Cả năm đã gắng sức để hoàn thành công việc, gần đến Tết rồi, cớ sao không gác lại mọi thứ mà nghỉ xả hơi cho khỏe? Nhưng nếu ai cũng nghĩ thế thì ai làm việc và cống hiến?
Những ngày giáp Tết, không khí làm việc ở hầu như mọi cơ quan, công ty, tập thể nào cũng uể oải, lờ đờ. Cơ quan lác đác vài bóng người. Người bận sắm Tết, người lo chân trong chân ngoài. Ai cũng cho rằng sắp Tết rồi, không cần làm việc cố sức như trong năm, chỉ làm cầm chừng rồi còn chờ liên hoan, nhận lương thưởng.
Nhưng thực tế mà nói, chẳng cần đến cuối năm mới có tình trạng như vậy, mà ngay trong năm, kiểu làm việc chống chế, chậm chạp ấy vẫn duy trì thường xuyên ở không ít nơi. Chỉ là cuối năm thì tình hình thảm hại hơn.
Đã từ lâu, chúng ta vẫn thường nói về cung cách làm việc thiếu nhiệt huyết, ì ạch, của người lao động, từ nhân viên trong các cơ quan nhà nước cho đến doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất. Người Việt Nam bị đánh giá là làm việc thiếu kỷ luật, vô tổ chức, thường không coi trọng những quy định, quy tắc công sở.
Chúng ta vẫn thường tự hào người Việt Nam thông minh, chăm chỉ, sáng tạo, có chí tiến thủ, nhưng dường như suy nghĩ đấy vẫn có chút nào đó mang tính chất tự khen người nhà.
Người Việt Nam có thể sáng tạo, có thể tay nghề tốt, nhưng “tính xấu” khôn lỏi và tính toán cũng không ai bằng, trong khi năng suất lao động lại thua xa các nước khác. Điều này đã được thể hiện rõ trong các thống kê, ví dụ như năm 2019, năng suất lao động của chúng ta vẫn chỉ bằng 7,6% năng suất của Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia; 56,9% NSLĐ của Philippines và 6,89% của Brunei.
Từ giờ giấc cho đến cung cách làm việc, người Việt vẫn còn nhiều điều cần phải nói. Ở nhiều cơ quan, không hiếm những nhân viên sáng 9-10h mới đến đi làm, 12h nghỉ ăn trưa, ngủ trưa đến 2h mới dậy, rồi 4h đã lục đục ra về. Công việc hôm nay gối sang ngày mai. Việc nhiều, việc ít cũng mất từng ấy thời gian để giải quyết. Nhắc việc thì mới làm, không nhắc thì lờ đi. Hô hào hôm trước hôm sau lại y nguyên.
Chị em phụ nữ thì đủ thứ việc trên đời có thể chiếm dụng thời gian cơ quan. Từ ma chay, hiếu hỉ, đón con, cha mẹ đau ốm, việc nhà, cho đến sinh đẻ. Có những câu chuyện tưởng đùa mà thật khi phòng ban 10 người mà có đến 5 chị em cùng nghỉ đẻ một lúc. Số người còn lại không kham nổi việc, dẫn đến hiệu quả công việc không cao, gián đoạn.
Chúng ta chây ì, lười nhác và hay kiếm cớ? Cho thoải mái thời gian thì tận dụng, gò bó thời gian thì tìm cách luồn lách. Việc nặng, thoái thác, đùn đẩy, việc nhẹ bôi mãi không xong.
Chạm vào quyền lợi là sưng sỉa đòi đình công rồi hả hê coi đó là biết đấu tranh cho bản thân, thay vì nghĩ cho những cái khó khăn của tập thể. Rồi chân trong, chân ngoài, chỉ cần có chỗ ngồi tại công ty, còn bản thân làm công việc khác.
Đấy cũng là một trong những lý do khiến năng suất làm việc của người Việt Nam mãi không khá lên.
Nhìn sang các nước láng giềng, chúng ta có thể dễ dàng hiểu được vì sao nền kinh tế các nước đó lại có động lực phát triển mạnh mẽ như vậy. Tất cả đều đến từ nguồn lực của con người như người xưa từng nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nguồn lực con người ở đây không chỉ ở năng lực mà còn ở ý thức và thái độ làm việc cống hiến.
