Luật sư nói gì về những “lùm xùm” vụ BOT Cai Lậy thu phí trở lại?

Luật sư nói gì về những “lùm xùm” vụ BOT Cai Lậy thu phí trở lại?

Mai Văn Cường

Mai Văn Cường

Thứ 7, 02/12/2017 16:29

"Mối quan hệ pháp luật trong việc mua vé qua trạm BOT là giao dịch dân sự, chỉ khi có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cơ quan Nhà nước mới có thẩm quyền can thiệp theo luật định”.

Luật sư Trần Đình Dũng, trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM - Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã khẳng định như trên khi trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vụ việc BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) gây xôn xao dư luận.

Sự việc tài xế phản ứng trạm BOT Cai Lậy và cơ quan chức năng ở tỉnh Tiền Giang huy động lực lượng chức năng đến xử lý gây xôn xao dư luận mấy ngày qua, luật sư có nhận xét gì?

Luật sư Trần Đình Dũng: Thông tin trên báo chí cho thấy, không chỉ tài xế mà rất nhiều người khác trong xã hội chia sẻ không đồng tình với việc đặt trạm BOT thu phí trên quốc lộ như trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). Tất cả các hành vi, kể cả của lực lượng cảnh sát được huy động hỗ trợ chống ùn tắc giao thông cũng đều phải hành xử theo quy định pháp luật.

Đối với các tài xế khi dừng xe để mua vé qua trạm, họ phải hành xử trong khuôn khổ hành lang pháp luật. Bản chất pháp luật của việc đưa tiền và nhận vé nó là một giao dịch dân sự giữa bên nhân viên (đại diện cho doanh nghiệp kinh doanh trạm BOT) và tài xế.

Mặc dù, tài xế dừng xe lâu có thể dẫn đến gây ùn tắc giao thông nhưng các quyền dân sự trong giao dịch như dùng tiền mệnh giá thấp, đòi tiền thối, thanh toán qua thẻ… được pháp luật bảo hộ nên không thể xác định đây là lỗi để xử lý. Nhưng lưu ý, nếu các tài xế có hành vi khác như: Cuộn tiền vào chai đưa cho nhân viên trạm, dùng tiền tệ hoặc chi phiếu giao dịch có điều kiện (USD, ERO…) nhằm gây cản trở giao thông… có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Góc nhìn luật gia - Luật sư nói gì về những “lùm xùm” vụ BOT Cai Lậy thu phí trở lại?

Luật sư Trần Đình Dũng, trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM - Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.

Việc lãnh đạo địa phương tỉnh Tiền Giang huy động lực lượng cảnh sát cơ động cùng nhiều lực lượng khác túc trực đông đảo như thế có phù hợp pháp luật không, thưa ông?

Luật sư Trần Đình Dũng: Lực lượng cảnh sát cơ động hoạt động theo điều chỉnh của pháp lệnh cảnh sát cơ động số 08/2013/UBTVQH13 do Quốc Hội thông qua ngày 23/12/2013, cùng các văn bản hướng dẫn, tức không phải tùy tiện điều động lực lượng này mà chỉ trong những trường hợp khẩn cấp luật định.

Ngoài trường hợp hỗ trợ tuần tra theo kế hoạch, bảo vệ mục tiêu và hỗ trợ tư pháp theo yêu cầu của tòa án, Cảnh sát cơ động chỉ được điều động để thực hiện phương án tác chiến chống hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn vũ trang, khủng bố, bắt cóc con tin; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí; giải tán các vụ gây rối, biểu tình trái pháp luật (Điều 7 Pháp lệnh cảnh sát cơ động).

Tôi cho rẳng, địa phương này huy động cảnh sát cơ động cùng nhiều lực lượng đến túc trực tại trạm BOT như mô tả của báo chí là không cần thiết.

Một số trường hợp bị lực lượng cảnh sát thu giữ chứng minh nhân dân, bằng lái, áp giải về trụ sở công an… theo luật sư có đúng luật không?

Luật sư Trần Đình Dũng: Để nhận xét lực lượng cảnh sát thu giữ chứng minh nhân dân, bằng lái, áp giải về trụ sở công an… có đúng luật không, trước hết phải biết chính xác các tình tiết xảy ra tại hiện trường. Thông tin trên các báo cho thấy có anh T.H.P. (50 tuổi, ngụ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bị tạm giữ hành chính từ chiều tối đến 23h đêm cùng ngày, trong đó có lập biên bản ghi lỗi “dừng xe trái quy định”.

Tôi cho rằng, cơ quan chức năng bắt lỗi như thế là tùy tiện vì dừng xe lâu mà xử lý lỗi “dừng xe trái quy định”, trong khi nơi tài xế dừng xe để mua vé qua trạm không phải là vị trí cấm dừng.

Trường hợp thứ hai là anh N.M.T. (tỉnh Sóc Trăng), báo chí cũng cho biết bị lực lượng công an đưa về “kiểm tra nồng độ cồn, xét nghiệm ma túy”. Nếu đúng như thế thì lực lượng công an địa phương này thực hiện quyền kiểm tra không phù hợp. Bởi chỉ có lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn tại chỗ hoặc tại chốt kiểm soát. Đối với việc anh T. bị thực hiện xét nghiệm về sử dụng ma túy là phụ thuộc vào nhận định khả nghi có sử dụng ma túy theo luật Phòng chống ma túy. Nếu anh T. không có dấu hiệu sử dụng ma túy mà tiến hành xét nghiệm là không đúng các quy định của pháp luật.

Mối quan hệ pháp luật trong việc mua vé qua trạm BOT là giao dịch dân sự, chỉ khi có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cơ quan Nhà nước mới có thẩm quyền can thiệp theo luật định. Trong trường hợp sự việc xảy ra tại trạm BOT Cai Lậy thuộc tỉnh Tiền Giang mấy ngày qua như thông tin qua báo chí, tôi cho rằng không thể huy động lực lượng cảnh sát hùng hậu để trấn áp tài xế thanh toán giao dịch vé qua trạm chậm gây ùn tắc giao thông.

Xin cảm ơn luật sư đã chia sẻ!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.