khai theo đúng tiến độ, kỳ vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Nhà thầu đã đạt được 45% khối lượng công việc và tiếp tục đẩy mạnh để hoàn thành hai hầm xuyên núi này đúng thời hạn.

Tập đoàn Đèo Cả đặt mục tiêu đến cuối năm 2024, sản lượng lũy kế sẽ đạt 8.200 tỷ đồng, tương đương 61% tổng khối lượng hợp đồng. Mục tiêu cụ thể bao gồm hoàn thành hầm số 1, hầm số 2 và đào thông 5.000/6.400m hầm số 3. Đồng thời, 63/77 cầu sẽ được hoàn thiện, và công tác đắp nền K95 sẽ được hoàn tất trước mùa mưa năm 2024.

Những ngày đầu tháng 8, có mặt trên công trường thi công Dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam qua tỉnh Bình Định, chúng tôi chứng kiến không khí nhộn nhịp, khẩn trương ở đây. Hàng trăm phương tiện, máy móc và công nhân xuyên ngày, xuyên đêm trên công trình để kịp tiến độ.

Có mặt tại gói thầu 12XL thuộc địa phận xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) do Tập đoàn Sơn Hải phụ trách. Chúng tôi chứng kiến không khí khẩn trương, nhộn nhịp trên công trường. Sau hơn 18 tháng thi công, Tập đoàn Sơn Hải thảm nhựa những mét đầu tiên thuộc gói thầu này.

Theo đại diện của Tập đoàn Sơn Hải, đơn vị đảm nhận gói thầu 22km trên tuyến cao tốc, hiện tại đã hoàn thiện 100% nền đường, và triển khai thảm nhựa những mét đầu tiên. Theo đó, đơn vị tập trung nhân lực, thiết bị gồm 50 công nhân, kỹ sư, giám sát và hàng chục phương tiện, máy móc hiện đại triển khai thi công.

Tương tự, gói thầu của Tập đoàn Phúc Lộc thi công 7km đi qua địa phần 2 xã Bình Thuận và Tây An (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Trên gói thầu này, đơn vị triển khai xây dựng 5 cây cầu, cống và một số hạng mục liên quan. Tới thời điểm hiện tại, trên gói thầu này, đơn vị thi công tiến hành rải lớp cấp phối đá dăm gia cố xi măng, để tiến hành cho công tác thảm nhựa bê tông mặt đường.

“Để kịp tiến độ, chúng tôi bố trí hơn 200 công nhân ở công trình, hàng chục máy móc, phương tiện. Hiện công nhân làm việc từ sáng tới khoảng 22 giờ/ngày, chia làm nhiều ca để đảm bảo tiến độ”, ông Hoàng Kim Định- Phó Chỉ huy trưởng Tập đoàn Phúc Lộc, chia sẻ.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 85, phụ trách dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn, cho hay: Đến nay, cơ bản các địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng sạch cho đơn vị thi công, riêng huyện Hoài Ân bàn giao 19,12/19,42km do vướng rừng tự nhiên chưa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Ông Hưng cho hay, hiện tại, các nhà thầu tại dự án Hoài Nhơn - Quy Nhơn đang trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ, gấp rút hoàn thành công tác nền đường trước mùa mưa lũ. Các nhà thầu huy động 103 mũi thi công, 637 đầu thiết bị, máy móc và 1.355 kỹ sư, công nhân… trên toàn tuyến.

Khối lượng thi công các hạng mục chính dự án đã hoàn thành như đường công vụ đạt 100%, đào nền đường đạt hơn 80%, đắp nền K95 đạt hơn 75%... Luỹ kế sản lượng đến nay 3.484 tỷ đồng đạt 45,4% hợp đồng, đáp ứng tiến độ dự án.

Liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng gói thầu đi qua huyện Hoài Ân, Thượng tá Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 5, chỉ huy tại hiện trường gói thầu XL11, thuộc Dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn, cho hay, đơn vị đã huy động 23 mũi thi công, 240 thiết bị, 470 nhân lực để thi công dự án.