Ở Nhật Bản, người ta thường nói về “văn hóa làm việc đến chết” (karoshi) theo đúng nghĩa đen. Dù vẫn còn tranh cãi về những tác động tiêu cực đến sức khỏe và xã hội, nhưng không thể phủ nhận rằng chính thái độ làm việc nghiêm túc, hết mình mà người Nhật đã làm nên cái gọi là kỳ tích kinh tế trong giai đoạn cuối thế kỷ 20. Từ một đất nước tan hoang sau chiến tranh, người Nhật với tinh thần “chiến binh” đã đưa nền kinh tế cất cánh, trở thành quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới.
Tâm lý khá phổ biến của người Việt là chỉ cần làm việc ít là thích chí - hay muốn làm thêm phải đòi hỏi đãi ngộ thật thỏa đáng – trong khi ngược lại, người Nhật lại cảm thấy vinh dự khi được “sống chết” với công ty, họ tin rằng làm việc ngoài giờ là niềm tự hào và nghỉ ngơi là nỗi xấu hổ. Trong môi trường mà ai ai cũng lao động một cách không biết mệt mỏi, nhiều người Nhật thậm chí còn không dám tan làm sớm ngay cả khi đã hoàn thành công việc vì sẽ bị coi là lười biếng.
Nhìn sang Trung Quốc, đi cùng với sự phát triển nóng của đất nước, các công ty công nghệ của nước này gần đây cũng đang áp dụng văn hóa làm việc 996 – tức là làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần. Thậm chí, để duy trì nền kinh tế ban đêm, giờ làm việc ở một số trung tâm kinh tế lớn còn không cố định theo giờ giấc. Nhân viên sẽ làm việc bất kỳ lúc nào cần thiết, thậm chí là ngủ qua đêm tại công ty.
Làm việc thêm ngoài giờ từ lâu đã là một quy tắc bất thành văn ở Trung Quốc và đây được coi là một cách để thể hiện văn hóa làm việc và chứng minh sự cống hiến trong công việc của người lao động. Sự cạnh tranh và yêu cầu khắc nghiệt của công việc đòi hỏi mọi người phải tự nỗ lực nếu không muốn bị sa thải.
Ngay cả Mỹ, một quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới, người Mỹ cũng được đánh giá là làm việc chăm chỉ hơn hầu hết các quốc gia phát triển khác. Dù ở vị thế số một nhưng họ chưa bao giờ tỏ ra lười biếng hay ngủ quên trên chiến thắng. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy người Mỹ làm việc nhiều hơn khoảng 20% so với các quốc gia châu Âu và nghỉ ít ngày hơn mỗi năm.
Chúng ta không cần phải áp dụng, làm theo văn hóa làm việc theo kiểu khắc nghiệt và có phần cực đoan như Nhật Bản hay Trung Quốc. Nhưng chúng ta sẽ cần phải xóa bỏ cách làm việc vô tổ chức, để tiến đến những phương thức chuyên nghiệp hơn.
Khi đất nước đang trên đà phát triển, hội tụ với thế giới, nguồn lực con người càng cần phải được trau dồi, tăng cường cả về chất và lượng. Và nếu như bản thân chúng ta không cố gắng cho chính mình, thể hiện bản thân trong công việc thì sẽ không thể nào nhận được sự tưởng thưởng xứng đáng.
Trong công việc, người Việt vẫn đang quanh quẩn trả lời câu hỏi làm trước hay hưởng trước. Ai cũng muốn phải được trả công trước mới cố gắng làm việc. Còn nếu như không được tăng lương, không được thưởng thì chỉ làm việc chống chế, không năng nổ 100%. Rồi hùa với nhau rằng, trả công như thế, không cần phải làm nhiều.
Nhưng đứng trên góc độ người sử dụng lao động, chẳng có công ty nào dám bỏ tiền ra trả trước cho bạn khi bạn chưa thể hiện hay đóng góp được điều gì. Cái họ cần là sản phẩm hữu hình chứ không phải lời nói, là giải pháp để khắc phục chứ không phải lời biện minh.
Vòng xoay nhân sự rất khắc nghiệt, ai không thể hiện được năng lực và cống hiến sẽ bị loại bỏ. Chỉ có những người có tâm, có tầm mới tồn tại được trong sự khắc nghiệt đó. Đừng ghen tỵ khi nhìn người khác được trọng dụng còn mình thì không. Đơn giản vì bạn không biết rằng họ đã cố gắng đến thế nào để đạt được thành công, còn bạn đã ích kỷ đến thế nào để tự loại bỏ cơ hội của chính mình.
Thời đại cạnh tranh kinh tế, chúng ta phải làm việc theo phong cách chín chắn của một người trưởng thành chứ không phải hờn dỗi như một đứa trẻ con chỉ biết đòi quà.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.