Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên được biết đến như “thủ phủ” chuyên sản xuất đồ chơi Trung thu truyền thống. Đây là nơi cung cấp các mặt hàng đồ chơi đến khắp mọi nơi trên đất nước, đặc biệt là một số tỉnh thành như Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế,…
Những mặt hàng đồ chơi Trung thu chủ yếu là mặt nạ, trống, đầu lân.
Những năm trước, vào mỗi dịp Trung thu, mặt hàng đồ chơi của làng nghề ở Liêu Xá làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thế nhưng, năm nay ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất ảm đạm, cả làng nghề chỉ còn khoảng 3-5 hộ gia đình làm đồ chơi Trung thu.
Gia đình bà Vũ Thị Thoàn (60 tuổi) có hơn 40 năm làm đồ chơi truyền thống với những mặt hàng chủ yếu là mặt nạ, đầu lân, trống. Vào mỗi dịp cận kề Trung thu, khu sản xuất của hộ gia đình bà luôn nhộn nhịp tiếng gõ đục làm trống, tiếng cười nói rôm rả của công nhân ngồi vẽ mặt nạ, trang trí đầu lân. Những năm trước, hai người con của bà Thoàn vẫn theo nghề truyền thống, nhưng năm nay buôn bán kém nên phải tạm thời chuyển sang buôn bán mặt hàng khác.
Bà Thoàn có hơn 40 năm làm đồ chơi Trung thu truyền thống.
Bà Thoàn cho biết, năm ngoái số lượng nhập hàng rất lớn, xưởng sản xuất 5.000 mặt nạ giấy bồi bán hết sạch ngay từ đầu dịp lễ. Do nắm được tình hình dịch Covid-19 nên gia đình bà chỉ sản xuất khoảng 2.000 chiếc mặt nạ, nhưng đến thời điểm hiện tại lượng bán ra chỉ được gần một nửa. Theo bà, sức mua năm nay chỉ được khoảng 50% so với mọi năm.
Năm nay, tuy gia đình bà đã giảm lượng sản xuất nhưng hàng tồn kho vẫn nhiều.
“Tầm này mọi năm, đơn hàng từ các trường học, đoàn thể đổ về dồn dập, sản xuất bao nhiêu bán bấy nhiêu. Đặc biệt, mọi năm nhiều trường học đưa học sinh đến xưởng sản xuất của tôi tham quan, trải nghiệm vẽ mặt nạ giấy bồi. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đoàn trường hạn chế tập trung nơi đông người, buôn bán cũng kém hơn nhiều. Vì không có đơn hàng nên gia đình chỉ còn mình tôi làm”, bà chia sẻ.
Xưởng sản xuất của bà bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Cùng cảnh ế ẩm, xưởng sản xuất đầu lân truyền thống duy nhất của ông Vũ Tiến Thắng (65 tuổi) cũng trở nên yên ắng lạ thường. Thay vì sơn đầu lân như các hộ gia đình khác, xưởng sản xuất của gia đình ông Thắng là nơi duy nhất giữ bí kíp may đồ chơi đầu lân bằng vải kim tuyến.
Cơ sở sản xuất đồ chơi đầu lân truyền thống của ông Vũ Tiến Thắng.
“Mọi năm, các đoàn từ Hải Phòng, Đà Nẵng hay miền Nam đều nhập hàng với số lượng lớn, năm nay ế ẩm hàng chất đầy kho. Làm đầu lân phải bỏ vốn nhiều hơn các mặt hàng đồ chơi khác, chỉ cần làm 1.000 con mà tồn kho khoảng 100 con là lỗ vốn. Bình thường giá đồ chơi đầu lân là khoảng 100.000 đồng/ con, nhưng năm nay khó khăn nên tôi bắt buộc phải hạ giá “kịch” xuống 60.000 - 80.000 đồng/ con coi như lấy công làm lãi, chờ dịch qua tính tiếp vậy”, ông Thắng cho biết.
Hàng chất đầy kho, buôn bán cầm chừng.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn vì Covid-19, nhưng nhiều hộ gia đình vẫn luôn có một niềm tin và khát khao giữ lửa nghề mãnh liệt. Tâm sự với chúng tôi, bà Thoàn niềm nở nói: “Làm đồ chơi là nghề truyền thống mà ông cha truyền lại nên dù thế nào tôi vẫn quyết tâm gắn bó và gìn giữ. Dịch bệnh là khó khăn chung của tất cả mọi người, vậy nên tôi luôn động viên các con kiên trì “bám nghề”, năm sau tiếp tục làm chứ không thể thấy khó mà nản lòng”.
Đồng quan điểm, ông Thắng cũng chia sẻ, những món đồ chơi truyền thống không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn đem lại giá trị tinh thần, niềm vui và tự hào khi góp phần lưu giữ những nét đẹp văn hoá truyền thống.
Ông cũng cho biết, tuy các mặt hàng Trung Quốc với mẫu mã đa dạng, giá cả rẻ vẫn được bày bán trên thị trường, nhưng các hộ sản xuất trong làng nghề vẫn đang có những hướng đổi mới để vừa phù hợp với thị hiếu thị trường, vừa giữ trọn vẻ đẹp vốn có của đồ chơi truyền thống.
P.L