Tuy nhiên, gói thầu này khả năng sẽ bị chậm tiến độ do vướng diện tích rừng tự nhiện (phần mở rộng mái taluy) thuộc địa bàn xã Ân Tường Đông (Hoài Ân) và xã Mỹ Trinh (Phù Mỹ) chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Trong khi đó, dự án này đơn vị phải khai thác khối lượng đào đất, phá đá rất lớn để làm đường găng dự án.

Theo đánh giá của Ban quản lý dự án 85, để có được tiến độ này, một phần rất quan trọng đó công tác bàn giao mặt bằng sạch của địa phương. Nhờ thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của tỉnh Bình Định, các nhà thầu mới thuận lợi triển khai các hạng mục, đáp ứng tiến độ đề ra.

Tìm hiểu về tiến độ triển khai dự án cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đoạn tuyến đi qua tỉnh Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua, địa phương luôn quan tâm và xem đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nhằm tập trung chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương quyết liệt xử lý các vướng mắc, khó khăn, tồn tại nhằm bàn giao sớm mặt bằng sạch để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án trọng điểm quốc gia.

Đến nay, công tác GPMB trên tuyến được địa phương triển khai cơ bản hoàn thành công tác bồi thường, chi trả hỗ trợ GPMB và bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Đối với công tác xác định mỏ cát, đá và đất đắp phục vụ dự án trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng với 5 mỏ đất được UBND tỉnh giao cho 2 nhà thầu thi công.

Hiện tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu tái định cư nhằm giúp Nhân dân sớm ổn định cuộc sống trước mùa mưa bão; khẩn trương giải quyết những vướng mắc trong công tác GPMB đối với các tuyến đường gom của cầu vượt, nút giao…

Cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ (Nguồn ảnh: vnexpress.net).

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Phước Hiền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đang được triển khai với tinh thần quyết tâm cao độ từ cả chính quyền và các nhà thầu thi công. Tỉnh Quảng Ngãi luôn sẵn sàng ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị thi công.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh khuyến khích các nhà thầu triển khai công việc theo chế độ “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo dự án hoàn thành đúng kế hoạch. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng việc thi công phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Để đảm bảo dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn diễn ra suôn sẻ, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra những chỉ đạo cụ thể tới các huyện và thị xã nằm trong khu vực dự án. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ dự án, đảm bảo an ninh trật tự, tránh tình trạng tụ tập đông người hay cản trở giao thông, đặc biệt trong thời gian cao điểm thi công. Chính quyền địa phương cũng được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án 2 để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, đảm bảo dự án không bị gián đoạn.

Cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ (Nguồn ảnh: vnexpress.net).

Ngoài ra, tỉnh đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu trong việc tuân thủ các quy định về an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường, như kiểm soát bụi, tiếng ồn, và khí thải, đặc biệt trong các khu dân cư, đã được triển khai chặt chẽ. UBND tỉnh cũng đưa ra các biện pháp bảo vệ hạ tầng giao thông trong quá trình thi công, đảm bảo các tuyến đường vận chuyển vật liệu phục vụ dự án luôn trong tình trạng an toàn và sạch sẽ.

Vấn đề khai thác vật liệu tại các mỏ cũng được UBND tỉnh Quảng Ngãi quan tâm đặc biệt. Các nhà thầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về khai thác khoáng sản, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu nhà thầu báo cáo cụ thể về kế hoạch thi công ban đêm để địa phương có thể quản lý và thông tin kịp thời cho người dân, hạn chế tối đa tác động đến cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng.

Với quyết tâm chính trị rất lớn và khát vọng phát triển đang sục sôi ở khắp các địa phương, các tuyến cao tốc xuôi Nam ngược Bắc đang từng ngày thành hình, tiếp thêm động lực cho quá trình chuyển mình vươn lên ở mỗi nơi nó đi qua. Và cũng từ đó, mục tiêu về 3.000km, 5.000 km đường cao tốc cho đất nước hùng cường, thịnh vượng đang ngày một gần hơn.

Thực hiện: Sơn Tùng - Thu Dịu - Ngô Huyền - Bùi Ngân - Hà Hằng - Đình Tuấn - Đắc Phú - Mạnh Quốc

Ảnh: Hữu Thắng

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |