10 ngày, Rạng Đông mới gõ vội được dòng xin lỗi. Nhưng công ty ưu tiên xin lỗi chính quyền vì gây phiền hà trước, còn người dân mà họ “gây độc” thì để ở vế sau.
Hơn 10 ngày sau vụ hỏa hoạn, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông mới gửi thư xin lỗi tới chính quyền các cấp, lực lượng phòng cháy chữa cháy, người dân vì đã làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Một lời xin lỗi muộn màng, đáng trách và chắc hẳn không thể khiến khuôn mặt người dân hai phường Thanh Xuân Trung, Hạ Đình thôi nhăn lại vì hít nhiều khói, nở nụ cười xòa thông cảm cho công ty có tuổi đời hơn nửa thế kỷ.
Người ta hay nói ôi dại gì mà chia nửa trái tim để nhận về mình cả triệu mối tơ vò, ấy thế mà cả tỷ người trên hành tinh này cứ thích như vậy, cứ thích phiêu lưu và quẩn quanh. Có người tìm thấy lối thoát, nhưng cũng có người cả đời đắm chìm trong mê cung quờ quẫn.
Sau 10 ngày thập thò, nghe ngóng, thậm chí chối bỏ rằng khói từ vụ hỏa hoạn không gây ra ô nhiễm, lần này Rạng Đông mới chính thức thừa nhận thứ chất độc mà họ thải ra đang vây bủa quận Thanh Xuân.
Còn nhớ, khi người dân lo ngại về khí độc ảnh hưởng sức khỏe sau vụ cháy, Rạng Đông từng lên tiếng trấn an rằng họ đã thay thế thủy ngân bằng một vật liệu khác, “rất an toàn”, kể cả khi cháy cũng không gây ảnh hưởng đến con người.
Nhưng đến khi cơ quan chức năng công bố kết quả quan trắc sau vụ cháy, những số liệu rành rành ra đó, Rạng Đông mới lại bẽn lẽn thừa nhận sự cố của mình thực sự có ảnh hưởng đến môi trường.
Rạng Đông hình như đang giỡn mặt người dân? Thật sự khó hiểu. Công ty này coi thường tính mạng con người vô giá trị đến nhường nào mà để đến lúc người dân hít trọn khí độc trong buồng phổi rồi thì mới thừa nhận là vụ hỏa hoạn độc hại thật sự?
Thậm chí, lời xin lỗi của họ cũng suông như nước lọc. Người dân đã giúp Rạng Đông làm sạch không khí bằng cách “hít khí độc” rất truyền thống, cần gì phải nhờ đến chuyên gia nước ngoài hay Binh chủng Hóa học đến tẩy độc. Vậy mà người dân chẳng được chút thù lao nào khi bán sức khỏe của mình cả.
Một công ty giá trị hàng nghìn tỷ, lợi nhuận hàng năm đến vài trăm tỷ mà chỉ xin lỗi suông bằng nước bọt, thậm chí có cái phích nước, bóng đèn của nhà trồng được mà cũng chẳng cho người dân cái nào.
Tại sao Rạng Đông phải mất đến 10 ngày để nói lời xin lỗi. Nếu xét trên khía cạnh xử lý khủng hoảng truyền thông, công ty này rõ ràng đã có một hướng giải quyết tồi tệ.
Nhưng tôi tin với một công ty ăn nên làm ra, gắn mác “nghìn tỷ” như vậy thì giới lãnh đạo Rạng Đông cũng chẳng cần ai dạy cho bài học về xử lý khủng hoảng cả.
Có chăng đó là một sự cố tình lờ đi, đến khi mọi việc vỡ lở mới gõ vội dòng văn bản xin lỗi chứa đầy nỗi niềm giả vờ.
Nếu cảm thấy lo lắng và cảm thấy trách nhiệm với người dân hai phường Thanh Xuân Trung, Hạ Đình ngay từ đầu, dù kể cả cảm thấy tình hình không có gì nguy hiểm, ban lãnh đạo Rạng Đông cũng nên đưa ra những cảnh báo cẩn trọng một cách lo xa hơn, đúng với tầm nhìn xa trông rộng của họ.
Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, xác định là có ảnh hưởng đến sức khỏe, Rạng Đông mới lại hớt hải xin lỗi với hứa khắc phục hậu quả.
Một sự lờ đi khá tính toán!
Phải chăng Rạng Đông biết rõ ảnh hưởng đến môi trường như thế nào nhưng cố tình ỡm ờ để mọi chuyện chìm xuồng? Phải chăng nếu chính quyền không làm rõ sự việc, họ sẽ phủ nhận tất cả?
Nếu vậy thì “Rạng Đông” chả xứng với cái tên đầy tỏa sáng của công ty.
Trong lá thư xin lỗi của mình, Rạng Đông nói xin lỗi vì đã gây phiền hà đến chính quyền. Đó là một lời xin lỗi vô cùng cần thiết. Bởi nếu vụ hỏa hoạn là một thảm họa thiên nhiên, công ty có thể được châm chước. Nhưng sự cố đến từ lỗi sơ ý do con người thì lại là vấn đề khác.
Một vụ cháy nhưng lại khiến hàng trăm người từ quan chức, chuyên gia, lực lượng chữa cháy phải lao tâm khổ tứ, mệt mỏi. Với đặc tính phức tạp của vụ việc, mỗi người trong số họ đều mang từ Rạng Đông về những mối tơ vò khác nhau. Người lo khắc phục hậu quả, trấn an dư luận. Người lo lắng về sức khỏe của mình khi tham gia chữa cháy.
Tất nhiên, chính quyền Hà Nội xứng đáng nhận một lời xin lỗi. Nhưng đáng chú ý hơn, có một chi tiết mà lá thư xin lỗi của ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông khiến cho người dân chẳng muốn thông cảm, thậm chí còn bức xúc hơn.
Khói độc sau vụ cháy ảnh hưởng trực tiếp đến ai? Hậu quả của nó nghiêm trọng nhất đối với ai? Là dân!
Vậy tại sao trong lá thư của mình, Rạng Đông lại xin lỗi vì gây phiền hà cho chính quyền, người lính cứu hỏa trước tiên, rồi mới đến người dân?
Phải chăng Rạng Đông coi việc làm phiền người khác khắc phục tội lỗi của mình quan trọng hơn việc trấn an những người mà họ đã lừa dối?
Hay Rạng Đông cố tình để lời xin lỗi người dân ở sau cùng để làm nhẹ đi vấn đề và phủ trách nhiệm của mình, coi đó chỉ là một sự cố không may, ảnh hưởng sức khỏe chỉ là yếu tố bên lề?
Mà ngay cả lời xin lỗi chính thức, Rạng Đông cũng một lần nữa cho thấy sự vô trách nhiệm của mình, khi không hề nêu rõ ảnh hưởng của vụ cháy đối với môi trường và người dân cụ thể như thế nào. Thậm chí, có thông tin còn cho rằng, khi người dân phản ánh quá gay gắt, công ty mới đưa ra lời xin lỗi.
Điều người dân cần không phải lời xin lỗi “nước lọc”, cũng không phải ham hố cái bóng đèn, phích nước như câu nói đùa ở trên. Điều 1000 người dân vừa lên viện kiểm tra sức khỏe sau vụ cháy cần từ Rạng Đông là một hành động chân thành trên thực tế.
Đó là thăm hỏi, hỗ trợ bằng tiền mặt, cung cấp dịch vụ cần thiết cho những người dân bị ảnh hưởng bởi không khí độc. Và hơn cả, một tuyên bố trấn an từ ông Nguyễn Đoàn Thăng: “Hỡi người dân, chúng tôi sẽ làm tất cả để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của mọi người. Kể cả có giải thể công ty này”.
Với trường hợp của Rạng Đông, người ta lại nhớ đến câu nói vui: Nếu cái gì cũng xin lỗi được thì cần gì đến công an?
Tương tự, xin lỗi mà cái lá phổi đen sì vì ám khói kia lại trắng sáng như bóng đèn Rạng Đông thì chúng tôi – những người dân Thanh Xuân Trung, Hạ Đình - cần gì đến bác sĩ?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả