Thế giới ảo trên mạng Internet có phải là nơi chúng ta muốn làm gì thì làm? Câu trả lời là không, ít nhất là ở Iran, khi bạn chụp hình quá đáng sợ cũng phải đi tù.
Đó là câu chuyện của Sahar Tabar, 19 tuổi, tên thật là Fatemeh Khishvand, một hiện tượng trên mạng xã hội Instagram ở đất nước Trung Đông. Khishvand gây bão trên mạng xã hội với những ảnh chụp tự sướng được chỉnh sửa theo phong cách kinh dị, khiến gương mặt cô giống như "xác sống".
Phong cách của Khishvand hoàn toàn gây khó hiểu đối với tất cả mọi người, bởi thường lệ ai cũng tôn sùng cái đẹp, muốn trở nên rạng ngời ở mọi lúc mọi nơi, còn cô gái này lại muốn mình càng xấu đi càng tốt.
Nhưng cũng vì phong cách có phần kỳ lạ và hiếm có giữa thời buổi này mà có lúc Khishvand thu hút đến 486.000 tài khoản theo dõi trên trang Instagram. Các bức ảnh của cô gái Iran lan truyền đi khắp thế giới. Người thì cảm thấy thú vị nhưng đa phần đều cảm thấy rợn tóc gáy, ghê sợ, tự hỏi không biết đây là người thật hay là một sinh vật kỳ quái nào đó.
Có thể Khishvand nghĩ rằng trò vui của mình chẳng hại đến ai nhưng nhưng tòa án Iran thì không nghĩ vậy. Cô bị bắt giữ vào năm 2019 liên quan đến các hoạt động và nội dung đăng tải trên mạng xã hội. Phán quyết tòa án cho rằng Khishvand đã tiêm nhiễm suy nghĩ độc hại cho thanh niên nước này và không tôn trọng nền cộng hòa Hồi giáo.
Ở một số quốc gia khác, hành động của Khishvand được coi là tự do cá nhân, nhưng cần phải nhớ rằng Iran là một trong những nước Hồi giáo nghiêm khắc nhất trên thế giới. Các cáo buộc ban đầu nhắm vào Khishvand còn có tội danh báng bổ, kích động bạo lực, kiếm tiền bất chính và tiêm nhiễm tiêu cực cho thanh thiếu niên Iran.
Theo tờ The Guardian, ngôi sao Instagram người Iran đã nhận mức án 10 năm tù. Cô bày tỏ hối hận và nhận được nhiều sự đồng cảm. Với lý do còn trẻ và có hồ sơ bệnh tật, Khishvand đang mong chờ được đặc xá nhưng điều này vẫn còn hậu xét.
Để tạo dựng tên tuổi, kiếm tiền, câu view, không ít người nghĩ ra đủ trò ma mãnh, quỷ quái, bịa chuyện để thu hút sự chú ý vào bản thân. Để đến khi bị chỉ trích vì quá lố, ai cũng viện lý do chỉ là mạng ảo, lời nói ảo, hành động ảo, cớ sao lại cứ nghiêm trọng hóa vấn đề.
Nhưng, chúng ta đều hiểu rằng mạng ảo nhưng tác động luôn là thật. Khishvand có thể coi chụp ảnh theo phong cách “xác sống” là sở thích cá nhân nhưng đối với một quốc gia trọng đạo đức, lễ nghi như Iran, đó là điều không thể chấp nhận. Pháp có quốc pháp, gia có gia quy, ở đâu phải theo vậy.
Mới đây, cộng đồng mạng và cả ngoài đời thực cảm thấy phẫn nộ trước những lời lẽ được coi là sai sự thật về gia đình cố nghệ sỹ Chí Tài của Duy Nguyễn - một thanh niên làm việc trong lĩnh vực thể dục, thể hình ở TP. Hồ Chí Minh. Trong lúc tang lễ đang diễn ra, người này đã livestream phán xét những điều liên quan đến cố nghệ sỹ Chí Tài theo hướng tiêu cực, khiến người thân, đồng nghiệp và người hâm mộ của danh hài đã khuất cảm thấy phẫn nộ. Sau đó, Duy Nguyễn đăng tải một video gửi lời xin lỗi và nhận sai khi có những bình luận không phù hợp.
Đã có những tranh cãi về hành động của Duy Nguyễn. Người thì cho rằng đó là tự do cá nhân trong việc phát biểu ý kiến và các đồng nghiệp của cố nghệ sỹ đã làm quá khi đến tận nơi để gây áp lực với thanh niên này. Nhưng ý kiến khác cho rằng những lời nói như vậy là không có căn cứ, là xúc phạm, báng bổ giữa lúc tang gia bối rối.
Có thể thấy rằng Duy Nguyễn đúng là có quyền phát ngôn tự do và việc các nghệ sỹ đến tận nơi gây sức ép đối với thanh niên là điều hơi thái quá, hay bị coi là “hung dữ” – tương phản với tính lành của người làm nghệ thuật. Nhưng nhìn đi nhìn lại, ai cũng có cái sai. Duy Nguyễn sai khi không lường trước được những lời nói của mình có tác động thế nào trên thế giới ảo.
Nếu như thanh niên này chỉ nói trong các cuộc nói chuyện phiếm ngoài đời, với vài người bạn biết với nhau, câu chuyện lại trở thành một nhẽ khác. Nhưng khi bước vào thế giới mạng, anh ta cần hiểu rằng bản thân đang trong một cuộc chơi có những quy tắc, giới hạn và những yếu tố khác cần tuân thủ, nếu không muốn phải trả giá. Đó là bài học cho tất cả mọi người, khi chúng ta không phân biệt đâu là ranh giới giữa thế giới thật và ảo.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.