Lão nghệ sĩ đậm chất Hà Nội
Là người Hà Nội gốc, nhưng khán giả thường biết đến nghệ sĩ Trần Hạnh qua những vai diễn khắc khổ, đậm chất nông thôn. Ông bảo, cả đời ông sống hiền lành, nên cho dù đã gần 90 tuổi, xã hội có nhiều đổi thay, thì ông vẫn giữ cho mình một lối sống giản dị và khiêm nhường. Ngay cả khi biết mình được nằm trong danh sách được đặc cách lên danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, ông cũng thủng thẳng bảo: “Làm diễn viên để cống hiến nghệ thuật cho khán giả, còn danh hiệu chỉ là vật trang trí bề ngoài thôi…”.
Đã nhiều năm nay, người dân phố Trần Quý Cáp, Hà Nội đã quen thuộc với hình ảnh một ông già gần 90 tuổi, cứ khoảng 4-5h chiều là lại ra ngồi trông hàng cho con dâu gần ga Hà Nội. Ông bảo, ở nhà cũng buồn nên khi mặt trời sắp tắt nắng, ông thường ra đây để ngồi cho đỡ buồn và lại giúp được con dâu. Ông kể với chúng tôi: “Từ khi bà nhà tôi mất, cũng 6-7 năm rồi, những lúc rảnh rỗi, tôi thường ra gần ga xe lửa để giúp con cháu bán hàng. Ở nhà mãi cũng buồn, nên ra ngoài này vui hơn. Nhìn phố xá đi lại, rồi còn trông hàng cho con nữa, thấy mình có ích hơn…”.
NSƯT Trần Hạnh năm nay đã bước vào tuổi 89, cứ có khách vào ông lại nở một nụ cười hiền lành. Hỏi ông: “Ông hiền thế này có khi nào bị khách vào mua hàng “bắt nạt” không?” Nghệ sĩ Trần Hạnh đáp: “Không, nhiều khách vào đây, thấy ông quen quen lại hỏi han nói chuyện. Nhìn mình hiền thế này không ai nỡ bắt nạt”. Nghệ sĩ Trần Hạnh cho hay, ông lấy vợ khá sớm, khi mới 23 tuổi, đang tham gia làm tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Một hôm ông nhận được điện khẩn cấp: “Về ngay, mẹ sắp mất”. Về đến nhà, hóa ra mẹ vẫn bình yên. Ông bị triệu về vì vấn đề lớn liên quan đến ông: Gia đình, đứng đầu là bà nội, bắt ông lấy vợ. Viện đủ lý do không được, sau ba ngày phép, Trần Hạnh trở thành người có gia đình.
Khi đã chọn nghề, tôi muốn sống suốt đời với nó
NSƯT Trần Hạnh kể, sau khi có gia đình, cuộc sống khó khăn ào đến, ông làm nghề đóng giày để mưu sinh. Ông từng gắn bó hơn chục năm với nghề đóng giày. Đến bây giờ, đã gần 90 tuổi, ông bảo: “Tôi vẫn nhớ nghề. Nhưng bây giờ muốn làm thì ngồi ở đâu? Ngày xưa, tôi phải mất 2-3 ngày mới đóng một đôi giày, mà là da thật. Đó là cái nghề hồi trẻ mình đam mê, thi thoảng nhớ lại như một kỷ niệm đẹp”.
Kể về con đường đến với nghệ thuật, NSƯT Trần Hạnh cho hay: “Hồi đó, ban ngày tôi làm nghề đóng giày, tối lại đi diễn văn nghệ. Đó là chương trình văn nghệ của ban tiểu thương thủ công nghiệp tổ chức, sau đó, tôi được chọn đi tập văn nghệ cho đội Thanh niên Hà Nội, cùng với một số nghệ sĩ bấy giờ như: Doãn Hoàng Giang, Minh Ngọc, Đoàn Dũng… Một thời gian sau, đạo diễn Đình Quang bảo tôi, để chú xin cho cháu về đoàn Kịch nói Hà Nội vì ở đó cháu có thể vừa làm nghề, vừa học tập được… Thế là đạo diễn Đình Quang viết một bức thư tay cho ông Nguyễn Bắc – Giám đốc đoàn Kịch nói Hà Nội hồi đó (nay là nhà hát Kịch Hà Nội – PV) và tôi được nhận vào làm”.
Ngày vào làm ở đoàn Kịch nói Hà Nội, lương ông được 42 đồng, là lương của công chức bậc 2. “Hồi đó, tôi cũng có vợ con rồi nên nghĩ, mình vào làm ở đây cũng được, nghề diễn viên mình cũng thích. Và tôi làm việc tại đó từ năm 1959 đến năm 1989 thì nghỉ hưu. Trong lúc tôi đang ở đoàn Kịch Hà Nội, cũng có đi làm phim truyền hình, nhưng nói thật, tôi yêu sân khấu lắm. Tôi luôn muốn diễn trên sân khấu, muốn hoá thân thành những nhân vật ở những tác phẩm kịch nói”.
