Người xưa có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua”, lại cũng có câu “lời nói gói vàng”. Giá trị đắt đỏ của lời nói không nằm ở địa vị, tiền bạc mà nằm ở trí tuệ và đức khiêm cung. Và, lời xin lỗi ý nghĩa hơn khi người xin lỗi là một Thứ trưởng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn lên tiếng về chuyện đoàn xe biển xanh dừng trên cầu Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình.
Mới đây, lần hiếm hoi người dân Việt được nghe một “lời nói gói vàng” từ một vị quan Thứ trưởng. Gọi nó là “gói vàng” vì nó thực sự hiếm, “đắt” và “có giá”. Lâu nay được nghe một vị quan xin lỗi đã khó. Xin lỗi mà không vòng vo, thanh minh giải thích, không đổ lỗi cho cấp dưới, cho hoàn cảnh khách quan lại càng khó hơn.
Ấy thế mà vị Thứ trưởng này đã làm được.
Chuyện là trước đó, trên mạng xã hội ồn ào bình luận về hình ảnh 4 chiếc xe biển xanh dừng đỗ trên cầu Nhật Lệ 1 (Quảng Bình) vào đúng giờ tan tầm buổi trưa gây ùn tắc. Bốn chiếc xe đỗ hồn nhiên để một đoàn cán bộ sơ mi cổ cồn từ trong xe bước ra, đứng bên lan can cầu giơ điện thoại chụp hình. Và nhanh như… cư dân mạng, 4 chiếc xe lập tức được tra ra tung tích, 1 trong 4 chiếc chở Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn.
Dư luận vốn khắc nghiệt và cũng như một “quan tòa” phán xử những hành vi phản cảm, đặc biệt với các vị chức sắc có hành vi không bình thường. Người dân luôn đặt nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít lần thất vọng. Lần này, cơn phẫn nộ của dư luận nhanh chóng được dập tắt, chỉ bằng một lời nói.
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đã nói lời xin lỗi, không qua người phát ngôn của Bộ, không qua văn bản giấy tờ, hay đánh tiếng riêng qua báo chí. Ông xin lỗi trực tiếp trong một hội nghị có cả trăm người tham dự, với sự hiện diện của truyền thông. Ông thẳng thắn thừa nhận: “Hôm qua đến nay có một số thông tin báo chí nói về chủ đề một số xe biển xanh đi trên cầu Nhật Lệ, trong đoàn xe có tôi”. Ông tự phê bình hành vi của mình: “Đây là xe công vụ anh em đi làm nhưng có một sơ suất là dừng đỗ xe trên cầu Nhật Lệ vào thời điểm đó”. Và ông nhận toàn bộ trách nhiệm, đồng thời xin lỗi thay cho các đồng nghiệp cấp dưới: “Tôi thay mặt đoàn gửi lời xin lỗi đến bà con nhân dân tỉnh Quảng Bình, mong bà con thứ lỗi”.
Sẽ có người nói: Cứ làm sai rồi xin lỗi là xong ư?
Đúng, xin lỗi không có nghĩa là xong. Nhất là những lời xin lỗi cho có, xin lỗi để xoa dịu dư luận, xin lỗi “chót lưỡi đầu môi”, lời nói ra không có chút trọng lượng, gió thổi bay đi.
Nhưng cũng có những lời xin lỗi nặng tựa ngàn cân, đáng giá ngàn vàng, khiến người nghe thấy được thuyết phục và tin tưởng.
Sự khác biệt nằm ở tính chân thành. Lời xin lỗi dù có hoa mỹ đến đâu, giỏi “lựa” nhường nào mà thiếu sự chân thành cũng chẳng khiến ai cảm động. Ngược lại, lời xin lỗi dù vụng về, lúng túng mà cái tâm kính cẩn, khiêm nhường thì ai ai cũng thấy “vừa lòng”. Cùng là lời nói chẳng mất tiền mua, nhưng một cái là chì là đá, một cái là bạc là vàng, cách nhau chỉ bởi thái độ biết sai. Người biết mình sai và dám nhận sai thì nhất định sẽ sửa sai.
Lâu nay dân ít khi nghe quan xin lỗi. Nếu có cũng thường là những lời xin lỗi trong phòng xử án. Xin lỗi muộn, dù có từ đáy lòng thốt ra, cũng không còn cơ hội để sửa sai nữa. Họ đã không xin lỗi sớm hơn, một phần vì họ không nhận ra được cái sai của mình sớm, một phần vì họ nghĩ họ ở trên cao, không thể dễ dàng hạ mình cúi đầu nhận sai với người dân.
Nhưng, vị Thứ trưởng Bộ Xây dựng kia đã làm ngược lại. Chuyện dừng đỗ xe sai quy định làm tắc đường hẳn sẽ được nhiều vị quan tặc lưỡi cho qua, xem như mấy thứ ồn ào thị phi, coi dư luận rẻ mạt không đáng quan tâm, nghe chuyện đàm tiếu của người đời như nước đổ lá khoai.
Nhưng, ông Toàn đã không xem đó là chuyện vặt vãnh, nhỏ nhặt. Bởi có lẽ ông thấu tỏ rằng, phẩm giá của một con người nói chung và một vị quan nói riêng hiển hiện qua những điều nhỏ nhặt ấy. Người nhận lỗi sai nhỏ sẽ sửa được lỗi sai nhỏ. Lỗi sai nhỏ được sửa thì sẽ không có lỗi sai lớn xảy ra.
(Người dám xin lỗi từ cái lỗi cỏn con, nhất định sẽ cẩn trọng trước những lạc lầm to lớn. Người mà sẵn sàng cúi đầu trước dân lành, nhất định sẽ thẳng lưng trước cái bất thiện. Nên một lời xin lỗi, một cái cúi đầu không làm người ta bé mọn mà chỉ giúp người ta thêm phần ngay ngắn.
Cuộc đời mỗi người sẽ đi qua rất nhiều sai lầm. Sự nghiệp chính trị của một chính khách cũng không ngoại lệ. Họ sẽ ghi tên mình vào bia đá hay bia miệng không chỉ dựa vào đếm công hay đếm tội mà còn phụ thuộc vào cách họ ứng xử với những sai lầm của bản thân.
Người dân có niềm tin vào những vị quan biết nhận sai kịp thời vì điều đó có nghĩa lỗi sai sẽ được sửa chữa kịp thời. Chỉ mong rằng, sau Thứ trưởng Toàn, người dân sẽ còn được nghe những lời xin lỗi khác, khi mà ai đó trót làm điều không phải. Đối diện với sự thật, có lúc cần ngẩng cao đầu nói lời tạ lỗi. Bởi ai cũng có thể mắc sai lầm…
Xin lỗi và cảm ơn là hai việc mà người lớn vẫn thường dạy trẻ nhỏ mỗi ngày, không lẽ nào càng làm to, càng lên cao lại càng không thể thực hành được những điều tử tế đơn giản ấy.
Lê Anh