Lời xin lỗi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng không nói được!

Khi những mảnh ghép cuối cùng của bê bối gian lận điểm thi tại Hoà Bình, Sơn La, Hà Giang dần lộ sáng, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cảm thấy "rất đau lòng và không thể chấp nhận những cán bộ, viên chức ngành giáo dục bị kết luận là có hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh". Nhưng tuyệt nhiên, ông vẫn chưa nói lời xin lỗi!

img
img

Suy cho cùng, người ta chỉ có thể bắt đầu bằng việc dũng cảm nhận sai mới có thể sửa sai!

Sau bao nhiêu ngày tháng lặng im, cuối cùng vị Tư lệnh ngành cũng chính thức lên tiếng thể hiện sự đau lòng của mình trước bê bối của ngành giáo dục cứ mỗi ngày phá vỡ thêm những kỷ lục mới: "Thi cử phải nghiêm túc, kết quả thi phải đảm bảo trung thực, khách quan. Tôi rất đau lòng và không thể chấp nhận những cán bộ, viên chức ngành giáo dục bị kết luận là có hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh".

Thủ khoa nâng điểm, Á khoa sửa điểm, điều đáng bức xúc hơn chính là việc những thí sinh được nâng điểm lại là con em cán bộ trong ngành giáo dục.

Đúng! Phải lên tiếng, việc lên tiếng của Bộ trưởng dù sớm hay muộn nhưng cũng ít nhiều giải toả bức xúc của dư luận, của phụ huynh, của những thí sinh thực sự đã bị mất trắng cơ hội được có mặt tại giảng đường đại học hằng mơ ước.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc "đau lòng" thì có lẽ vị Tư lệnh ngành kia vẫn chưa được tròn vai trên "sân khấu" Giáo dục.

Cán bộ, viên chức, thí sinh dính dáng tới gian lận thi cử là chuyện đau lòng. Giấc mơ đại học của hàng trăm thí sinh đã bị những người có tiền, có quyền, có quan hệ bằng cách nào đó tước đoạt đi là chuyện đau lòng.

Tôi thiết nghĩ hai tiếng “đau lòng” thật đáng để suy nghĩ.

Thưa Bộ trưởng, tiền bạc vật chất có thể làm nên mộng mị, song thời gian và cơ hội cho thanh xuân thì chẳng bao giờ có thêm lần nữa.

Có biết bao nhiêu thí sinh “được đổi đời” trước cánh cổng trường đại học? Ngài có nhìn thấy những ánh mắt bất lực của các em khi phải quyết định buông tay chỉ vì "thiếu 0,25 điểm", vì những kẻ có tiền có quyền làm cách nào đó khiến những con số nhảy múa trên phiếu báo danh?

Ai sẽ là người trả lại niềm tin cho các em?

Không nói, ai cũng biết Bộ trưởng "rất đau lòng" bởi những sai phạm tày đình của kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, trước "căn bệnh" bê bối giáo dục biến chứng mạnh nhất từ trước đến giờ.

Bộ trưởng đau một thì "con dân" đau mười!

Thế nhưng trên cương vị của người cầm quân, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước bê bối giáo dục ngày một bị khoét sâu thêm nhiều tình tiết mới.

Chẳng lẽ lời xin lỗi Bộ trưởng cũng không nói được, một lời xin lỗi khó khăn đến thế sao trong khi lời xin lỗi luôn được tôn trọng và đón nhận?

Điều người dân chờ đợi ở người đứng đầu ngành Giáo dục, đó không chỉ là lời xin lỗi mà là hành động quyết liệt của ông.

Bộ trưởng nói sẽ "công khai, minh bạch, có trách nhiệm giải trình với xã hội", Bộ trưởng mong mỏi biết bao người dân cả nước sẽ "đồng hành, giám sát".

Thế nhưng Bộ trưởng nghĩ gì khi ngay cả điều tối thiểu nhất là tên tuổi, địa chỉ của những kẻ gian lận lại được công bố bởi báo chí, trong khi Bộ còn đang bận khoác chiếc áo "nhân văn", hòng che đậy sự thật đầy nghiệt ngã đằng sau những bảng điểm gian lận?

Tôi thiết nghĩ cần phải thẳng thắn nhìn lại thực trạng của một nền giáo dục vốn nhiều khe hở, nhìn lại những con sâu đang cố quẫy đạp trong thế giới bị buông lỏng quản lý để chúng có cơ hội làm liều.

Thưa Bộ trưởng, một lời xin lỗi thẳng thắn, chân thành dù không thay đổi được những gì đã diễn ra nhưng chắc chắn nó là một cam kết, một lời hứa đảm bảo sẽ không bao giờ tái phạm lần thứ hai!

Hay chăng, lời xin lỗi của ngài đang bị cản trở bởi nỗi lo vô hình về gánh nặng trách nhiệm mà ngài phải mang?

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

img