Nghệ sĩ 89 tuổi này tâm sự, cách đây mấy năm, đạo diễn Hoàng Quân Tạo – nguyên Giám đốc nhà hát Kịch Hà Nội đến nhà chơi và tặng ông một quyển album chụp lại một số vai diễn của ông trên sân khấu. Đó là những bức ảnh đen trắng. Ông coi quyển album như báu vật. Thi thoảng có bạn bè đến chơi, ông vẫn mang ra để “khoe” với bạn bè, và nhớ lại xem, đó là vai diễn gì, vào năm nào. Với Trần Hạnh, những kỷ niệm lung linh trong sự nghiệp ngày trẻ, như một sự động viên, để giúp ông có được sự tự tin trên sân khấu.
Kể đến đây, người diễn viên năm nay đã gần 90 tuổi bỗng nhiên bật khóc, ông bảo, ông nhớ về thời kỳ hoàng kim của sân khấu, nhớ những người bạn diễn, đồng nghiệp ngày trước nay đã thành người “thiên cổ” như Phạm Bằng, Trịnh Mai, Trịnh Thịnh… Hồi đó, mỗi đêm diễn trên sân khấu kịch được từ 4-6 hào, nhưng ai cũng hào hứng lên sân khấu.
“Trong 30 năm làm nghề diễn viên, với mức lương chỉ có 42 đồng, chính bà nhà tôi là người lo kinh tế và chèo lái, nuôi dạy 7 người con trưởng thành. Bà nhà tôi thường bảo, lương diễn viên của tôi chỉ để lo bữa ăn sáng cho các con thôi… bà ấy nói vui thôi chứ tôi biết, bà ấy thương chồng lắm, thương chồng và muốn chồng sống với đam mê của mình nên đã gánh vác kinh tế cho gia đình” – Nghệ sĩ Trần Hạnh trìu mến nói về người vợ quá cố của mình.
NSƯT Trần Hạnh cho hay, ông biết ơn người vợ của mình, bởi cả những tháng năm tuổi trẻ, vợ đã lo cho cả gia đình để ông chạy theo đam mê của mình. Hỏi ông, nghề vất vả quá, lương thấp quá có bao giờ ông định bỏ sân khấu kịch để về giúp vợ không? Trần Hạnh lắc đầu: “Chưa bao giờ, vì khi tôi đã chọn nghề, tôi muốn sống suốt đời với nó. Bây giờ nghỉ hưu rồi cũng có một số đoàn làm phim mời đóng phim truyền hình, nhưng mình già rồi, nên toàn vai phụ thôi. Như có phim khoảng 30-40 tập, mà đoàn phim chỉ thiếu một vai nhỏ, nên mình đóng vai ấy”.
Vợ chồng nghệ sĩ Trần Hạnh có 7 người con, trong đó có 5 người con gái. Ông bảo, mấy người con gái của ông đều học tính đảm đang, chịu thương, chịu khó của vợ. Đông con là thế nhưng mỗi người một nơi, 5 cô con gái của ông cũng phải lo phận nhà chồng. Nói đến đây đôi mắt ông đỏ hoe khi nhắc đến một người con gái của ông ở nước ngoài mới qua đời. Ông lại phải lặn lội sang tận nơi mang tro cốt của con về an táng.
Nghệ sĩ Trần Hạnh bảo, cho dù hôn nhân của ông là cuộc hôn nhân sắp đặt nhưng càng ở với vợ, ông càng trân quý bà. Bởi, từ khi lấy nhau đến lúc bà qua đời, chưa bao giờ bà làm ông buồn hay nói "móc máy" về cái nghề diễn viên có nhiều tiếng cười hơn vật chất ấy. Thậm chí, có những hôm ông đi diễn về muộn, bà vẫn dành cho chồng những đồ ăn ngon nhất để ông bồi dưỡng, sáng tạo nghệ thuật. "Đời tôi quá may mắn khi gặp được mẹ lũ trẻ, khi bà ấy mất đi, tôi cô đơn, buồn bã một thời gian dài" - Trần Hạnh tâm sự.
