Lớp 1 “cõng” 23 đầu sách và sáng kiến “Ngày không cặp sách”

Trong nền giáo dục của nhiều quốc gia, mục tiêu hàng đầu được hướng đến với học sinh lớp 1 chỉ là các hoạt động giải trí, thư giãn, kỹ năng thực tế và sự thể hiện bản thân. Tuy nhiên, ngược lại, khó có thể tưởng tượng, học sinh lớp 1 ở ta đang “cõng” tới 23 đầu sách.

img

Câu chuyện bản danh sách với 23 đầu sách giáo khoa cho học sinh tiểu học ở nước ta sở dĩ gây bức xúc trong dư luận không đơn giản chỉ bởi giá tiền 800.000 đồng/bộ sách khiến phụ huynh “khóc ròng”. Bộ sách dày cộp này là minh chứng rõ ràng cho vấn đề nhức nhối trong giáo dục hiện nay: Căn bệnh nhồi nhét quá lớn kiến thức và xem nhẹ việc bồi dưỡng kỹ năng sống cho con trẻ.

Lâu nay, khi chưa có bộ sách tới 23 đầu sách giáo khoa, những đứa trẻ vừa bước qua tuổi mẫu giáo đã khốn khổ vì phải “còng lưng” đeo cặp nặng. Giờ đây, với đủ các loại sách mà có khi đến người lớn cũng không nhớ nổi hết tên, không hiểu những đứa trẻ sẽ phảigồng gánh chiếc cặp “siêu to khổng lồ”ra sao khi tới trường? Mang sách còn không nổi, lĩnh hội sao cho hết mớ kiến thức “khủng” ấy?

img

Những đứa trẻ còng lưng vì cặp sách. Ảnh minh họa

Ở độ tuổi lên 6, việc học quá nhiều hẳn nhiên là bất lợi. Với một đứa trẻ vừa bước từ trường mẫu giáo sang lớp 1, chữ chưa đọc thạo, tâm lý còn chưa quen, quá nhiều đầu sách không những khiến học sinh không thể phân biệt được đâu là sách gì với sách gì mà thậm chí còn có nguy cơ gây khủng hoảng tâm lý trầm trọng, gây sốc tâm lý. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển tự nhiên của một đứa trẻ.

Dù cho việc phát hành tới 23 đầu sách cho trẻ lớp 1 là sự ấu trĩ giả như có lợi ích nào đó của những đơn vị có liên quan kiểu như bán càng được nhiều hoa hồng được hưởng càng cao, thì ép trẻ mua và dùng nhiều sách quá sớm đều là tàn nhẫn.

Hãy nhìn những đứa trẻ mắt lồi vì cận thị, kính to hơn mặt. Hãy nhìn những đứa bé còng lưng đeo những chiếc cặp “nuốt” hết cả người. Những khuôn mặt ngơ ngác, những ánh mắt mỏi mệt... Còn đâu niềm vui ngây thơ của những em bé vui nhảy chân sáo đến trường.

Không phải kiến thức, điều mà học sinh lớp 1 cần hơn đó là những tiết học “học mà như chơi” như tăng cường hoạt động phát triển thể chất, sự tự lập, cách tự biết chăm sóc, bảo vệ bản thân mình trước những kẻ xấu…

Đây cũng chính là mục tiêu hướng đến với học sinh lớp 1 nói riêng và bậc tiểu học nói chung của hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới mà trong đó Phần Lan là một điển hình. Ở đất nước này, các hoạt động buổi sáng và buổi chiều cho học sinh lớp 1 -2 thường chỉ bao gồm các hoạt động giải trí thư giãn (thường là thể thao hoặc các kỹ năng thực tế, khả năng diễn tả bản thân qua lời nói và hình ảnh, âm nhạc, công việc lặt vặt hàng ngày và kiến thức trong các lĩnh vực khác).

Về kiến thức, học sinh tiểu học ở đây chỉ được chú trọng việc đọc thông thạo. Chuyện tổ chức thi cử cho học sinh tiểu học là điều hiếm thấy ở đây. Giáo viên sẽ đánh giá học sinh theo năng lực phát triển của chúng chứ không so sánh với các học sinh khác.

Tương tự, ở Canada, học sinh lớp 1 cũng được đề cao việc học kỹ năng, thư giãn hơn học chữ. Sách vở trẻ học hoàn toàn có thể mượn từ thư viện nhà trường. Điều mà bố mẹ chuẩn bị cho con trước khi vào năm học đơn giản chỉ là dụng cụ học tập, đồ ăn vặt và cơm trưa cho bé.

Ảnh hưởng không tốt mà những chiếc cặp sách nặng gây ra cho học sinh nhỏ tuổi là bài học được nhiều nước rút ra. Năm ngoái, chính quyền bang Manipur, Ấn Độ thi hành “ngày đi học không cặp sách” vào thứ Bảy hàng tuần cho học sinh từ lớp 1 đến 8 tại tất cả trường công và tư. Học sinh được tham gia hoạt động ngoại khóa, trò chơi thể thao, giải trí và làm cho trường học trở thành nơi học tập vui vẻ hơn vào tất cả thứ Bảy.

Chính sách mới được thực hiện từ ngày 4/9, sau khi Sở Giáo dục bang Manipur xem xét tác động tinh thần, thể chất của việc mang vác cặp sách nặng hàng ngày đến học sinh. Việc đeo cặp nặng gây ra nhiều bất tiện và các vấn đề sức khỏe. Giải thích về quyết định của chính quyền, thủ hiến N Biren Singh nói: "Thế giới đang thay đổi quá nhanh và chúng ta phải trao cho trẻ em một chút tự do".

Trẻ em, bao giờ cũng vậy, thuận theo tự nhiên nên được học mà chơi, chơi mà học. Điều này chưa bao giờ lỗi nhịp.

Vũ Thu Hương

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin Pháp Luật.

img