Đã từ lâu chúng tôi được nghe kể nhiều về lớp học tình thương của đôi vợ chồng nghèo, anh A Kâm (30 tuổi) và chị Y Thoan (27 tuổi) tại làng Kon Ktu, xã Đăk Rơ Wa, TP.Kon Tum. Dù cuộc sống của hai vợ chồng còn nghèo khó nhưng vì sự đam mê, nhiệt huyết được đứng trên bục giảng, anh chị đã gõ cửa từng nhà vận động các em nhỏ trong làng đến với lớp học miễn phí của mình để học cái chữ.
Tháng Mười, trời Tây Nguyên đang nắng bỗng đổ mưa rào báo hiệu một mùa mưa chớm đến. Trận mưa khiến chặng đường chúng tôi đến làng Kon Ktu thêm gian nan bởi những "ổ gà" lênh láng nước. Căn nhà của vợ chồng anh A Kâm nằm ở ngoại ô TP.Kon Tum, nơi có dòng sông thơ mộng Đăk Bla uốn quanh.
Chúng tôi đến sớm nên lớp học chưa bắt đầu. Lúc chúng tôi đến, trước hiên nhà đám trẻ con đang ríu rít nô đùa. Trong khoảng sân nho nhỏ là vài bộ bàn ghế gỗ đơn sơ, hai tấm bảng được treo ở hai góc còn in nét phấn của buổi học hôm trước.
Sau một ngày miệt mài lao động trên rẫy, anh chị vội trở về nhà thực hiện công việc giảng dạy cho đám trẻ làng. Khi mặt trời dần khuất núi cũng là lúc lớp học tình thương bắt đầu.
Đang mải ngắm lớp học thì ngoài đường đám trẻ con bất chợt hò reo trong sự vui mừng. Không cần giới thiệu cũng có thể biết đám nhỏ vui vì thầy cô đã về đến nhà. Trước mắt chúng tôi, anh A Kâm và vợ trong bộ quần áo lao động lấm lem, mặt đẫm mồ hôi, trên vai mỗi người quàng theo cái quốc. Khẽ nở nụ cười chào khách, anh chị vội buông quốc vào một góc nhà, chuẩn bị cho giờ lên lớp.
Thay bộ quần áo lao động, anh chị từ trong nhà bước ra, trên tay mỗi người cầm một quyển sách giáo khoa ra hiệu cho đám học trò ổn định chỗ ngồi. Một buổi học như thường lệ chính thức bắt đầu. Chồng đứng ở góc trên, vợ đứng góc dưới say sưa truyền lửa cho đám học trò nghèo. Lớp học gần 40 học sinh chia làm đôi, những tiếng ê a bắt đầu vang vọng.
Tranh thủ giờ giải lao, chúng tôi mới có dịp trò chuyện với vợ chồng anh giáo làng. Trò chuyện với chúng tôi, anh A Kâm chia sẻ: "Năm 2014, mình tốt nghiệp trường cao đẳng Sư phạm Kon Tum rồi kết duyên cùng vợ, cũng vừa tốt nghiệp trường cao đẳng chuyên ngành mầm non. Thế nhưng, mãi không xin được việc làm nên cả hai vợ chồng đành gác lại ước mơ. Để có tiền trang trải cuộc sống, hai vợ chồng tiếp nối những ngày tháng lên nương, lên rẫy, làm thuê quốc mướn".
"Bẵng đi một thời gian, niềm khao khát được đứng trên bục giảng của cả hai vợ chồng càng cháy bỏng hơn bao giờ hết. Ngày ngày, tôi vẫn thấy đám trẻ con trong làng lăn lóc chơi đùa chẳng quan tâm đến việc học hành. Trên những chặng đường lên rẫy mình nghĩ rồi bàn với vợ mở lớp học miễn phí tại nhà để dạy cái chữ cho đám trẻ. Như thế, kiến thức mình không bị lãng quên lại thực hiện được ước mơ đứng trên bục giảng và đám trẻ con trong làng có thêm kiến thức. Hai vợ chồng tâm đầu ý hợp lên kế hoạch mở lớp học tình thương".
Nói đến đây, anh A Kâm vẻ mặt buồn bã nhớ lại những ngày đầu mở lớp: "Mình đã phải đi gõ cửa từng nhà, vận động từng gia đình cho con em đến lớp học miễn phí. Nhưng, đáp lại tấm chân tình của mình là những cái lắc đầu của người lớn. Đám trẻ con không thiết tha với cái chữ. Chúng thích ra suối bắt con tôm, con cá. Vận động không được, nhiều lần mình cũng thấy nản lòng muốn bỏ cuộc".