“Nếu phải đi xin danh hiệu thì tôi thôi”
Mới đây, sở VH-TT Hà Nội có gửi danh sách nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), nghệ sĩ Nhân dân (NSND) và Trần Hạnh có tên trong danh sách đặc cách lên NSND. Hỏi ông có vui không, nghệ sĩ gần 90 tuổi này cho hay: “Thật sự, tôi cũng chả biết vui hay buồn, vì mới chỉ là đang gửi danh sách thôi. Cách đây vài tháng, có người bên nhà hát Kịch Hà Nội gọi tôi lên bảo làm hồ sơ duyệt danh hiệu NSND nhưng tôi bảo thôi, bao nhiêu năm làm nghề, cái được lớn nhất của tôi là những vai diễn. Ngày trước, tôi là một trong những nghệ sĩ được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú đầu tiên, từ năm 1984, lâu lắm rồi. Ngày đó, người ra tự làm hồ sơ rồi trao danh hiệu cho mình. Tôi nghĩ, danh hiệu là quý, nhưng đi xin, làm hồ sơ để xin thì tôi thôi”.
Kể về những vai diễn trên sân khấu và truyền hình của mình, ánh mắt nghệ sĩ Trần Hạnh lại lấp lánh niềm hạnh phúc. Với 30 năm làm nghề, nhắc tới Trần Hạnh, nhiều người yêu sân khấu trước đây nhớ tới vai Nguyễn Trãi trong Lam Sơn tụ nghĩa hay các vai diễn trong Âm mưu và tình yêu, Tiền tuyến gọi… Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ khi còn sống đã dành cho Trần Hạnh lời khen: “Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội”. NSƯT Trần Hạnh đã từng 3 lần đoạt HCV với vai trong vở kịch Nguyễn Trãi, Tiền tuyến gọi, Hamlet, giải Nam diễn viên xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 11 với phim Nước mắt đàn bà và nhiều giải thưởng khác.
Ông cũng đã từng được vinh danh ở hạng mục giải thưởng Cống hiến cho vai diễn trong phim Ngõ lỗ thủng (đạo diễn Quốc Trọng), tại Liên hoan truyền hình toàn quốc 2010. Năm 2015, ở tuổi 87, ông vẫn tham gia phim điện ảnh Cha cõng con và phim truyền hình Bão qua làng.
Ông kể, vì đam mê sân khấu, ngày mới về hưu ông cũng từng “du ca” với một nhóm kịch. Họ dắt díu nhau biểu diễn loanh quanh mãi ở Sài Gòn rồi lên Tây Nguyên, diễn lang thang suốt nửa năm. Càng ngày sân khấu càng gặp nhiều khó khăn, ước mơ được diễn kịch của Trần Hạnh trở nên xa vời. Thỉnh thoảng, được mời đi xem kịch, ông vẫn đi, để nhớ lại thời đã qua và cũng để đỡ cơn thèm sân khấu. “Sân khấu giờ nhiều diễn viên trẻ, mình cũng lui về cho lớp trẻ phát triển, mặc dù, ngày nào mình cũng đau đáu với các vở diễn, muốn sống cùng nhân vật của mình” – Trần Hạnh nghẹn ngào tâm sự.
Vừa uống một chén trà, nghệ sĩ Trần Hạnh kể: “Hiện tại, tôi sống cùng với vợ chồng anh con cả, nhưng ăn riêng vì lịch sinh hoạt của người già khác với bọn trẻ. Tôi thích gì thì ăn, còn kệ các con. Mình không theo lịch của chúng được. Nhưng vào các dịp đặc biệt như lễ, Tết là tôi lại ăn cùng các con cho chúng vui”. Nhiều người có lẽ không hiểu rõ về cuộc sống của ông nên có năm, người ta liệt nghệ sĩ Trần Hạnh vào danh sách Những “sao” Việt có cuộc sống khốn khó; Những nghệ sĩ cuối đời khắc khổ… Nhưng ông bảo: “Tôi có khổ đâu, chỉ là tôi muốn có một cuộc sống giản dị, bình yên nên không muốn phô trương thôi. Năm ngoái, nghệ sĩ Chí Trung có đứng lên quyên góp cho tôi vì tưởng tôi khốn khó lắm. Nhưng tôi bảo với cậu ấy tôi không nhận tiền hỗ trợ. Tôi thấy cuộc sống như này là thoải mái và đủ đầy rồi. Chí Trung bảo với tôi, nếu chú không nhận, cháu rất khó. Vì cháu không thể mang tiền đi trả từng người được… Thế là thôi, tôi cũng đành phải nhận”.
Lão nghệ sĩ 89 tuổi còn cho biết, thời gian đó, nhiều cơ quan truyền thông cũng liên hệ với ông để làm phóng sự nhằm quyên góp tiền từ thiện cho ông, nhưng ông từ chối hết. “Tôi muốn sống một cuộc sống bình yên, giản dị nên không muốn nhận sự giúp đỡ của bất kỳ ai cả… Tôi ổn, tôi rất ổn với mức sống hiện tại của mình” – Trần Hạnh cho hay.