PV: Xuất phát từ đâu, NTK Thủy Nguyễn lên ý tưởng thiết kế bộ phượng bào của nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga?
NTK Thủy Nguyễn: Khi tham quan Hoàng thành Huế, tôi luôn có một khát khao sẽ thiết kế một bộ phượng bào lộng lẫy. Từ xưa, Hoàng phục trong cung đình phải tuân thủ vô vàn quy tắc. Từ chất liệu vải, màu sắc, họa tiết, đường nét cắt may, cách thêu đính lên triều phục, rồi cả giày, mũ... đều có những quy định cho từng thứ bậc, chức sắc ở chốn cung đình.
Dương Vân Nga là bậc mẫu nghi thiên hạ. Phẩm phục của bà phải hết sức chú ý đến sự tự tôn dân tộc và lịch sử. Tiếc rằng, cổ phục chuẩn mực thật nan giải tiếp cận cho đúng. Chúng ta đã có nhiều nghiên cứu về cổ phục, song cũng chủ yếu là trong giai đoạn từ nhà Hậu Lê đến nhà Nguyễn, còn xa hơn sử liệu hiếm hoi, còn bị “đứt gãy”. Tuy vậy, tôi vẫn sẽ cố gắng tìm kiếm và góp nhặt thêm các tư liệu, đồng thời cũng tham khảo thêm tạo hình và hoàng phục qua các thời kỳ.
Bộ phượng bào được thiết kế với ba tiêu chí. Đầu tiên, phải đẹp, rực rỡ, uy nghiêm. Kế tiếp, phải thể hiện được tính cách, tâm tư của nhân vật – nổi trội là tính độc lập và lòng yêu nước. Cuối cùng là phải truyền đạt được thông điệp của kịch bản.
NTK Thủy Nguyễn
PV: Chị đã đối diện với những “cửa ải” nào để thiết kế nên trang phục lộng lẫy này?
NTK Thủy Nguyễn: Khó khăn lớn nhất của việc thiết kế phục trang cho phim Quỳnh hoa nhất dạ là tôi cần xác định được ngưỡng của sáng tạo, nơi mình được phép tự do, tìm được ngôn ngữ thể hiện cho những gì mình muốn nói ra, mà vẫn giữ chất dân tộc và tính lịch sử.
Thực ra, trước khi bắt tay vào làm, tôi có đến viếng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành - Dương Vân Nga tại cố đô Hoa Lư, Ninh Bình để xin chia sẻ, và cũng thầm hỏi bà về việc mình sẽ tiếp nhận phần tạo hình phục trang của bà trong dự án. Chúng ta không biết quá rõ về phẩm phục của bà và triều phục thời Đinh, Lê. Vấn đề là cách tiếp cận, sự sáng tạo và chấp nhận tương đối, tôi sẽ nghiêm túc xem lại thiết kế của mình.
PV: Tuy nhiên, khi những hình ảnh đầu tiên của bộ phượng bào được hé lộ, xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, thiết kế này “quá xa lạ với người Việt” và “hơi hướng nhà Thanh của Trung Quốc, đặc biệt là ở dáng áo và nút áo”. Chị phản hồi thế nào về những ý kiến này?
NTK Thủy Nguyễn: Đúng là chiếc nút áo trong bộ trang phục có hơi hướng của thời sau này. Tuy nhiên, chúng tôi tham khảo dựa trên cúc của áo tần nhà Nguyễn, chứ không phải là nút áo “mang âm hưởng Mãn Thanh” như mọi người bình luận. Tôi chọn kiểu nút áo này, để giúp cho việc cố định lớp áo bên trong tốt hơn, cũng như để tạo sự thoải mái cho người mặc khi phải khoác lên mình bộ trang phục nhiều lớp như vậy.
Đây là lần đầu tiên tôi làm về một hình tượng lớn trong lịch sử Việt Nam, nên áp lực là chắc chắn. Sự cầu thị của bản thân cũng là một “bài toán” cho mình, và tôi trân trọng mọi ý kiến đóng góp.
PV: Liệu rằng, sau những góp ý của công chúng, NTK Thủy Nguyễn và ê-kíp có ý định chỉnh sửa lại thiết kế này không?
NTK Thủy Nguyễn: Sau bộ trang phục đầu tiên này, tôi đã tiếp nhận được nhiều thông tin hơn, cũng như hình ảnh mà mình muốn xây dựng tiếp theo. Tôi cũng nhìn thấy được những điều, mình còn cần phát triển và củng cố. Một lần nữa xin cảm ơn các bạn độc giả đã quan tâm và đóng góp rất thiết thực và cụ thể cho dự án.
Cảm ơn NTK Thủy Nguyễn về cuộc trao đổiH.L