Lớp đông học sinh, diện tích sân nhỏ, hai vợ chồng phải phân loại học sinh để chia làm hai lớp và mỗi người đứng một góc sân thực hiện việc giảng dạy.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Y Thoan cười: "Thấy chồng đi vận động bao nhiêu lần không được, trong đầu mình chợt lóe lên suy nghĩ, mua kẹo "dụ" tụi nhỏ đến lớp. Mừng như bắt được vàng, anh Kâm vỗ tay giọng phấn khởi tán dương vợ "đúng, đúng" cách này thật tuyệt". Sáng hôm sau, khi con gà vừa cất tiếng gáy, A Kâm trở dậy mua bánh kẹo để chuẩn bị cho lớp học. Chờ lũ trẻ tan trường về, anh đến từng nhà “mời” các em đi học. Ai đi học sẽ được phát bánh kẹo. A Kâm hào hứng kể: “Nghe thấy có kẹo, tụi nhỏ nhảy cẫng lên sung sướng. Buổi đầu tiên là khai giảng, nên các em không cần mang sách vở, dụng cụ học tập. Khi các em đến, vợ chồng mình sẽ thông báo thời khóa biểu và giờ giấc học tập cho những ngày sau.”Vốn xuất thân là một giáo viên mầm non nên chi Y Thoan có niềm khát khao được đứng trên bục giảng. Dù không xin được việc nhưng nay cả anh và chị đã có được niềm vui riêng ngay tại ngôi nhà của gia đình mình.
Đúng 5h chiều, hơn 30 học sinh đem sách vở đến tập trung trước sân nhà thầy A Kâm.“Lễ khai giảng” được tổ chức gọn lẹ, không có diễn văn, không tiếng trống trường mà chỉ có bánh kẹo và tiếng cười đùa của con trẻ. Chia sẻ về những ngày đầu mở lớp học miễn phí, anh kể: "Khi đã vận động được các em, mình đối mặt với khó khăn thiếu thốn cơ sở vật chất, bàn ghế, dụng cụ học tập. Căn nhà nhỏ hẹp chẳng thể chứa nổi mấy chục con người. Vậy là lớp học phải chuyển ra sân. Những hôm trời mưa, không có mái che, sân trở nên nhớp nháp nên lớp học đành tạm dừng. May mắn khi biết mình mở lớp, 1 nhà hảo tâm đã mua tặng một ít bàn, ghế và bảng phục vụ việc dạy học". Thấy đi học vui hơn ở nhà, nhiều em bắt đầu tìm đến nhà thầy A Kâm theo học. Lớp học của anh giáo làng cứ thế đông dần lên. Có những ngày, nhà A Kâm có đến 60 đứa trẻ từ lớp 1 đến lớp 8. Vợ chồng A Kâm hết xoay bên này giảng bài lại xoay bên kia ra bài tập. Lớp học cứ thế kéo dài đến tối mịt. “Lớp học bắt đầu từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, các môn học chủ yếu là Toán, Văn, Tiếng Anh. Do ban ngày 2 vợ chồng phải đi làm rẫy, làm thuê nên chỉ tranh thủ dạy học từ khoảng 5h chiều đến 7h tối. Bận nhất là thời điểm sắp thi học kỳ, các em lo ôn tập nên học bài rất hăng say. Những hôm ấy, lớp học có thể kéo dài đến tận 9h tối. Vợ chồng mình dạy xong chỉ kịp ăn tô mì tôm chống đói”, chị Y Thoan nói khi chồng vừa quay lại giảng bài cho lũ trẻ. Nhà có vài sào rẫy, vợ chồng Y Thoan hết trồng ngô rồi trồng sắn. Năm 2019, anh A Kâm được bầu làm Phó Chủ tịch mặt trận tổ quốc xã. Tiếng là cán bộ nhưng tiền lương cũng chỉ hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều dựa vào vườn sắn sau nhà. "Thế nhưng, được đứng lớp truyền đạt kiến thức cho học trò là ước mơ cháy bỏng từ bé của mình. Dù khó khăn vất vả thế nào mình cũng cố gắng duy trì lớp học ngày càng đông, phát triển hơn nữa", anh A Kâm nói.Bà Y Khiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết, A Kâm là cán bộ không chuyên trách của xã. Anh là cán bộ trẻ có trình độ, năng lực. Trong công tác, A Kâm luôn hoàn thành nhiệm vụ. Tại địa phương, A Kâm có nhiều đóng góp khi mở lớp học miễn phí giảng dạy cho con em trong làng. Lớp học của vợ chồng A Kâm đã góp phần nâng cao năng lực, chất lượng học tập của học sinh tại địa phương.
H.N