Lãnh đạo sở GD&ĐT ra công văn hỗ trợ bán áo lót: Thầy cô thành những nhà "tiếp thị" cừ khôi

Có điều khoản nào cho phép sở GD&ĐT đi tiếp thị, giới thiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp? Đặc biệt là sản phẩm ấy không liên quan gì đến việc dạy và học như áo lót cho nữ sinh?

img
img

Lâu nay, một số trường học vẫn bị phê bình vì biến môi trường học đường thành nơi tiếp thị, buôn bán đủ các loại đồ từ sách vở, đồng phục cho đến văn phòng phẩm, tăm từ thiện.

Nhưng việc “tiếp thị” áo lót cho nữ sinh bằng công văn từ nhiều cấp quản lý thì chỉ có ở tỉnh Long An (hoặc mới phát hiện ở tỉnh Long An).

Cụ thể, ông Đặng Minh Tấn, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cần Đước, tỉnh Long An đã ký văn bản 1026/PGDĐT, về việc phối hợp, hỗ trợ công ty dệt may Nguyên Dung triển khai kế hoạch giới thiệu dòng sản phẩm “Áo lá kháng khuẩn”.

Văn bản này căn cứ vào công văn 1819/SGDĐT-GDTrH ngày 17/7/2019 của sở GD&ĐT tỉnh Long An. Các văn bản, công văn có ghi rõ ràng tên công ty, giá cả sản phẩm và yêu cầu liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để đặt hàng, thanh toán.

Các cấp quản lý giáo dục của tỉnh Long An liên tiếp ra công văn không đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn.

Việc này khiến dư luận không khỏi dậy sóng, không biết phải nói thế nào trước sự tùy tiện của các vị cán bộ quản lý giáo dục. Có phải các vị đang xem nhà trường là cái chợ để bán buôn? Ai cho các vị quyền hạn để chỉ đạo những việc không đúng chức năng, nhiệm vụ?

Người ta còn ngầm hiểu với nhau, các vị có động cơ gì, nhận được bao nhiêu “lợi ích” khi tiếp tay cho doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường từ hàng ngàn học sinh trên địa bàn?

Từ đó, dư luận còn có quyền đặt câu hỏi, những công văn của sở GD&ĐT tỉnh Long An và phòng GD&ĐT huyện Cần Đước để giới thiệu sản phẩm của một doanh nghiệp đến các trường học là có đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này hay không?

Vì nếu chiếu theo các quy định về quản lý Nhà nước, sở GD&ĐT là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Cơ quan này có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý về giáo dục và đào tạo như mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo; tiêu chuẩn nhà giáo và tiêu chuẩn cán bộ quản lý giáo dục; tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em; quy chế thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ; bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo;....

Có điều khoản nào cho phép sở GD&ĐT đi tiếp thị, giới thiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp? Đặc biệt là sản phẩm không liên quan gì đến việc dạy và học như áo lót cho nữ sinh?

Trong khi đó, việc đảm bảo chất lượng giáo dục của sở GD&ĐT tỉnh Long An lại rất đáng ngạc nhiên. Theo số liệu được chính cơ quan này công bố ngày 14/7, kết quả phổ điểm các môn thi THPT quốc gia năm 2019 của địa phương chỉ có 27,64% thí sinh có điểm thi môn Lịch sử đạt từ điểm 5. Còn môn tiếng Anh, tỉ lệ thí sinh đạt điểm trung bình cũng chỉ có 29,72%.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

img