Philippines "nhún mình" xin lỗi
Đài Loan tỏ ra hết sức tức giận khi một ngư dân nước này bị lực lượng cảnh sát biển Philippines bắn chết. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Đài Loan liên tiếp đưa ra những đe dọa trả đũa bằng những hành động cụ thể như đình chỉ hoạt động xuất khẩu lao động Philippines sang Đài Loan, rút đại diện của chính quyền ở Philippines, và đề nghị đại diện của Philippines ở Đài Bắc về nước, tạo sức ép lên Philippines, buộc nước này phải có lời giải thích và ít nhất là một "lời xin lỗi".
Theo hãng tin CNA của Đài Loan, mặc dù Đại sứ Antonio Basilio đã tới thăm gia đình ngư dân Hung và tỏ lời chia buồn và xin lỗi nhưng phía Đài Loan dường như vẫn không chấp nhận lời xin lỗi này. Một làn sóng phẫn nộ đòi trừng phạt những người Philippines gây ra vụ việc vẫn tiếp tục dâng cao ở Đài Loan. Trước khi cuộc họp kín diễn ra, người Đài Loan đã giận dữ biểu tình trước cửa văn phòng đại diện của Philippines tại Đại Bắc để phản đối hành động nổ súng vào ngư dân của cảnh sát biển Philippines. Người dân Đài Loan không chỉ tập trung biểu tình thông thường, họ còn giận dữ đốt cờ Philippines tại Đài Bắc. Không những vậy, giới tin tặc Đài Loan còn tập kích các website chính phủ Philippines, làm tê liệt website của Tổng thống Benigno Aquino III. Để đáp lại cho hành động này, giới tin tặc Philippines đã tấn công website của lãnh đạo Mã Anh Cửu, các cơ quan phòng thủ, kinh tế và lực lượng tuần duyên.
Sau sự việc ngư dân Hung bị bắn chết, quan chức Quốc phòng Đài Loan Dương Niệm Tổ đã lập tức phái một chiến hạm Hải quân cùng ba tàu tuần tra của cảnh sát biển ra vùng biển gần Philippines để bảo vệ các ngư dân của họ hoạt động trong các vùng biển thuộc Đài Loan được an toàn. Thậm chí, tình hình căng thẳng tới mức Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã phải ra mặt kêu gọi "Đài Loan xử lý sự việc trên cơ sở bình tĩnh vì quyền lợi của cả hai bên". Theo các nhà phân tích, việc Tổng thống Aquino phá vỡ sự im lặng, công khai nói về vụ bắn chết ngư dân cho thấy Manila đang cân nhắc tầm nghiêm trọng của sự việc lần này.
Người thân của ngư dân thiệt mạng trong vụ Cảnh sát biển Philppines nổ súng vào tàu cá Đài Loan.
Thận trọng
Không khoanh tay đứng nhìn căng thẳng giữa Đài Loan và Philippines, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng lên tiếng kêu gọi Philippines nhanh chóng "điều tra kỹ lưỡng vụ việc và cung cấp các chi tiết liên quan". Trong khi đó, ngay sau vụ nổ súng xảy ra, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh gần như ngay lập tức lên án Philippines và bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với Đài Loan. Các chuyên gia cho rằng, sự "sốt sắng" thái quá này của Trung Quốc chắc chắn có mục đích riêng. Họ cũng phân tích tình hình hiện tại, nếu căng thẳng Đài Loan và Philippines leo thang thành xung đột, tất nhiên Trung Quốc sẽ đứng về phía Đài Bắc. Đương nhiên, Trung Quốc sẽ hỗ trợ Đài Loan một cách thận trọng, tránh bị coi là lợi dụng vụ việc để thúc đẩy thống nhất Đài Loan về một mối. Chuyên gia về quan hệ với Đài Loan của viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, ông Li Jiaquan nhận định, Bắc Kinh sẽ hoàn toàn ủng hộ Đài Loan trừng phạt Philippines.
Ông Li cho rằng, sự ủng hộ của Trung Quốc sẽ giúp Đài Loan vốn "yếu ớt và phụ thuộc vào Mỹ" xích lại gần Bắc Kinh hơn, làm tăng thêm những "tình cảm tích cực giữa hai phía trong một nỗ lực chung chống lại sự xâm nhập của nước ngoài". Không dừng lại ở đó, các học giả, các nhà hoạt động Trung Quốc cũng nhân cơ hội hiếm có này kêu gọi Đài Loan góp sức trong cuộc chiến giành chủ quyền trên Biển Đông cũng như biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, Trung Quốc càng "nhiệt tình" bao nhiêu, phía Đài Loan càng tỏ ra cảnh giác bấy nhiêu. Một quan chức Đài Loan cho biết: "Cho tới hiện tại, chúng tôi chưa có một buổi làm việc chính thức nào với Trung Quốc đại lục về vấn đề này để tìm ra phương hướng giải quyết". Ông này cũng cho hay, lâu nay, cả hai bên Đài Loan và Philippines đều cố gắng thảo luận nhằm cùng đạt được một thỏa thuận ngư nghiệp nhưng họ đều gặp phải trở ngại lớn là thái độ của Trung Quốc, luôn yêu cầu các nước khác phải tôn trọng chính sách "một Trung Quốc" (Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình).
Thế nhưng, một thực tế rõ ràng, Đài Loan không hề muốn "dựa dẫm" vào Bắc Kinh mà muốn tự khẳng định tiếng nói trên Biển Đông, muốn đàm phán đàng hoàng với Philippines như đã từng đàm phán thành công hiệp định thiết lập khu vực đánh bắt cá chung trong vùng biển quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông với Nhật Bản hồi tháng 4 vừa qua. Tương tự như vậy, Đài Loan mong muốn đàm phán với Philippines để lập một thỏa thuận ngư nghiệp, tạo vùng đánh bắt cá chung giữa hai bên.
Cũng trong dịp này, giới học giả Đài Loan cũng lên tiếng "nhắc" chính quyền cần tỉnh táo, tránh bị lung lay. Hiện tại, Đài Loan đang là một đồng minh của Mỹ và cũng có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ như Philippines. Không ngoài phán đoán của các chuyên gia, Washington cũng không thể ngồi yên khi thấy hai đồng minh của mình căng thẳng nên đã lên tiếng yêu cầu hai bên "kiềm chế các hành động khiêu khích". Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaky bày tỏ: "Chúng tôi lấy làm tiếc cho cái chết bi thảm của một chủ tàu cá Đài Loan hôm vừa rồi. Chúng tôi đã liên lạc với Chính phủ Philippines và các nhà chức trách Đài Loan liên quan đến vụ việc này. Chúng tôi rất hoan nghênh cam kết của Chính phủ Philippines về việc tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và minh bạch".
"Tối hậu thư" thứ hai Phát ngôn viên của lãnh đạo Mã Cửu Anh, bà Lee Chia-fei nhấn mạnh, Đài Loan cần lời xin lỗi chính thức xuất phát từ "người dân Philippines" chứ không phải chính phủ, vì chính các lực lượng bảo vệ bờ biển đã bắn ngư dân. Bà Lee tuyên bố: "Nếu chính phủ Phillipines không thỏa mãn các yêu cầu của chúng tôi, chúng tôi sẽ thực hiện một loạt các biện pháp trừng phạt thứ hai". Nhiều người cho rằng, đây chính là "tối hậu thư" thứ hai của Đài Loan dành cho Philippines, bất chấp lời xin lỗi từ ông Basillo sau cuộc họp kín với Ngoại trưởng Đài Loan David Lin. |
An Mai (Theo Chinapost AFP)